"Luật rừng" lộng hành
Chúng tôi có mặt tại Nhà máy Hanviha trong vai một chủ gỗ. Tiếng quát tháo, tiếng xe cộ rú ga ầm ĩ tạo nên khung cảnh hết sức lộn xộn. Việc nhập gỗ ở đây đã tuân theo một qui luật " mạnh được yếu thua". Qui luật ấy được qui định bởi một lực lượng hoạt động kiểu xã hội đen. Cầm đầu tổ chức này là ba anh em nhà M, P, P cùng với hơn 20 chiến hữu quản lý toàn bộ quá trình nhập gỗ. Từ việc phát phiếu, ra vào cổng, cân, đổ đều có người của tổ chức này nhúng tay vào. Tệ hại hơn ,một số cán bộ nhà máy đã bắt tay với bọn chúng để hưởng hoa hồng. Và để vào cân được gỗ thì xe của chúng tôi cũng mất 300 ngàn tiền luật.
Không những vậy khi tôi tỏ vẻ thán phục trước tài "lãnh đạo" của P, anh ta không ngần ngại tuyên bố: " Nhà máy này là của tao, tao ưng làm gì thì làm". Quả thật , anh em nhà P sở hữu trong tay hơn chục chiếc xe tải chở gỗ, những chiếc xe này được gọi là" hội thị trấn"( bởi chúng đều có nhà ở thị trấn Kỳ Anh) có thể tự do ra vào nhà máy, chỉ khi nào họ nghỉ thì các chủ gỗ khác mới có cơ hội. Tất nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ có thể chen vào nhập nhưng chỉ trừ khi có tiền lót đường.
|
Lộn xộn trước nhà máy Việt Nhật. |
Thật không may cho những ai vô tình không biết mà vi phạm, nhẹ thì nát xe còn mạnh thì vào viện. Cho đến giờ lái xe Trần Văn Nguyên ở Đồng Lê, Quảng Bình vẫn còn chưa hết sợ. Chiều ngày 15 /10/2007 khi xe gỗ của anh vừa vào đến cổng NM thì bị quát ra. Dường như quá bức xúc vì phải chờ ,anh Nguyên có lời qua tiếng lại, ngay lập tức một tốp chừng 5- 6 người lôi anh ra khỏi xe và đánh. Không những vậy , chiếc IFA mang biển 73N 5959 còn bị phang toe đầu. Cả người lẫn xe đều tan nát nhưng chẳng biết kêu ai, anh đành chấp nhận quay về. P còn tuyên bố đây là bài học cho những ai dám chống lại bọn chúng. Cứ như vậy mọi hoạt động thu mua dần đi vào "nề nếp", thực hiện đúng luật của chúng, không một ai dám lên tiếng phản đối.
Còn tại Nhà máy Việt Nhật cứ đêm đêm các lái xe lại phải "sống trong sợ hãi" khi có hàng chục đệ tử "nàng tiên nâu" đến xin đểu. Nhiều thì dăm trăm, ít cũng phải năm bảy chục nếu muốn lành lặn trở về. "Thôi thì đành chịu, chống lại chúng chỉ có nước thiệt thân". Anh Phi ,chủ xe người Đồng Hới cay đắng tâm sự. Muốn thực tế hơn ,tôi leo lên xe anh ngồi chờ và cũng chẳng phải đợi lâu chừng 15 phút sau, một "đại ca" mò đến. Sau vài câu xã giao hắn đặt vấn đề "xin vài trăm mua thuốc".Nhìn bộ dạng lôi thôi lếch thếch, vẻ mặt bất cần đời và ống kim tiêm "trang bị "nơi túi áo như cố để lòi ra ngoài cùng 3-4 đệ tử vây quanh, tôi biết rằng không thể không cho. Anh Phi đành ngậm ngùi móc ví và chuyến đi này xem như lỗ hoàn toàn. Và cũng chẳng có xe nào là ngoại lệ, cá biệt có xe còn bị xin 3-4 lần.
" Luật vườn" ở đâu?
Luật rừng lộng hành, luật nhà bất lực, tình trạng lộn xộn tại các nhà máy băm dăm vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp và không biết bao giờ mới kết thúc. Với tình trạng trên các nhà máy băm dăm ở Vũng áng Kỳ Anh có còn tồn tại? - Ông Trịnh Quang Liêu, Phó GĐ: "Chúng tôi đã bất lực" |
Tôi hỏi anh Phi sao không báo công an, anh cười cay đắng: "Công an đầy ra đấy nhưng có làm gì nổi bọn chúng đâu". Quả thật tại Nhà máy Việt Nhật ,lực lượng,công an vào cuộc khá đông chừng 40 chiến sĩ bao gồm cả Bộ đội biên phòng. Nhưng công an cũng không thể bảo vệ hết từng xe 24/24 và cứ hở ra là lại có chuyện. Không những vậy theo nguồn tin của một số chủ xe thì đã có hiện tượng "làm luật" giữa các cò gỗ với một số người thực thi nhiệm vụ. Lái xe P ở Quảng Bình cho hay; Trong khi anh đang chờ để vào nhập gỗ thì một chiến sĩ Công an đến "đặt vấn đề". Muốn vào sớm nên P đã đưa cho anh ta 100 ngàn đồng nhưng sau đó không thấy chuyển biến gì, và P đành phải chờ như bao xe khác. . N.V.X là người Kỳ Anh đã mất đến hơn một triệu đồng cho những người làm nhiệm vụ từ sau bão đến nay. Điều đó có thể khẳng định đã có một đường dây móc nối với nhau trong quá trình nhập gỗ. Bên cạnh các con nghiện hoạt động độc lập thì hệ thống cò, các bảo vệ và trợ lý tạo thành ê kíp bóc lột các chủ gỗ. Vai trò của lực lượng Công an bị lung lay nghiêm trọng, sự có mặt của họ dường như chỉ còn mang ý nghĩa hình thức . Trước thực trạng như vậy rất nhiều chủ gỗ đã quay vào Huế, ra Nghệ An bán gỗ.