Đâu cũng thấy phân “rởm”
Tới đầu tháng 6 này, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Vĩnh Long đã kiểm tra 17 mẫu phân bón đang bày bán trên thị trường tỉnh này. Kết quả cho thấy có tới hơn 50% số mẫu (8 mẫu) mà hàm lượng các chất không đúng như công bố trên bao bì. Chẳng hạn, trong sản phẩm phân lân hữu cơ của NM Phân bón An Phước (Đồng Nai), hàm lượng hữu cơ được ghi trên bao bì là 20%, nhưng hàm lượng hữu cơ thực tế chỉ đạt 8,9%. Ở các loại phân bón khác hàm đạm, lân, kali…ghi trên bao bì đều cao hơn nhiều so với hàm lượng thực tế. Đoàn kiểm tra liên ngành của Vĩnh Long đã niêm phong các lô hàng kém chất lượng, tiếp tục tiến hành kiểm tra các đại lý cấp 1, cấp 2 và các điểm bán lẻ VTNN ở xóm ấp.
Ở Đồng Tháp, Thanh tra ngành NN- PTNT cũng vừa lấy mẫu đem đi phân tích. Kết quả cho thấy, sản phẩm phân bón NPK của Cty TNHH TM- SX Phân bón Việt Hoa (thôn Bình Giang, xã Sơn Giang, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước) có công thức ghi trên bao bì là 16-16-8, nhưng thực tế hàm lượng N chỉ đạt 5,41%, hàm lượng P chỉ đạt 2,92%, còn hàm lượng K ở mức gần như không có là 0,04%. Sản phẩm NPK của Cty TNHH Thương mại SX Phân bón Việt Thái (ấp 5, xã Tân Lập, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), cũng có công thức trên bao bì là 16-16-8, nhưng hàm lượng thực tế như sau: N 3,34%; P 2,44% và K 1,41%. Trước những vi phạm rõ ràng ấy, Thanh tra ngành NN- PTNT Đồng Tháp đã phạt mỗi Cty trên từ 10-12 triệu đồng và xử phạt 3 đại lý kinh doanh phân bón bán các loại phân vi phạm, với mức phạt 8 triệu đ/đại lý.
Ở Sóc Trăng, trong số những mẫu phân bón đã đem đi phân tích, tỷ lệ phân bón kém chất lượng, phân giả chiếm tới 45%. Còn ở Long An, Thanh tra Sở NN- PTNT đã tiến hành lấy 28 mẫu phân bón đem đi kiểm tra, thì có tới 15 mẫu không đạt yêu cầu. Ở Bến Tre, đã có 10 mẫu phân bón bị phát hiện không đạt. Kết quả kiểm tra hơn 80 cửa hàng kinh doanh phân bón ở Hậu Giang cho thấy phần lớn các cửa hàng đều có bày bán những loại phân bón lá kém chất lượng …
Và ăn gian giá bán
Không thể phủ nhận ở khu vực ĐBSCL giá nhiều loại phân bón đang giảm. Ở An Giang, đến đầu tuần này, giá nhiều loại phân bón do đại lý cấp 1 bán ra giảm từ 100 -200 đ/kg so với tuần trước. Cụ thể, urê chỉ còn từ 6.000- 6.200 đ/kg, DAP Trung Quốc 7.800 đ/kg, super lân Long Thành 2.560 đ/kg, NPK từ 7.500-12.500 đ/kg…Giá phân bón giảm là do lượng phân bón về nhiều, giá nhiều loại phân bón trên thị trường thế giới giảm, trong khi mức tiêu thụ của nông dân không cao.
Thế nhưng, đằng sau những cái giá chung có vẻ giảm và thấp ấy, thì lại có những loại phân bón đang được nhiều đại lý bán cho nông dân với giá cao hơn nhiều so với giá trị thực. Một số nhà SX phân bón tiết lộ, việc đẩy giá này hoàn toàn do các đại lý. Chẳng hạn, nếu giá phân bón NM cung ứng cho đại lý chỉ là khoảng 2.000 đ/kg, thì các đại lý sẵn sàng nâng lên tới 4.000-5.000 đ/kg, khi bán tới tay nông dân. Và chỉ bằng chiêu đẩy giá này, trên mỗi tấn phân bón, đại lý đang thu lời gấp 3-4 lần so với nhà sản xuất. Và người thiệt thòi nhất trong chuyện này, không ai khác ngoài nông dân.
Điều đáng nói là hầu như chưa có nhà sản xuất phân bón nào có hệ thống phân phối riêng, nên họ đang phụ thuộc khá nhiều vào các nhà kinh doanh phân bón ở các địa phương. Những nhà kinh doanh này thường cùng một lúc làm đại lý cho rất nhiều DN phân bón khác nhau, nên luôn sẵn sàng “làm reo” với DN. Do đó, dù không đồng tình với việc giá phân bón của mình bị đại lý đẩy lên quá cao, các DN phân bón cũng chẳng dám có “ý kiến” gì vì sợ bị…tẩy chay.