Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phân bón lại tăng giá
23 | 03 | 2009
Vụ lúa hè thu tại các tỉnh ĐBSCL phải đến tháng 4 mới gieo trồng đồng loạt, hiện chỉ mới có một số vùng ở An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh... đang xuống giống sớm; nhu cầu sử dụng phân bón chưa nhiều, thế nhưng giá cả gần đây bị đẩy lên khá cao.

Phải mua hàng kèm

Ông Đỗ Hữu Toàn, ở Trà Vinh, đang xuống giống 7 công ruộng, than phiền: “Cũng giống như những lần trước, hễ chuẩn bị vào mùa vụ mới thì y như rằng giá phân bón ùn ùn tăng. Những nhà có tiền mua trữ hàng trước sẽ được lợi, còn phần đông người làm ruộng đều mua phân bón theo kiểu ăn đong, bón đến đâu mua đến đó nên phải chấp nhận trả giá cao”. Bà Lê Thanh Thảo, chủ một vựa phân bón ở Sa Đéc, cho biết các nhà sản xuất phân bón tính rất kỹ, hễ thấy giá lúa tăng là họ đẩy giá phân bón lên tương ứng.

Ông Trần Minh Triết, chủ vựa phân bón ở Tiền Giang, cho biết giá phân urê hiện nay đã lên đến 6.500 đồng/kg, tăng 1.500 đồng/kg so với đầu năm. Và sắp tới khả năng mặt hàng này sẽ còn tăng giá tiếp vì một số nơi giá urê đã được đẩy lên đến 6.800 đồng/kg. Tương tự, mặt hàng kali cũng đang sốt giá, hiện đã lên đến 12.500 đồng- 13.000 đồng/kg, tăng 1.500 đồng- 2.000 đồng/kg. Phân NPK từ 8.500 đồng- 9.000 đồng/kg, nay cũng đang đứng ở mức giá 9.500 đồng-10.000 đồng/kg...

Các đại lý phân bón cho biết hiện muốn lấy hàng của các nhà máy không dễ dàng chút nào. Họ chỉ rót hàng theo kiểu nhỏ giọt để chờ vào mùa vụ khi nhu cầu tăng cao sẽ đẩy giá lên thêm. Một số nhà máy còn áp dụng chính sách bán hàng kèm. Chẳng hạn, đại lý muốn mua 1.000 tấn urê thì phải chấp nhận lấy thêm 300 tấn DAP (phân DAP này thuộc dạng hàng xấu mà trước đó nhiều công ty đã nhập về với giá rẻ không tiêu thụ được). Hoặc muốn lấy hàng kali phải mua kèm phân NPK, DAP... Trước tình hình trên, các đại lý thi nhau đẩy giá lên cao để họ thu hồi lại phần đã bị nhà máy ép.

Ém hàng chờ giá

Ông Lê Quốc Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón VN, cho biết lượng phân bón mà các doanh nghiệp chuẩn bị cho vụ hè thu năm nay dư thừa ở một số chủng loại, nhưng cũng có một số có nguy cơ thiếu hụt. Lượng phân DAP tồn kho hiện nay lên đến 200.000 tấn, trong khi nhu cầu chỉ cần 170.000 - 180.000 tấn. Nhu cầu sử dụng phân urê khoảng 100.000 tấn, chỉ riêng lượng hàng của Phú Mỹ cũng đáp ứng đủ, chưa kể các nhà nhập khẩu khác. Mặt hàng phân kali đang có nguy cơ thiếu hụt, hiện lượng hàng tồn kho chỉ còn khoảng trên 100.000 tấn, trong khi nhu cầu phải từ 150.000 tấn- 160.000 tấn...

Theo giới kinh doanh, trong một - hai tuần tới, khi bước vào mùa vụ gieo cấy, các công ty sản xuất, kinh doanh phân bón sẽ đẩy giá lên theo thị trường. Bằng chứng là các nhà cung cấp đang “ém” hàng để chờ giá lên, nhất là mặt hàng kali, khi giá thế giới đang nhích lên, hiện khoảng 800 USD/tấn. Tương tự, giá DAP từ 370 USD cũng đã lên 400 USD/tấn. Giới chuyên môn tính toán rằng cho dù giá phân bón sắp tới có tăng thì các công ty phân bón trong nước vẫn còn lãi to. Vì hồi cuối năm ngoái cũng như đầu năm nay, giá phân bón trên thế giới giảm mạnh, nhiều công ty trong nước cũng đã tranh thủ nhập một lượng khá lớn với mức giá giảm đến 60% so với lúc sốt giá (phân DAP chỉ còn 350 USD/tấn, urê còn 200 USD- 220 USD/tấn...).
Một nguyên nhân khác góp phần đẩy giá phân bón tăng cao trong thời gian tới là các đại lý phân bón hiện không dám trữ hàng nhiều như trước.



Nguồn: www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường