Thời gian qua, hàng loạt vụ vi phạm trong lĩnh vực phân bón đã diễn ra không chỉ khiến người nông dân điên đảo vì mua nhầm phải phân bón rởm, kém chất lượng mà các DN phân bón lớn, uy tín cũng “chết chùm”.
Tại 22 tỉnh, thành phía Nam qua kiểm tra 4.434 mẫu phân bón của các Cty (chỉ chiếm 10% DN bị kiểm tra) đã phát hiện tới trên 50% các mẫu phân bón không đạt chất lượng. Đặc biệt, tại Lâm Đồng, tỉnh này lấy tới 370 mẫu phân bón thì phát hiện 145 mẫu, Bình Dương lấy 99 mẫu có 43 mẫu, An Giang lấy 66 mẫu có 31 mẫu, Kom Tum lấy 21 mẫu thì có 19 mẫu…tất cả đều kém chất lượng.
Ông Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt khẳng định: Các DN vi phạm với rất nhiều lỗi không thể chấp nhận được (phát sinh do cơ chế quản lý hiện nay) như: Nhà xưởng sản xuất chật chội, làm phân bón bằng tay, có máy móc cũng vô cùng lạc hậu, không có phòng thử nghiệm chất lượng. Không chỉ vậy, tình trạng vi phạm về nhãn mác như: quảng cáo “nổ” không đúng với công bố tiêu chuẩn, thậm chí kém “một trời một vực” so với tiêu chuẩn công bố. Vì vậy hàng triệu nông dân phải móc hầu bao “cống” cho những DNSX phân bón thiếu đạo đức.
Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Bùi Bá Bổng: Nhanh chóng ban hành quy chuẩn về cơ sở SXPB Bộ NN-PTNT luôn coi việc quản lý chất lượng phân bón là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Do đó sẽ xây dựng và sớm ban hành chiến lược dài hạn về sử dụng, sản xuất phân bón ở VN từ nay đến 2020, thông qua Luật Phân bón. Ngay trong quý 2 này, Bộ sẽ chỉ đạo làm cuộc tổng điều tra toàn bộ 300 DN sản xuất phân bón để tìm ra năng lực thực sự của từng DN, nhu cầu phân bón của nông dân, khả năng đáp ứng của các DN. Từ đó sẽ làm cơ sở ban hành quy chuẩn về sản xuất phân bón để rà soát những Cty nào không đáp ứng được thì phải đóng cửa. |
Ông Dư khẳng định, nguyên nhân đẩy nông dân vào “ma trận” phân bón do chính hệ thống văn bản pháp quy của chúng ta về phân bón còn chồng chéo (cùng 1 nội dung nhưng có nhiều văn bản của các ngành khác quy định), nhiều đầu mối cùng quản lý. Đặc biệt, việc cấp giấy phép để SX phân bón dễ như…mua mớ rau (cả nước có tới 300 DNSX phân bón). Trái lại, lực lượng thanh tra chuyên ngành chỉ đếm được trên ngón tay(!).Đã vậy, lại thêm các quy định xử lý vi phạm trong lĩnh vực phân bón nhẹ như…lông hồng, khiến nhiều DN biết sai cũng vẫn làm vì mức xử phạt chẳng nhằm nhò gì (cao nhất chỉ 12 triệu trong khi một lô hàng rởm, kém chất lượng trị giá cả tỷ đồng). Nên có một thực tế, nhiều DNSX phân bón kém chất lượng, luôn “hân hoan” chờ để được chịu phạt, nhưng do lực lượng thanh tra quá mỏng nên họ vẫn bình yên vô sự!
Theo ông Lê Quốc Phong – Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón VN, chính vì cơ chế quá thoáng nên những kẻ thiếu lương tâm dễ dàng lập DNSX phân bón. Ông Phong hiến kế: “Để thị trường phân bón ổn định, chất lượng đảm bảo không cách nào khác là ngay từ bây giờ dù có hơi muộn, Chính phủ, Bộ NN-PTNT phải chỉ đạo rà soát các quy chế, quy định làm thước đo xem những DN nào có đủ tiêu chuẩn thì cho tồn tại, không đủ thì giải tán".
Ông Trần Hồng Ruyên – PGĐ Tập đoàn Năm Sao bức xúc không kém: "Chúng tôi đầu tư hàng chục triệu USD để xây dựng NM sản xuất phân bón với công nghệ hiện đại bậc nhất hiện nay. Thế nhưng, thực tế cho thấy nhiều DN làm ăn chụp giựt chỉ có vài chục triệu đồng cũng mở được Cty SX phân bón thì kể cũng lạ".
Các sở NN-PTNT đồng tình: SXPB phải có điều kiện Ông Trần Đức Thu – GĐ Sở NN-PTNT Ninh Thuận hiến kế: "Ngoài biện pháp xử phạt DN vi phạm, Bộ NN-PTNT cần có nhiều biện pháp khác như công bố tên, địa chỉ DN sai phạm trên báo chí, đình chỉ lưu hành sản phẩm...Đặc biệt, cần có trung tâm phân tích mẫu nhanh và thống nhất. Bởi hiện nay, từ lúc đưa mẫu đi kiểm định đến lúc nhận kết quả cũng mất vài tháng, trong thời gian đó DN cũng đã tuồn ra thị trường một lượng lớn phân bón, chưa kể cùng một mẫu thử ở 3 nơi cho 3 kết quả khác nhau"(?!). Đại diện lãnh đạo Sở NN-PTNT Bình Phước cho rằng, nếu không kiểm soát từ gốc thì khó mà quản lý được thị trường phân bón, cho dù có tổ chức các đợt thanh tra cũng chỉ làm phần “ngọn”. Nên chăng quy định, nếu phát hiện vi phạm ngoài xử phạt, cần truy thu toàn bộ lô hàng. Ngoài ra, cần xử phạt các đại lý bán hàng không đảm bảo chất lượng vì chính họ "tiếp tay" cho DNSX phân bón vi phạm. TS Nguyễn Đăng Nghĩa – GĐ Trung tâm Chuyển giao tiến bộ KH-KTNN bức xúc: "Hiện nay có nhiều tên phân bón được cho phép lưu hành rất lạ. Tôi chưa bao giờ nghe tên “Phân hữu cơ, urê supe lân kali” thế nhưng trong danh mục vẫn có. Tôi là thành viên tham gia soạn thảo, chỉnh sửa Pháp lệnh Phân bón đến 7-8 lần, nhưng đến nay chả hiểu vì lý do gì chưa được duyệt. Mà đã không có pháp lệnh thì không xử lý được. Quốc hội cần nhanh chóng thông qua Pháp lệnh Phân bón để bảo vệ nông dân". |