Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giài pháp bình ổn thị trường phân bón
26 | 03 | 2009
Từ cuối năm 2008, giá phân bón trong nước ổn định trở lại. Ðến những tháng đầu năm 2009, giá phân bón có chiều hướng tăng lên do chịu tác động tăng giá của thị trường phân bón thế giới.

Hiện giá u-rê bán lẻ trong nước phổ biến ở mức 6.500-6.800 đồng/kg, các loại phân khác như SA, ka-li, phân lân, NPK... cũng có xu hướng tăng trong hai tháng đầu năm 2009.

Qúy 2-2008, giá các nguyên liệu và các loại phân bón tăng cao chưa từng có, trong đó phân u-rê tăng bình quân 830 USD/tấn, phân DAP tăng 1.200 USD/tấn, phân ka-li tăng 1.015 USD/tấn... Lợi dụng giá phân bón tăng cao, nông dân khó khăn, một số doanh nghiệp đã đưa ra nhiều loại phân kém chất lượng, phân giả của hơn 60 xí nghiệp, công ty bán ra thị trường ở hơn 30 tỉnh, thành trên cả nước. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các ngành chức năng, các tỉnh, thành tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm khắc những đơn vị sản xuất phân bón giả, kém chất lượng. Nhờ vậy, chất lượng phân bón đã phần nào đi vào ổn định. Ðến quý 3-2008, chuẩn bị vào vụ đông xuân nhưng phân bón lại không bán được mặc dù giá đã giảm nhiều. Trong xu thế giá phân bón liên tục hạ, nông dân chờ đợi và vụ đông xuân 2008 các tỉnh miền trung lũ lụt lớn làm cho lượng phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu tồn kho lớn. Tổng lượng tồn kho gần hai triệu tấn các loại, trong đó super lân hơn 300.000 tấn, u-rê cả sản xuất và nhập khẩu tồn hơn 150.000 tấn, ka-li và DAP nhập khẩu tồn 100.000 tấn... Nhiều nhà sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh phân bón đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm giảm giá phân bón nhưng kết quả vẫn không khả quan. Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, lượng phân bón tồn kho trong quý 4-2008 so với cùng kỳ năm 2007 bị ứ đọng 25 đến 30% gây ra những áp lực đối với các nhà sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh.

Ðến 10/01/2009, giá u-rê ở một số thị trường trên thế giới đã bắt đầu nhích lên do các nước đã bước vào sản xuất vụ xuân, hàng tồn kho ở trên thế giới cạn dần. Hiện giá phân u-rê thế giới đang ở mức hơn 300 USD/tấn, tăng tới 100 USD/tấn so với cuối năm 2008. Theo dự báo, xu hướng tăng giá này sẽ tiếp tục duy trì trong một vài tháng tới. Giá phân bón thế giới đảo chiều đã tác động giá phân bón trong nước tăng nhẹ trong hai tháng đầu năm. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng từ thế giới không lớn khi xu hướng giá phân bón trong nước chỉ tăng với tốc độ nhẹ và có thể coi là ổn định. Một số loại phân bón trước đây nước ta vẫn phải nhập khẩu 100% như phân DAP... thì nay đã có thể tự sản xuất đáp ứng một phần nhu cầu trong nước, hạn chế được sự phụ thuộc vào thị trường bên ngoài. Ðối với phân u-rê, tổng cung trên thị trường (bao gồm cả lượng hàng tồn kho và lượng hàng sẽ nhập khẩu về) trong quý 1-2009 khoảng 580.000 tấn, bảo đảm nhu cầu phân u-rê của cả nước. Bên cạnh đó, nhập khẩu phân bón trong hai tháng đầu năm 2009 ước tính đạt khoảng 530 nghìn tấn, tăng gần 80% về lượng và tăng hơn 66% về trị giá so với cùng kỳ. Trong đó, đáng chú ý nhập khẩu u-rê hai tháng đầu năm ước tính đạt 194 nghìn tấn, trị giá 56 triệu USD, tăng hơn 200% về lượng và tăng 188% về kim ngạch. Nguyên nhân giá phân bón thế giới đầu năm 2009 đã giảm quá mạnh so với đầu năm 2008 dẫn đến các doanh nghiệp vẫn đẩy mạnh nhập khẩu để bão hòa với lượng phân nhập khẩu giá cao trước đây. Hơn nữa, quý 1-2009 là thời gian cả nước trong kỳ cao điểm sản xuất vụ đông xuân, nhu cầu tiêu thụ phân bón đã tăng lên. Hoạt động buôn bán, phân phối, vận chuyển phân bón đã có sự sôi động trở lại sau tình trạng ảm đạm cuối năm 2008, do vậy, giá phân bón trong nước đã có sự nhích tăng ngay. Theo tính toán nhu cầu phân bón cho vụ đông xuân (từ cuối tháng 9-2008 đến hết tháng 3-2009) cả nước bao gồm: 870.000 tấn urê, 390.000 tấn SA, 430.000 tấn ka-li, 410.000 tấn DAP và 1,8 triệu tấn NPK.

Tuy nhiên những tháng đầu năm 2009 cũng là thời điểm diễn ra tình trạng sản xuất phân bón giả. Việc làm giả phân bón đang "nóng" trên phạm vi cả nước, nhất là khu vực phía nam. Theo các chuyên gia, sở dĩ có tình trạng "loạn" thị trường phân bón giả, vì ngày càng có thêm nhiều chủng loại phân bón được đưa vào danh mục lưu hành, khiến cho việc quản lý của các cơ quan Nhà nước không theo kịp, việc kiểm tra phân bón hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn về con người và thiết bị máy móc. Trong khi đó, hầu hết các cơ sở sản xuất phân bón giả làm ăn nhỏ, đoàn kiểm tra rất khó phát hiện. Tại Thanh Hóa, một trong những địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn nhất miền bắc, với tổng diện tích gieo cấy lúa vụ xuân năm nay lên tới gần 120 nghìn ha, tình hình buôn bán phân bón giả đang khá phức tạp. Qua kiểm tra đột xuất từ đầu năm đến nay, đoàn công tác liên ngành của tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện được ba vụ làm phân bón giả. Cũng theo thống kê, trong năm 2008, qua kiểm tra tình hình sản xuất phân bón của doanh nghiệp tại phía nam thì có tới 50% số mẫu được kiểm nghiệm kém chất lượng. Ðáng chú ý, những tỉnh phát triển mạnh về trồng trọt thì số lượng phân bón kém chất lượng càng nhiều. Phân bón giả đã gây thiệt hại cho người nông dân khoảng 2.000 tỷ đồng, riêng nông dân ở các tỉnh phía nam thiệt hại 1.200 tỷ đồng.

Ðể tạo đà cho các nhà sản xuất, kinh doanh, buôn bán phân bón và ngăn chặn tình trạng sản xuất phân bón giả, kém chất lượng ra thị trường, Quyền Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy cho biết: Trước hết Nhà nước cần hạ lãi suất ngân hàng đúng mức để tạo đà cho các doanh nghiệp có cơ hội vươn lên; có chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi để khắc phục khó khăn về vốn lưu động do việc tiêu thụ phân bón phụ thuộc vào thời vụ, đồng thời Ngân hàng Nhà nước cho giãn nợ đối với các khoản vốn đã vay nhập khẩu, sản xuất trong năm 2008. Nhà nước cần giảm thuế VAT cho các sản phẩm phân bón từ đó các nhà sản xuất, kinh doanh giảm giá bán cho bà con nông dân; Chính phủ cần hỗ trợ số lãi vay ngân hàng từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2008 cho đến 30-6-2009 vì các khoản nợ ngân hàng đối với vật tư hàng hóa còn tồn kho chưa bán được để kích thích doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, kinh doanh; tăng cường quản lý chất lượng phân bón, giám sát chặt chẽ việc đăng ký sản xuất, đồng thời có chế tài xử lý nghiêm những đơn vị làm phân bón giả, nhái hoặc kém chất lượng.



Nguồn: www.phanbonmiennam.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường