Những mô hình chưa hoàn chỉnh
Nước ta hiện nay đã xuất hiện một số nhà máy chế biến thực hiện bán cổ phần cho nông dân vùng nguyên liệu, như nhà máy đường Lam Sơn, nhà máy sữa Mộc Châu, nhà máy xuất khẩu nông sản Đồng Giao. Ở nhà máy đường Lam Sơn, người nông dân đã dùng quyền sử dụng đất của mình thế chấp ngân hàng để lấy tiền mua cổ phần của nhà máy khi nhà máy này phát hành thêm cổ phiếu. Mối quan hệ công - nông liên minh ở đây đã được thiết lập, người nông dân đã mua được cổ phần của nhà máy chế biến.
Thực chất, nông dân chỉ mua cổ phần chứ không có cái gì bắt họ phải bán nguyên liệu cho nhà máy. Nên khi giá nguyên liệu trên thị trường tăng cao, nông dân vẫn bán ra ngoài, không bán cho nhà máy. Nhà máy cũng không có một quy định bắt buộc nào buộc cổ đông phải bán nguyên liệu cho nhà máy.
Trong khi đó, tại nhà máy xuất khẩu nông sản Đồng Giao, nông dân trở thành công nhân của nhà máy. Họ được nhận đất theo khoán 01, trồng nguyên liệu và bán cho nhà máy theo giá quy định của nhà máy ở từng thời điểm một. Tuy nhiên, về sản lượng thì lại có khối lượng sản lượng bắt buộc theo chu kỳ sản xuất của cây trồng. Việc này chưa phản ánh được sự liên kết nông dân – nhà máy, mà chỉ thể hiện trách nhiệm của người trồng nguyên liệu theo quy hoạch của nhà máy chế biến. Hai bên chưa có trách nhiệm kinh tế với nhau và có chung quyền lợi về kinh tế; bán sản phẩm là xong. Ở nước ta còn xuất hiện một mô hình nữa, đó là mô hình bò sữa Mộc Châu. Nông dân ở Mộc Châu được nhà máy sữa Mộc Châu giao khoán bò, nông dân bán sữa cho nhà máy theo giá quy định với một khối lượng nhất định. Vượt quá số sữa quy định đó nông dân được bán ra ngoài thị trường. Mô hình này gần giống với mô hình ở nhà máy xuất khẩu Đồng Giao. Ông Đoàn Đình Thiêm, Trưởng Ban đổi mới và Quản lý doanh nghiệp nông nghiệp (BQL DN nông nghiệp) đánh giá, cả 3 mô hình dân vùng nguyên liệu góp cổ phần hiện nay đều chưa “hoàn thiện”. Người nuôi, trồng nguyên liệu sẽ chịu nhiều thiệt thòi hơn nếu xảy ra tranh mua tranh bán hoặc rớt giá.
Người nuôi, trồng nguyên liệu đóng cổ phần như thế nào?
Theo chính sách mới này, mỗi người dân nuôi, trồng nguyên liệu sẽ được đóng cổ phần bằng đất của mình vào các nhà máy chế biến, dù đó là nhà máy của nhà nước, tư nhân, nước ngoài, được thành lập mới hay đã đi vào hoạt động. Đất của dân được quy thành tiền từ giá cho thuê đất được tính theo quy định của chính sách đất đai. Sau đó, nhà máy khoán lại đất cho dân để dân nuôi, trồng nguyên liệu. Người nuôi, trồng nguyên liệu sẽ thực hiện nuôi, trồng theo quy hoạch của nhà máy, không được nuôi, trồng các loại cây khác hoặc không đúng với quy hoạch. Nhà máy sẽ khoán vật tư, đầu tư kỹ thuật, giống… cho dân trồng nguyên liệu. Có nghĩa là, nhà máy chế biến và người trồng nguyên liệu đều có chung trách nhiệm với mảnh đất đó. Người nuôi, trồng nguyên liệu và nhà máy đồng hành về quyền lợi và trách nhiệm.
Chính sách này được thực thi, điều mà có thể nhận thấy ngay là, người nuôi, trồng nguyên liệu và nhà máy sẽ được hưởng lợi nhuận cao hơn nhiều so với hiện nay vì nó thực sự là một mô hình hợp tác sản xuất lớn, tạo điều kiện tốt để đầu tư KHKT, thuỷ lợi, giống… vào vùng nguyên liệu. Điều này phù hợp với chủ trươgn của nhà nước là xây dựng những vùng nguyên liệu sạch, an toàn và phát triển bền vững. Đồng thời, tạo ra những sản phẩm nông-lâm-thuỷ sản xuất khẩu có nguyền gốc xuất xứ rõ ràng và an toàn, điều mà thế giới luôn luôn đặt ra đối với chúng ta. Theo một số nhà nghiên cứu về WTO, chính sách này được thực thi, chúng ta sẽ có nhiều điều kiện hơn để trợ giúp nông dân về KHKT, thuỷ lợi… mà các nước nhập khẩu không thể bắt bẻ chúng ta được.
Tuy nhiên, một vấn đề sẽ nảy sinh là, nông dân khá giả họ sẵn sàng đóng cổ phần với nhà máy, nhưng nông dân nghèo, lấy đất đóng cổ phần vào nhà máy chế biến, nuôi, trồng theo quy hoạch mà cuối năm mới được chia cổ tức hay không may vùng nguyên liệu đó gặp dịch bệnh, thiên tai thì cả năm đó dân sống bằng gì? Về vấn đề này chính sách sẽ quy định các nhà máy chế biến phải trả tiền công cho người nuôi, trồng nguyên liệu theo tháng. Như vậy, dân sẽ có lương tháng như những công nhân. Thêm vào đó, người nuôi, trồng nguyên liệu sẽ được chia cổ tức theo quý chứ không phải vào cuối năm như hiện nay. Như vậy, dân nghèo nuôi, trồng nguyên liệu cho nhà máy sẽ vẫn có tiền thường xuyên để chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày.
Đánh giá về những tác động khi chính sách này đi vào cuộc sống, ông Thiêm cho rằng: Chính sách đi vào thực hiện, ở những vùng đang tranh mua tranh bán hiện nay sẽ xảy ra một hiện tượng là một loạt các nhà máy chế biến sẽ bị thải loại. Vì người dân nuôi, trồng nguyên liệu sẽ tập trung vào mua cổ phần của những nhà máy làm ăn tốt. Những nhà máy còn lại, theo quy luật cạnh tranh khốc liệt của thị trường sẽ bị thải loại, hoặc trở thành những cơ sở của các nhà máy kia. Ông Thiêm cũng khẳng định, trước khi trình Chính phủ ban hành chính sách này, Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức điều tra, lấy ý kiến rộng rãi để có một chính sách hoàn chỉnh.
Ông Đoàn Đình Thiêm, Trưởng Ban Đổi mới và quản lý DN nông nghiệp: Không chỉ có nông dân, các trang trại, các doanh nghiệp khác… nuôi, trồng nguyên liệu cho nhà máy chê biến nông – lâm – thuỷ sản đều được góp cổ phần vào các nhà máy chế biến đó. Khi đó, nhà máy không thể ép giá nguyên liệu của dân xuống, dân cũng không thể tăng giá cao lên hoặc bán ra ngoài thị trường. Gặp khó khăn, cả nhà máy và người dân sẽ đều phải “chiến đâu” vì lợi nhuận “2 trong 1”. Từ thực tế hiện nay cho thấy, chỉ có một con đường duy nhất là, nông dân và nhà máy cùng chung quyền lợi kinh tế, cùng “sân”, cùng sở hữu, cùng chia quyền lợi trên sở hữu đó thì mới bền vững, mới có thể tồn tại trong cơ chế thị trường cạnh tranh khốc liệt được. Chính sách này có thể sẽ được Chính phủ ban hành bằng một Nghị định. Nó sẽ rất phù hợp với các loại cây ngắn ngày như: đậu tương, cà chua, dưa chuột, mía, dứa…; cây dài ngày: cao su, cà phê,vải, nhãn…; cây lâm nghiệp; thuỷ sản và chăn nuôi gia súc lớn. |