Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành gỗ lao đao trong cơn khủng hoảng
03 | 12 | 2008
Năm nay, ngành chế biến gỗ không chỉ không đạt chỉ tiêu kim ngạch mà hàng loạt doanh nghiệp còn đứng trước nguy cơ phá sản.
Cố gắng cũng chỉ đạt kim ngạch 2,8 tỷ USD
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết: tính đến hết tháng 10/2008, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành mới đạt được 2,3 tỷ USD. Hai tháng cuối năm có cố gắng, kim ngạch cả năm cũng chỉ có thể đạt khoảng 2,8 tỷ USD, vẫn thấp hơn chỉ tiêu đề ra là 3 tỷ USD.
Đồ gỗ xuất khẩu nội thất như bàn ghế, gường tủ, trong nhà và ngoài trời chiếm tới 85% lượng hàng xuất khẩu của ngành, trong năm 2008 đã sụt giảm khoảng 10%. Riêng sản phẩm gỗ thủ công mỹ nghệ xuất sang các thị trường như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan hầu như không có khách hàng.
Theo ông Quyền, nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của ngành là do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Kinh tế khó khăn, thay vì sử dụng các mặt hàng cao cấp, người dân bắt đầu có xu hướng chuyển sang các sản phẩm phổ thông hơn.
Hiện thị trường chính nhập khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn là Mỹ, Nhật Bản và EU. Riêng thị trường Mỹ kim ngạch giảm khoảng 35%. Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này là 1 tỷ USD, năm nay con số này chỉ có thể đạt 650 triệu USD. Thị trường EU năm trước là 600 triệu USD năm nay cũng chỉ có thể đạt 400 triệu USD.
Bên cạnh đó, do thiếu vốn để nhập khẩu gỗ nguyên liệu hồi đầu năm đã khiến cho nhiều hợp đồng lớn không thể ký, do doanh nghiệp lo ngại thiếu nguyên liệu. Thêm nữa, đầu năm 2008, giá gỗ và chi phí vận chuyển đều tăng cao đã khiến cho giá nguyên liệu tăng đến 35-40% so với năm trước.
Tiếp đến, tháng 9/2008, Bộ Tài chính lại ra quyết định sẽ áp dụng mức thuế từ 5-10% đối với các sản phẩm gỗ xuất khẩu. Những điều này đã khiến cho doanh nghiệp phải đứng trước rất nhiều áp lực.

Khó khăn còn tiếp tục

Theo ông Quyền, ngành chế biến gỗ sẽ không chỉ khó khăn trong năm 2008 mà trong năm tới tình hình cũng không sáng sủa hơn.
Ông dẫn chứng, thông thường hàng năm, tới thời điểm này các hợp đồng giao hàng vào năm tới đều đã được ký, nhưng năm nay số lượng hợp đồng được ký là rất ít.
“Nhưng lo nhất vẫn là các doanh nghiệp làng nghề”, ông Quyền chia sẻ. Hiện nay, hầu hết các sản phẩm của làng nghề đều chỉ được tiêu dùng trong nước. Trong khi đó, hàng ngàn lao động ở các làng như La Xuyên (Nam Định), Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Phú Xuyên, Chương Mỹ (Hà Nội) đều không được đào tạo bài bản nên rất khó có thể tìm được công việc tại các nhà máy, xí nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Khanh, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ tỉnh Bắc Ninh cũng không giấu nổi vẻ ái ngại cho các doanh nghiệp. Hàng năm kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp gỗ trong tỉnh đạt khoảng 50 triệu USD. Tuy nhiên, năm nay tình hình rất ảm đạm, kim ngạch xuất khẩu giảm tới 70%. Khó khăn này đã khiến các doanh nghiệp không chỉ sản xuất cầm chừng mà còn đứng trên bờ vực phá sản.
Hiện Hiệp hội đã có kiến nghị đối với Bộ Tài chính xóa bỏ thuế suất xuất khẩu để gỡ bớt khó khăn, đồng thời xin tăng sản lượng gỗ khai thác hiện nay lên khoảng 1 triệu m3 để hạn chế nhập siêu cũng như giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nước ngoài.


Nguồn: chebien.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường