Cơ quan quản lý nhà nước lúng túng
Thời gian gần đây, thị trường phân bón trong nước diễn biến rất phức tạp, phân bón giả, phân bón kém chất lượng tung ra thị trường khá nhiều ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước đã mở các đợt thanh tra, xử lý nhưng kết quả vẫn như "muối bỏ bể". Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do sự quá "thông thoáng" trong quá trình quản lý. Ông Phạm Khắc Diến, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 60 doanh nghiệp (DN) sản xuất và hàng trăm đại lý được cấp phép kinh doanh phân bón. Cuối năm 2008, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở NN&PTNT Hà Nội chủ trì tiến hành kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn TP. Qua kiểm tra tại 19 cơ sở sản xuất, kinh doanh, đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính các lỗi như sản xuất phân bón kém chất lượng, sai phạm về bao bì nhãn mác, phạt tiền 9 cơ sở với tổng số tiền trên 77 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Diến, con số đó chưa phản ánh đầy đủ thực trạng về chất lượng sản phẩm của thị trường phân bón. Lý giải về vấn đề trên, ông Diến cho rằng: Do lực lượng cán bộ Thanh tra Sở NN&PTNT còn mỏng (biên chế chỉ có 9 người, trong đó chỉ có 1 người chuyên về phân bón), khối lượng công việc nhiều, phương tiện đi lại khó khăn, trang, thiết bị phục vụ việc thanh, kiểm tra thiếu, nên khó thanh tra, kiểm tra tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn. Theo quy định mới, các DN sản xuất phân bón chỉ cần có giấy phép đăng ký kinh doanh. Sau khi sản xuất, họ tự công bố chất lượng sản phẩm và chịu trách nhiệm trên bao bì về chất lượng sản phẩm mà không cần phải đăng ký với các Sở NN&PTNT. Chính vì vậy, một số DN bất hợp tác hoặc vi phạm các quy định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón khiến việc quản lý khó khăn. Đơn cử, một số DN sản xuất phân bón đặt trụ sở văn phòng tại Hà Nội nhưng xưởng sản xuất lại nằm trên địa bàn tỉnh khác hoặc địa chỉ đăng ký trong giấy phép kinh doanh ở nơi này, nhưng chuyển đi nơi khác hoạt động cũng không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước biết. Mặt khác, do sản xuất phân bón mang tính thời vụ, nên việc sản xuất thường gián đoạn hoặc chỉ sản xuất tập trung theo thời vụ. Vì vậy tình trạng DN thường xuyên "thay tên đổi chủ" hoặc chuyển đi nơi khác hoạt động để tránh sự thanh, kiểm tra của cơ quan nhà nước còn nhiều. Ông Lê Anh Hiếu, thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Các DN sản xuất phân bón, trong 3 năm đổi tên 3 lần. Tại Hội nghị bàn về vấn đề phòng, chống sản xuất, kinh doanh phân bón giả vừa qua, trong 53 DN kinh doanh phân bón trên địa bàn Hà Nội được mời, cơ quan tổ chức tìm mãi mới thấy 25 DN, còn lại 28 DN không tìm thấy địa chỉ. Ngoài ra, do tiêu chuẩn chất lượng quy định sản xuất phân bón chưa có, nghị định xử lý vi phạm trong lĩnh vực này và một số quy định về hoạt động sản xuất kinh doanh thiếu cụ thể, thủ tục lấy mẫu kiểm tra còn phức tạp (người lấy mẫu phân bón phải có chứng chỉ do Bộ NN&PTNT cấp)… nên cơ quan quản lý gặp nhiều trở ngại trong hoạt động thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Doanh nghiệp cũng gian truân
Hiện nay, hầu hết các DN sản xuất phân bón hữu cơ trên địa bàn TP Hà Nội đều là những cơ sở nhỏ lẻ, chủ yếu là sản xuất loại phân khoáng trộn (NPK). Chỉ cần gian nhà cấp 4, vài cái máy đảo, trộn và một số dụng cụ thô sơ là có thể làm phân bón. Với những máy móc, dụng cụ sản xuất như thế, chuyện sai số về các hàm lượng các chất của sản phẩm không đúng với quy định của Bộ NN&PTNT trên nhãn mác bao bì là điều dễ hiểu. Ông Lê Anh Hiếu cho biết: Kể cả những DN sản xuất phân bón làm ăn nghiêm chỉnh, chuyên nghiệp thì tình trạng này vẫn có thể xảy ra, bởi lý do nguyên liệu có thể không bảo đảm. Ví dụ, phân bón NPK gồm 3 thành phần chính là đạm, lân và ka li. Nếu chất lượng giảm thì khi trộn sẽ không bảo đảm tỷ lệ. Vì vậy, khi kiểm tra bất cứ DN phân bón nào, xác suất vi phạm về chất lượng sản phẩm và nhãn mác rất cao. Mặt khác, do có sự chồng chéo trong quản lý, nên nhiều khi các DN sản xuất, kinh doanh phân bón phải "tiếp" vài đoàn kiểm tra cùng một nội dung ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của đơn vị… Chính vì vậy, hiện nay các DN sản xuất, kinh doanh phân bón cũng đang gặp khó và cần được giúp đỡ từ phía Nhà nước và các cơ quan chức năng.
Hiện nay, việc sản xuất, kinh doanh phân bón đang trong thời kỳ cao điểm, phục vụ vụ Xuân. Để làm lành mạnh trong việc sản xuất, kinh doanh, đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội tăng cường sự phối hợp với các quận, huyện điều tra, khảo sát nhu cầu sử dụng phân bón thực tế và chất lượng phân bón đang được sử dụng. Bộ NN&PTNT và UBND thành phố cần sớm xây dựng những văn bản pháp quy thật cụ thể, giúp các DN làm ăn chân chính phát triển tốt, xử lý nghiêm những DN vi phạm, bảo đảm được quyền lợi của nông dân.