Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá phân bón nhảy múa, nông dân lãnh đủ
02 | 11 | 2007
Tháng 10 không phải thời điểm sản xuất chính vụ ở ĐBSCL. Đầu nguồn, nước lũ đang lên, lúa hè-thu cắt gặt xong, lúa vụ 3 đang chờ thu hoạch dứt điểm nhưng giá phân bón ở ĐBSCL mỗi tháng tăng khoảng 20.000 – 50.000 đồng/bao. Giá phân bón nhảy múa đã khiến hàng triệu nông dân lo lắng vụ đông-xuân tới.

Giá tăng chóng mặt

Gần 2 tháng nay, giá phân bón ở ĐBSCL lên cơn sốt. Tuần qua nhiều loại phân đạm, lân tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp giá tăng 5% - 10% so với giữa tháng 9. Đặc biệt, phân DAP tăng mạnh nhất, 600 - 700 đồng/kg; urê Trung Quốc tăng 400 đồng/kg; đạm Phú Mỹ 5 tăng 460 đồng/kg; NPK loại 16-16-8 và 20-20-15 của Công ty cổ phần Phân bón - Hóa chất Cần Thơ, Bình Điền, Việt Nhật giá tăng 200 - 600 đồng/kg.

Cụ thể: giá phân đạm (Phú Mỹ) bán lẻ lấy tiền liền tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ từ mức 230.000 - 235.000 đồng/bao vào thời điểm đầu tháng 8 nay đã tăng lên 250.000 - 270.000 đồng/bao. Giá phân DAP Trung Quốc (loại hột xanh) tăng từ 390.000 đồng/bao lên 445.000 - 475.000 đồng/bao. Nếu so với cùng kỳ năm 2006, giá phân bón đã tăng hơn 100.000 đồng/bao.

Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy cho biết, hơn 30 năm qua chưa bao giờ diễn biến giá cả phân bón trên thị trường thế giới thay đổi nhanh chóng như từ cuối năm 2006 đến nay. Các loại phân bón đồng loạt tăng giá và tăng cao kỷ lục, urê tăng 94 - 112 USD/tấn, DAP tăng 178 - 200 USD/tấn.

Theo các nhà quản lý và giới kinh doanh phân bón, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá phân tăng: nguồn cung phân đạm từ khu vực Baltic cũng đang giảm do nhiều nhà máy phải ngừng sản xuất để bảo trì định kỳ; nhiều loại nguyên liệu phục vụ sản xuất phân bón như lưu huỳnh, axit sunfuric (dùng cho sản xuất phân supe lân); đạm, kali (dùng cho sản xuất phân NPK) đang tăng giá mạnh. Ví dụ giá lưu huỳnh tại thời điểm này đã ở mức 230 USD/tấn (tăng 50% so với năm trước), giá các loại nguyên liệu phân bón khác cũng tăng 10% - 20%...

Trong khi đó, theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), nhu cầu phân bón cả nước từ nay đến cuối năm cần khoảng 300.000 tấn phân đạm, trong đó miền Bắc cần 180.000 tấn cho chăm sóc lúa vụ mùa và sản xuất vụ đông; miền Trung cần khoảng 70.000 tấn để sản xuất lúa vụ mùa và rau; miền Nam cần khoảng 210.000 tấn để sản xuất lúa vụ 3 và các cây trồng khác.

Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm nay, lượng đạm nhập về đạt khoảng 370.000 tấn. Nguồn sản xuất của hai nhà máy phân đạm ở trong nước có thể đạt 350.000 tấn. Hiện nay, một lượng đạm đáng kể khoảng 100.000 tấn đang được xuất khẩu sang Campuchia và Lào. Do vậy nguồn phân bón cơ bản đủ (và thừa sức?) cung cấp cho sản xuất các vụ còn lại từ nay đến cuối năm. Vậy thì vì sao giá phân bón vẫn tăng?

Thả nổi thị trường?

Mới đây, tại Hội nghị chuẩn bị phân bón cho vụ sản xuất đông-xuân 2007 - 2008 do Hiệp hội Phân bón Việt Nam tổ chức, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu phân bón tuyên bố “Không thả nổi thị trường phân bón”. Nhưng vào thời điểm này nông dân chỉ mua phân bón cho hoa màu hoặc cây ăn trái; hầu hết các cửa hàng vật tư nông nghiệp tạm ngưng lấy hàng mới, chỉ tập trung thu hồi nợ và bán lẻ hàng tồn kho mà giá phân vẫn “nhảy múa”? Tại sao lượng phân bón trong nước không thiếu mà giá vẫn tăng? Rõ ràng đã xuất hiện tình trạng đầu cơ, ghìm mặt hàng phân bón. Nói một cách chính xác hơn, phân bón đang bị thả nổi, nhất là đầu cơ giá đối với mặt hàng phân urê và các đại lý mua bán lòng vòng để nâng giá.

Đành rằng giá phân bón trong nước tăng là do giá nhập khẩu tăng, nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao khi có nhiều nguồn giá rẻ hơn, có lợi cho nông dân thì các nhà nhập khẩu lại… bỏ qua? Một chuyên gia tính toán: với mức giá rẻ hơn các thị trường khác khoảng 20 USD/tấn, nếu nhập khẩu 200.000 tấn urê Trung Quốc, có thể tiết kiệm khoảng 4 triệu USD.

Ngoài ra, nhập urê từ Trung Quốc cũng giảm bớt nguy cơ thua lỗ cho các nhà nhập khẩu. Trong khi đó, urê TQ đã được ngành nông nghiệp kiểm tra, kết quả cho thấy chất lượng đạt yêu cầu, nhưng chúng ta lại thường xuyên nhập phân bón từ Trung Đông (hoặc từ Nga) với giá cao.

Không riêng giá phân bón, tháng 9-2007, chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục tăng 0,51%. Dự đoán từ nay đến cuối năm 2007, giá hàng hóa sẽ còn tăng. Người tiêu dùng, nhất là những người có thu nhập thấp, lại oằn vai vì sức ép tăng giá. Gánh chịu tình cảnh này là hàng triệu nông dân cả nước, nhất là nông dân khu vực ĐBSCL. Vụ đông-xuân tới (vụ lúa chính của năm) với giá phân bón tăng chóng mặt là điều không ai mong đợi.

Theo tính toán, để có được năng suất lúa bình quân trong vụ đông-xuân 5 - 6 tấn/ha, nông dân phải chi phí các khoản cụ thể như: 120kg urê, 70kg lân, 35kg kali; 2,5 lít thuốc BVTV, 125 lít xăng dầu và nhiều khoản chi phí khác, trong khi đó giá cả các mặt hàng này đều tăng. Với chi phí sản xuất như hiện nay, dù trúng mùa, trúng giá, nông dân sẽ chẳng lợi bao nhiêu.

Thêm vào đó, năm nay lũ thấp, khu vực Đồng Tháp Mười và vùng tứ giác Long Xuyên nước lũ về không đáng kể, lượng phù sa thôi “nồng nàn”, đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất cho vụ đông-xuân năm 2007 - 2008 sẽ tăng cao so với các năm. Đó là chưa kể dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Trước tình hình này, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã đưa ra giải pháp: tổ chức lớp tập huấn về xây dựng cơ sở dữ liệu phần mềm quản lý phân bón; tăng cường thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn tình trạng các cơ sở sản xuất cung ứng phân bón đưa phân bón giả, phân bón kém chất lượng ra thị trường; khuyến cáo tăng cường sử dụng phân hữu cơ truyền thống… Tuy nhiên, các giải pháp này vẫn chưa đủ mạnh để kềm chế giá phân bón và nông dân sẽ là người… lãnh đủ.

 



Theo SGGP
Báo cáo phân tích thị trường