Bức xúc tại hội nghị Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), tổ chức hôm qua tại TPHCM, hàng loạt DN khắp miền Trung, Nam cho hay, bởi thiếu nguyên liệu hải sản cho chế biến xuất khẩu trầm trọng nên DN nguy cơ phá sản, nhà máy đóng cửa, công nhân “treo niêu”.
Nguyên nhân bên cạnh giá xăng dầu tăng, tàu cá nằm bờ thì còn bởi thương nhân Trung Quốc vơ vét hải sản bằng mọi giá, thậm chí “vét” ngay trên biển…
Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản
Theo các DN đến từ miền Trung thì hiện rất nhiều DN các tỉnh Bình Định, Phú Yên... gặp khó khăn vì thiếu nguyên liệu hải sản cho chế biến xuất khẩu. Hiện DN chỉ thu mua được trung bình từ 2-3 tấn nguyên liệu/ngày, chỉ bằng 1/2 so với cùng kỳ năm ngoái.
Chính bởi vậy, theo ông Phạm Xuân Nam (Cty CP Đại Thuận - Nha Trang) cho biết, lượng nguyên liệu mà DN ông “vét” hết sức cũng chỉ đáp ứng khoảng 30% công suất chế biến.
Lặn lội vào tận các tỉnh khác như Bình Thuận, BRVT, Cà Mau, Kiên Giang tìm mua nguyên liệu, các DN miền Trung cũng khốn đốn vì nơi đây cũng chung cảnh ngộ. Hiện tại, nhiều nhà máy ở “vựa thủy sản” Cà Mau chỉ chạy giỏi lắm 50 - 60% công suất. Còn tại BRVT thì chỉ đạt cỡ 30-40% công suất.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc (Phó Chủ tịch Vasep), nguyên liệu tại nhiều vùng đánh bắt, các loại hải sản có dấu hiệu cạn kiệt. Sự khan hiếm nguyên liệu cùng với chi phí đầu vào tăng từ đầu năm đến nay có khoảng 147 DN quay lưng với công nghiệp chế biến, xuất khẩu hải sản. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến từ đầu năm đến nay có thêm 15 thị trường mới, nhưng bị mất tới 14 thị trường cũ.
Thường thì các DN chế biến và xuất khẩu thuỷ sản phải vay tới hơn 50% vốn ngân hàng. Với lãi suất tới 24%, cùng với khó khăn nguyên liệu và những chi phí đầu vào như xăng dầu nhân công tăng vọt... đã khiến doanh thu và lợi nhuận họ tụt giảm ghê gớm. Điển hình như Cty CP Nam Việt (An Giang) quý I/2011 doanh thu đã giảm hơn 30%, lợi nhuận giảm hơn 61% so với cùng kỳ năm 2010.
“Thiếu nguyên liệu nên tìm mọi cách mua bằng mọi giá, trong khi chi phí đầu vào cao ngất ngưởng mà giá xuất khẩu không tăng sẽ dẫn tới nguy cơ hàng loạt DN phá sản” - bà Sắc lo lắng!
Lỗi tại xăng, dầu, điện, nước
Nguyên nhân đầu tiên dẫn tới khan hiếm nguyên liệu hải sản cho chế biến trầm trọng, theo các DN, bởi chi phí đầu vào (xăng dầu, điện nước, nhân công...) tăng vọt, khiến hàng ngàn tàu cá các tỉnh có biển đã nằm bờ.
Như Bến Tre, bởi chi phí đầu vào tăng, dẫn tới chi phí chung cho mỗi chuyến đi biển đã tăng gần 40%, mà giá các loại thủy hải sản đánh bắt được chỉ tăng nhẹ khiến đã có hơn 800/4.000 phương tiện đánh bắt thủy sản đang nằm bờ. Tương tự, tại BRVT, đã có 1.260/ 6.714 chiếc tàu cá phải nằm bờ.
“Chảy máu” nguyên liệu hải sản
Nguyên nhân chính yếu hơn, theo các DN là do thương nhân Trung Quốc tìm mọi cách cạnh tranh giành mua nguyên liệu của Việt Nam không chỉ trên bờ, mà ngay tại tàu thuyền của ngư dân khi còn lênh đênh trên biển. Họ mua bằng mọi giá, thậm chí luôn tìm cách đẩy giá cao hơn giá DN Việt Nam. Bức xúc đến mức, để giữ khách hàng và tạo việc làm giữ chân công nhân, ông Nguyễn Điển (GĐ Cty CP Procimex - Đà Nẵng) đã chỉ đạo nâng giá cao hơn mức giá phía thương nhân Trung Quốc đưa ra, nhưng vẫn không mua đủ nguyên liệu.
Ông Phạm Xuân Nam (Cty CP Đại Thuận - Nha Trang) cho rằng, nguồn hải sản được thương nhân Trung Quốc mua trực tiếp từ ngư dân trên biển rất lớn. Đây là một hình thức trốn thuế, không chỉ không thể thống kê được giá trị xuất khẩu của ngành, mà trái lại còn làm mất cân đối cán cân thương mại, tăng tỉ lệ nhập siêu với Trung Quốc.
Bà Sắc cho rằng, đến lúc cơ quan chức năng Việt Nam nên nghĩ tới phương án giữ nguồn nguyên liệu trong nước, giống như cách làm của Indonesia khi thực hiện lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu hải sản trong nước.
Theo Ngô Sơn
Lao Động