Nguyên nhân là do giá vật liệu phân bón tăng cao
Theo Bộ Công Thương, từ cuối năm 2007 đến nay, giá phân bón trên thị trường thế giới tăng cao nhất trong vòng 35 năm qua đã gây nhiều diễn biến phức tạp. Kết hợp với tăng chi phí sản xuất trong nước nhưng giá bán phân bón chưa được điều chỉnh đã khiến nhiều DN trong nước sản xuất cầm chừng để tránh thua lỗ. Trong khi sản xuất phân bón trong nước, mới đáp ứng được khoảng 40% nên áp lực cung cầu ở thị trường phân bón trong nước càng thêm phức tạp. Chính việc giá phân bón tăng cao như trên đã khiến phân bón giả, nhái, kém chất lượng xuất hiện nhiều và trên diện rộng. Có tới 40 - 50% số mẫu giám định có chất lượng thấp hơn mức đã công bố, chất có ích (N, P, K…) trong hỗn hợp đạt không quá 40%, có mẫu đạt rất thấp so với mức đã công bố. Đặc biệt có công ty sản xuất sản phẩm phân NPK có hàm lượng dinh dưỡng đăng ký 51% nhưng kiểm tra thực tế của cơ quan chức năng chỉ có 2,94%. Thị trường tiêu thụ chính của phân bón kém chất lượng là Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Số liệu thống kê cho thấy khoảng 80 - 90% phân bón kém chất lượng thuộc về phân bón vô cơ. Phần lớn các loại phân bón này là của doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ, không chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu, chỉ thành lập và hoạt động trong thời gian ngắn kiếm tiền rồi giải thể.
Cần xây dựng quy chuẩn phân bón
Ngay cuối năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định 191/2007/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2003/NĐ-CP ngày 7/10/2003 của Chính phủ về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón. Theo đó, có 10 điều được sửa đổi. Trong điều 1 được sửa đổi đã ghi rõ: Nghị định này quy định việc đăng ký khảo nghiệm và công nhận phân bón, đặt tên và đổi tên phân bón, sản xuất, gia công, nhập khẩu, kinh doanh và quản lý nhà nước về phân bón nhằm bảo hộ lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, bảo vệ độ phì nhiêu của đất và môi trường sinh thái. Các loại phân bón để được công nhận bổ sung vào Danh mục phân bón phải khảo nghiệm và đưa qua khảo nghiệm, được Hội đồng khoa học chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định. Ngoài điều kiện này, tổ chức, cá nhân sản xuất các loại phân bón phải có máy móc, thiết bị phù hợp để sản xuất phân bón đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định; có hoặc thuê phòng phân tích kiểm nghiệm chất lượng có đủ điều kiện theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; có hoặc thuê ít nhất một cán bộ kỹ thuật chuyên môn đạt trình độ từ đại học trở lên đáp ứng công nghệ sản xuất loại phân bón đó.
Mức phạt vi phạm về chất lượng là quá thấp
Mặc dù đã có Nghị định bổ sung về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón, nhưng thực tế hiện nay, trong các văn bản pháp luật về quản lý phân bón cũng chưa có quy định cụ thể phân bón ở chất lượng nào là kém chất lượng và đến mức nào gọi là phân bón giả. Về chế tài xử lý vi phạm, mức xử phạt quá thấp khiến các đối tượng liên tiếp vi phạm. Mức phạt cao nhất hiện nay với vi phạm về chất lượng là 20 triệu đồng mà không có hình thức xử phạt bổ sung là thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Mức xử phạt còn rất thấp so với lợi nhuận mà đối tượng làm hàng giả thu được. Hơn nữa, việc quy định người lấy mẫu phân bón để đi kiểm tra hiện nay phải là người được đào tạo và có chứng chỉ cũng đang gây những khó khăn cho cơ quan quản lý. Nên chăng, cần giao cơ quan chức năng nghiên cứu về việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với mặt hàng phân bón. Đồng thời, cần xây dựng quy chuẩn để xem xét mức độ giảm chất lượng nhằm phân biệt phân bón giả, phân bón kém chất lượng với phân bón chất lượng. Ngành Công Thương cần thiết lập hệ thống phân phối đến cơ sở để người tiêu dùng tiếp cận được nguồn hàng đảm bảo chất lượng.