Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Không thể ngăn chặn nếu chỉ răn đe, nhắc nhở
30 | 07 | 2009
Xử lý hàng giả không thể chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính, nếu không có biện pháp chế tài đủ mạnh thì việc tuyên chiến với các loại hàng giả chẳng khác gì "bắt cóc bỏ đĩa".
Thời gian gần đây, dư luận xã hội lại thêm một lần xôn xao khi Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) lấy ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón.

Xử lý hàng giả không thể chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính, nếu không có biện pháp chế tài đủ mạnh thì việc tuyên chiến với các loại hàng giả chẳng khác gì "bắt cóc bỏ đĩa".

Về mục đích của dự thảo có lẽ không cần phải bàn vì người tiêu dùng không muốn phải bỏ tiền mua phải hàng giả. Liệu rằng khi Nghị định xử phạt hành chính đối với lĩnh vực phân bón có hiệu lực thi hành có hạn chế được tình trạng sản xuất, buôn bán phân bón giả, kém chất lượng như hiện nay.

Sự vào cuộc "không đến nơi đến chốn" của các cơ quan có thẩm quyền, biện pháp chế tài nửa vời "phạt cho tồn tại" và phạt cho có... trong những năm qua chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng giả các sản phẩm ồ ạt, xuất hiện công khai trên thị trường trong nước, trong khi người tiêu dùng không có đủ cơ sở, điều kiện để phân biệt đâu là hàng giả, hàng kém chất lượng.

Bạn đọc Nguyên Vinh (Hà Nội) cho rằng, với biện pháp chế tài của nước ta lâu nay không đủ răn đe các cơ sở sản xuất hàng giả. Tại sao chỉ phạt tiền mà không áp dụng biện pháp cứng rắn hơn như đóng cửa DN nếu tái phạm từ lần thứ hai trở đi, nếu vụ việc nghiêm trọng, hàng hoá, sản phẩm ảnh hưởng, đe doạ sức khoẻ con người, môi trường sống thì tại sao không truy tố trước pháp luật.

Theo dự thảo thì mức phạt hành chính cao nhất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán phân bón giả, kém chất lượng có thể lên tới 100 triệu đồng (mức phạt cũ chỉ khoảng từ 13-15 triệu đồng). Vậy trong dự thảo cần phân định rạch ròi giữa cơ sở sản xuất với cơ sở kinh doanh. Ví dụ, cơ sở sản xuất mà tung ra thị trường hàng phân bón giả thì mức phạt 100 triệu đồng là quá nhỏ. Nếu cơ sở sản xuất vi phạm lần 2, lần 3 thì số tiền phạt mà họ phải nộp quá thấp so với lượng sản phẩm đã tung ra thị trường, đã đến tay người tiêu dùng.

Với đối tượng này thì theo ý kiến của ông Nguyễn Văn Mạnh (Cự Đà, Thanh Oai, Hà Nội) là cần phải truy tố, kể cả đóng cửa DN. Đối với đối tượng kinh doanh thì cần phải làm rõ trong trường hợp mà người kinh doanh không cố ý tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng thì mức xử phạt phải khác với đối tượng cố ý, ví dụ như trường hợp bao bì có đủ nhãn mác, nhưng người kinh doanh trộn thêm hàng giả vào thì mức phạt phải khác.

Đối với người nông dân - sử dụng hàng không có trong danh mục và gây ô nhiễm môi trường cũng nằm trong đối tượng bị xử phạt, nhưng làm thế nào để người nông dân nhận biết được hàng nằm trong danh mục được phép bán mà mua, nhất là bà con ở vùng dân tộc, vùng sâu không có điều kiện tiếp cận, hiểu biết các sản phẩm phân bón có trong danh mục. Rất nhiều ý kiến cho rằng nếu tiến hành xử phạt người nông dân như dự thảo quy định là "gây khó" cho người nông dân.

Nhưng trước thực trạng không ít nông dân vì vụ lợi đã sử dụng phân bón không có trong danh mục nhằm mục đích tăng trưởng, thu lời, gây hậu quả đối với sức khoẻ con người và môi trường sống thì cũng phải nằm trong đối tượng điều chỉnh của dự thảo. Người tiêu dùng không thể chấp nhận người sản xuất trồng riêng rau, củ quả cho gia đình dùng, còn sản phẩm bán ra thị trường thì thoải mái phun, bón những loại phân bón độc hại.

Nếu nghị định với nội dung trên có hiệu lực thực thi mà chỉ dừng ở mức có tính răn đe, nhắc nhở người nông dân cảnh giác hơn khi mua và sử dụng phân bón như lời của ông Phạm Huy Thông - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, thì e rằng việc tuyên chiến và chống hàng giả cũng lại rơi vào tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa", thiếu tính khả thi. GS-TS Nguyễn Đình Khoa bày tỏ quan điểm: Biện pháp chế tài nửa vời như vậy khiến hiệu lực quy định của Nhà nước... theo kiểu ban hành cho có.

(Theo Diễn đàn Lao Động)


Báo cáo phân tích thị trường