Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá phân bón tăng cao: Thị trường có đủ nguồn cung?
12 | 05 | 2008
Chưa bao giờ giá phân bón thế giới lại tăng cao như hiện nay. Theo Hiệp hội Phân bón VN, giá đã tăng kỷ lục trong vòng 35 năm qua.
Do giá tăng cao, trừ Cty phân đạm và hoá chất Phú Mỹ (Cty ĐPM) là chủ động về giá, các nhà sản xuất trong nước đều "nếm mùi" thua lỗ do giá nguyên liệu tăng cao, còn các đầu mối NK thì cũng đang "nghe ngóng".

Tăng giá thấp hơn giá thế giới

Nguồn cung phân bón trong nước thấp hơn nhu cầu thị trường và còn phụ thuộc vào nguyên liệu NK là nguyên nhân khiến giá phân bón bị "ăn theo" giá thế giới. Theo Hiệp hội Phân bón VN, giá FOB của phân urê tăng trung bình từ 56-59%, giá kali tăng lên 204%, phân DAP tăng tới 306-340%. Cá biệt có mặt hàng như sulphur tăng từ 780 đến trên 1.000%... đã thiết lập một mặt bằng giá mới.

Trong khi đó, nguồn cung trong nước, ngoài Cty ĐPM, Cty phân đạm Hà Bắc, các Cty sản xuất super lân và phân lân nung chảy, thì hiện cả nước vẫn còn NK khoảng 47% lượng phân đạm urê, 100% phân SA, 100% sulphur, 100% kali... Đặc biệt, lượng phân đạm, chiếm đến 50% tổng cầu, hiện giá NK FOB, sau khi cộng thêm các chi phí vận chuyển, bốc xếp, bảo hiểm về đến VN đã vào khoảng 12.000đ/kg.

Nguồn cung cho thị trường VN theo đường tiểu ngạch Trung Quốc lại đang bị chặn lại do phía TQ tăng thuế XK phân bón từ 35% lên 135%, đồng thời siết chặt cửa khẩu khiến hàng phân bón tiểu ngạch không về VN. Vì vậy, nguồn cung chủ yếu cho thị trường trong nước là sản xuất trong nước và NK chính ngạch.

Theo tính toán của Cty ĐPM: Nguồn hàng trong nước cân đối cho vụ hè thu đến cuối tháng 5 đã tạm đủ. Dự báo, tổng cầu cho mùa vụ khoảng 650.000 tấn phân urê, trong đó nguồn cung trong nước là 500.000 tấn và cần NK thêm khoảng 150.000 tấn. Riêng Cty ĐPM, từ đầu năm đến nay đã sản xuất được 210.233 tấn phân bón, cung cấp ra thị trường 171.298 tấn.

Để tham gia bình ổn thị trường, ĐPM lên kế hoạch NK 150.000 tấn phân bón các loại, trong đó hơn 100.000 tấn đã về VN. Giá bán phân bón được TĐ Dầu khí chỉ đạo giảm từ 10-15% so với giá bán trên thị trường, đã góp phần đưa giá phân bón trong nước xuống thấp hơn giá NK thế giới...

Chặn nạn "chảy máu" phân bón

Mức giảm giá phân bón của ĐPM 10-15% được coi là khá "ấn tượng" trong bối cảnh kiềm chế tốc độ tăng giá, giảm bớt gánh nặng cho nông dân. Song ở một khía cạnh khác, nhiều ý kiến không khỏi tỏ ra lo ngại. Do giá phân bón tăng cao, trong khi ĐPM kể cả sản xuất trong nước và NK mới chiếm khoảng 50-70%, phần còn lại được NK bởi các đầu mối kinh doanh phân bón khác.

Tuy nhiên, với mức giá giảm nêu trên, sẽ không có nhà NK nào dám "đương đầu" nhập về để gánh lỗ (trừ nhập tiểu ngạch). Nếu các DN khác không nhập thì gánh nặng cung ứng cho thị trường sẽ đổ dồn cho ĐPM, lúc đó, ĐPM có gánh được không?

Trong khi đó, lấy gì để đảm bảo rằng sự chênh lệch giá phân bón không dẫn đến việc đầu cơ, tích trữ, mua bán hoá đơn trao tay để kiếm lời? Giá phân bón trong nước quá chênh lệch với các nước trong khu vực sẽ xảy ra tình trạng xuất lậu phân bón... Và tình trạng "vét" hàng để xuất sẽ dẫn đến thiếu hàng trong nước?

Trả lời PV Báo Lao Động về việc ĐPM sẽ làm gì để chống đầu cơ, ông Hoàng Xuân Hùng, Uỷ viên HĐQT ĐPM cho rằng: Trong lúc chưa hình thành mạng lưới phân phối độc lập, ĐPM yêu cầu các Cty làm đại lý ĐPM phải có cửa hàng bán đến tận tay nông dân, nhưng thực tế là rất ít các Cty thương mại đảm nhận được việc này.

Bên cạnh đó, biện pháp là Bộ NNPTNT đang đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ tạm ngừng việc XK phân đạm để phục vụ cho vụ hè thu, đồng thời tăng thuế XK để hạn chế việc đem phân đạm trong nước bán ra nước ngoài.

Ninh Bình: Vinachem khởi công nhà máy đạm 560.000 tấn/năm. Ngày 10.5, tại KCN Ninh Phúc (Ninh Bình), TCty Hoá chất VN (Vinachem) đã làm lễ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất phân đạm từ nguyên liệu than cám, công suất 560.000 tấn urê/năm (tương đương với 1.760 tấn/ngày). Tổng mức đầu tư của dự án trên 11.000 tỉ đồng (tương đương 667 triệu USD) với thời gian thực hiện 42 tháng. Tổng thầu EPC thực hiện dự án là TCty Tư vấn và thầu khoán Hoàn Cầu (Trung Quốc). Sau khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần đáp ứng khoảng 65-70% nhu cầu đạm urê cả nước.

Các chủ vựa phân bón kêu trời.
Từ lâu đã hình thành hệ thống ứng trước phân bón và thu lại sản phẩm cho nông dân vùng Đồng Tháp Mười. Các chủ vựa phân bón trong tỉnh vào đầu vụ cho xe, ghe tải chở phân bón đến tận các xã vùng sâu Đồng Tháp Mười ứng trước cho nông dân, để đến vụ thu hoạch nhận lại lúa (theo giá thực tế) với lãi suất tiền phân từ 2 - 3%/tháng. Phân bón tăng giá đột biến, các chủ vựa kêu trời vì lỗ nặng. Chủ vựa Chín Truyền (thị xã Tân An) cho biết, đã ứng trước cho nông dân hàng ngàn bao phân bón DAP với giá thấp, chịu thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

>> Nông dân ngổn ngang tâm trạng
>> Giá đã chớm giảm
>> CTCP Phân đạm Phú Mỹ sẽ chuyển thành TCty
>> Nguy cơ nhiều công trình đứng bánh
>> Không mua nguyên liệu giá rẻ, chỉ mua giá đắt!


Nguồn: Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường