Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tìm đường cho gỗ sang Nga
04 | 12 | 2008
Hơn 40 doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu trong nước đã có buổi giao lưu với 12 doanh nghiệp gỗ thành phố Ekaterinburg của Liên bang Nga vào chiều 2-12 tại TPHCM, nhằm tìm đường đưa đồ gỗ Việt Nam sang thị trường rộng lớn này.

Tìm đường vào “xứ lạnh”

Với nhiều doanh nhân Việt thì Nga là thị trường truyền thống từ thời Liên Xô cũ nhưng với công nghiệp gỗ thì Nga lại là thị trường khá mới mẻ, dù Việt Nam đã xuất khẩu khá nhiều đồ gỗ vào thị trường châu Âu.

Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa) cùng 5 doanh nghiệp gỗ khác ở Bình Dương đã đi khảo sát thị trường Nga vào tháng 9 năm nay. Và giờ đây, đến lượt các doanh nghiệp Nga sang Việt Nam tìm cơ hội giao thương đồ gỗ giữa hai nước.

“Trong khi thị trường Mỹ, EU chựng lại thì doanh nghiệp gỗ nên khai phá thị trường mới nhưng có sức mua cao như Nga”, ông Hạnh nói.

Thị trường Nga với 142 triệu dân có GDP bình quân đầu người 9.075 đô la Mỹ và mức tăng trưởng kinh tế năm 2007 là 8,1%. Tốc độ đô thị hoá và phát triển nhà cửa thuộc loại cao trong các nước Đông Âu.

Ông Hạnh cho biết thị trường Nga còn rất nhiều tiềm năng cho các nhà xuất khẩu Việt Nam; theo số liệu nghiên cứu, tổng mức tiêu dùng đồ gỗ của thị trường này đạt hơn 4,5 tỉ đô la Mỹ trong năm 2007, dự kiến sẽ tăng 14,6% trong năm nay.

Nhưng, trong 7 tháng đầu năm nay, Việt nam chỉ mới xuất đồ gỗ sang Nga được 2,2 triệu đô la Mỹ và nhập gỗ nguyên liệu hơn 700.000 đô la Mỹ, còn hàng thủ công mỹ nghệ thì thấp hơn nhiều.
“Đây là một nghịch lý trong giao thương đồ gỗ giữa hai nước, ngược lại với mối quan hệ chính trị, hữu nghị rất tốt và đã có từ lâu”, ông Hạnh nói tại buổi giao thương. Ông còn cho biết Nga là quốc gia xuất khẩu gỗ nguyên liệu nhưng bán qua Việt Nam rất ít nếu so với Trung Quốc.

Ông Plyshevskity Michail, Chủ tịch Hiệp hội gỗ thành phố Ekaterinburg đồng tình với ý kiến của ông Hạnh và cho rằng mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước là cơ hội tốt để giao thương đồ gỗ.

Chẳng hạn các doanh nghiệp Nga có thể bán gỗ nguyên liệu, máy móc chế biến gỗ còn doanh nghiệp Việt Nam thì có thể xuất khẩu thành phẩm hoặc liên kết với doanh nghiệp Nga để xuất đồ gỗ bán thành phẩm vào thị trường này.

Ông Michail cũng cho rằng tuy người Nga ít dùng tiếng Anh nhưng với hơn 700.000 người Việt sống tại Nga sẽ là cầu nối tốt nhất trong việc đưa đồ gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ vào nước này.

Liên doanh là giải pháp

 
Ông Mylniko Anatoly, TGĐ Công ty TTG của Nga (ngồi bên phải) đang trao đỏi với ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hawa (ngồi cạnh) phương thức liên doanh đầu tư tại Nga, qua người thông dịch (đứng bên trái) - Ảnh: Hồng Văn

“Giá đồ gỗ tại Nga rất tốt so với các thị trường khác nhưng xuất khẩu qua nước này phải chịu thuế”, ông Hạnh nói. Gỗ bán thành phẩm vào Nga được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng, trong khi  gỗ thành phẩm phải chịu thuế nhập khẩu 1.300 euro/tấn và thêm 18% thuế giá trị gia tăng.

Ông Hạnh cho biết kiểu thu thuế của Nga là đồ gỗ chứa trong container vào cảng chạy qua bàn cân (giống như các trạm cân trên quốc lộ của Việt Nam) rồi tính khối lượng để tính thuế, nên hàng đồ gỗ càng nặng, càng pha trộn thêm kim loại thì càng bị thuế cao.

Đoàn gồm 12 doanh nghiệp gỗ Nga sang Việt Nam lần này có đầy đủ các thành phần có thể tạo nên hợp tác với doanh nghiệp gỗ Việt Nam. Đó là doanh nghiệp nhập khẩu, doanh nghiệp chế biến gỗ, xuất khẩu gỗ nguyên liệu, cung cấp máy móc thiết bị chế biến gỗ, thậm chí có cả cán bộ nhà nước phụ trách tuyển dụng lao động nước ngoài với mục đích hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam mở nhà máy tại Nga để xuất khẩu bán thành phẩm và hoàn chỉnh sản phẩm tại đây.

Các doanh nghiệp Nga còn tính chuyện đưa lao động chế biến gỗ có tay nghề Việt Nam sang làm việc tại các doanh nghiệp gỗ nước này; bởi họ cho là lao động gỗ Việt Nam có tay nghề thành thạo, chịu khó, phù hợp với đồ gỗ cần tỉ mỉ của người công nhân. Ngoài buổi giao lưu nói trên còn có các chuyến đi tham quan nhà máy, văn phòng các công ty gỗ của Việt Nam.

Theo gợi ý của ông Hạnh, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam có thể liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp Nga để đưa hàng bán thành phẩm vào và làm tăng giá trị tại Nga. Đây là xu hướng kinh doanh đồ gỗ tại thị trường Nga và đang được nước này khuyến khích.

Ông Mylnikov Anatoly, Tổng giám đốc Công ty Technique and Technology of Goods ở thành phố Ekaterinburg, chuyên chế biến đồ gỗ phục vụ cho trẻ em, nhà trẻ, trường học, cho biết công ty của ông sẵn lòng hợp tác với các doanh nghiệp gỗ Việt Nam theo phương thức liên doanh, liên kết.

“Chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện mặt bằng và pháp lý cho doanh nghiệp gỗ Việt Nam sang Nga đầu tư liên doanh, liên kết để đưa gỗ bán thành phẩm vào và hoàn chỉnh trước khi tung ra thị trường Nga”, ông Anatoly nói. Trường hợp các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu đồ gỗ thành phẩm thì công ty của ông có thể giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở văn phòng đại diện, xây dựng hệ thống phân phối hay tham gia triển lãm giới thiệu hàng hóa tại Nga.

Song hành với đưa đồ gỗ vào thị trường Nga, viên cán bộ nhà nước phụ trách tuyển dụng lao động nước ngoài của thành phố Ekaterinburg cùng đi trong đoàn còn cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam có thể liên doanh với doanh nghiệp Nga và đưa công nhân lành nghề của mình sang và có thể được ông hỗ trợ thư mời sang Nga, hỗ trợ xin thị thực nhập cảnh và các thủ tục khác dành cho lao động nước ngoài tại Nga.

Hồi tháng 11, một đoàn doanh nghiệp gỗ khác của Việt Nam đã sang Ekaterinburg để tìm kiếm cơ hội hợp tác và theo lời người thông dịch viên của đoàn doanh nghiệp Nga thì tại Ekaterinburg đã có Tổng lãnh sự quán của Việt Nam, nên cũng là những điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp gỗ Việt Nam vào thị trường Nga bắt đầu từ thành phố này.

Ngày 3-11, các doanh nghiệp Nga sẽ đi khảo sát thực tế các nhà máy chế biến gỗ ở TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương.

Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hawa, cho biết trước phản ứng của doanh nghiệp, giới truyền thông và cả các đại biểu Quốc hội, Bộ Tài chính đã có văn bản bãi bỏ chính sách thuế xuất khẩu đối một số sản phẩm gỗ được chế biến từ nguyên liệu gỗ rừng tự nhiên.
 

 

 



Nguồn: thesaigontimes.vn
Báo cáo phân tích thị trường