Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nâng tầm thương hiệu trà B’Lao
05 | 12 | 2008
Thị xã Bảo Lộc (Lâm Đồng) đang chộn rộn không khí Lễ hội Văn hóa trà Lâm Đồng lần thứ 2 với nhiều hoạt động nhằm quảng bá thương hiệu trà (chè) B,Lao

“Thủ đô” trà hương

B’Lao là tên gọi cũ của Bảo Lộc, nơi đây được xem là “thủ đô” của ngành chế biến sản xuất trà hương của cả nước. Ông Đoàn Trọng Phương - Phó chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chè Lâm Đồng - cho biết: Lâm Đồng hiện có gần 27.000 ha chè, chiếm tỷ lệ 25% cả nước, trong đó có 24.500 ha đã thu hoạch với sản lượng từ 170.000-180.000 tấn chè búp tươi/năm, tương đương 35.000 tấn trà thành phẩm (chiếm 27% cả nước).

Diện tích chè nhiều nhất tại các huyện Bảo Lâm (13.500 ha), thị xã Bảo Lộc (9.200 ha), huyện Di Linh (trên 2.000 ha)... Bảo Lộc là nơi tập trung hầu hết các cơ sở chế biến trà với 26 nhà máy và 124 hộ cá thể, mỗi năm chế biến trên 26.000 tấn trà thành phẩm.

Ông Phạm Quang Tường, Chủ tịch UBND thị xã Bảo Lộc, bộc bạch: “Gần 80 năm qua người dân Bảo Lộc gắn bó với cây chè và nghề chế biến trà hương, đây là ngành kinh tế mũi nhọn của thị xã và cả huyện Bảo Lâm. Thu nhập từ ngành chế biến trà đạt khoảng 157 tỉ đồng/năm”. Mỗi năm Lâm Đồng xuất khẩu từ 6.000 đến 7.000 tấn trà các loại đi trên 50 nước trên thế giới.

Tuy nhiên, thực tế chất lượng chè xuất khẩu của Việt Nam nói chung, Lâm Đồng nói riêng chưa cao nên thường bị ép giá, giá bán chỉ bằng 60% so với Ấn Độ, Sri Lanka... Theo ông Trần Văn Hiệp, Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm, “để nông dân có thể làm giàu từ cây chè, huyện đang có chiến lược tổ chức lại sản xuất như thay đổi giống chè chất lượng cao, khuyến khích nông dân sản xuất chè cùng chủng loại tạo thuận lợi trong thu hoạch và chế biến xuất khẩu. Bên cạnh đó kêu gọi các nhà đầu tư tham gia trồng chè và chế biến trà...”.

Tưng bừng lễ hội

Những năm 70 (thế kỷ 20) người tiêu dùng đã biết đến các danh trà nổi tiếng như Đỗ Hữu, Quốc Thái, Thiên Hương, Ngọc Trang, Kim Bảo... với nhiều loại trà ướp hương mang thương hiệu B’Lao. Ngày nay đến thị xã Bảo Lộc, du khách xa gần được thưởng lãm một dãy “phố trà” dài gần 4 km chạy dọc theo đường Trần Phú (QL 20) với hàng chục thương hiệu khác nhau. Mỗi khi đi ngang qua đoạn đường này có thể cảm nhận hương trà tỏa lan ngào ngạt làm ấm lòng người. Các đoàn du khách đi qua đây thường ghé quán trà Trâm Anh, một nhãn hiệu trà nổi tiếng của Bảo Lộc, thưởng thức trà, cà phê, kẹo mè miễn phí. Gần đây hơn có thêm danh trà Tâm Châu rất năng động, bên cạnh việc trồng, chế biến, kinh doanh trà còn kết hợp kinh doanh thủ công mỹ nghệ, nhà hàng, du lịch, thu hút du khách khi đến Bảo Lộc.

Ông Võ Quang Vỵ, Phó tổng giám đốc Công ty trà - cà phê Tâm Châu, cho biết: “Kinh doanh trà gặp không ít khó khăn và thách thức, để có thể hội nhập thị trường thế giới công ty đầu tư quy trình sản xuất chế biến khép kín với 2 nông trường trồng chè ô long (100 ha), nhập dây chuyền, thiết bị chế biến trà từ nước ngoài, tiến hành đăng ký bảo hộ thương hiệu, có kế hoạch phân loại sản phẩm xuất khẩu phù hợp theo tiêu chuẩn và thị hiếu từng nước như: Nhật Bản, Mỹ, các nước vùng Trung Đông...".

Phòng Kinh tế thị xã Bảo Lộc cho biết, ngày càng có nhiều hộ sản xuất chè quy mô trang trại với gần 500 ha, những hộ này tập trung sản xuất chè chất lượng cao nên thu nhập tăng nhiều lần so với canh tác giống chè hạt, thu nhập đạt từ 150-200 triệu đồng/ha.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Quang Tường, Chủ tịch UBND thị xã Bảo Lộc, Trưởng ban tổ chức Lễ hội Văn hóa trà Lâm Đồng bộc bạch: "Trà B’Lao đang cần một thương hiệu, việc tổ chức Lễ hội trà Lâm Đồng lần 2 chúng tôi muốn quảng bá thương hiệu trà B’Lao, muốn tôn vinh các cá nhân, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trà và quan trọng nhất để sản phẩm trà B’Lao có thể vươn xa ra thị trường thế giới nhiều hơn. Cũng theo ông Tường, người dân thị xã Bảo Lộc đang háo hức hưởng ứng lễ hội trà lần đầu được tổ chức tại Bảo Lộc (lần 1 tổ chức tại Đà Lạt), các doanh nghiệp Tâm Châu, Trâm Anh, Thiên Hương và nhiều doanh nghiệp khác rất tích cực đóng góp vật lực, tài lực để giúp lễ hội thành công.

Lễ hội Văn hóa Trà Lâm Đồng lần 2 diễn ra từ ngày 4-7.12 với các hoạt động: Diễu hành xe hoa từ Bảo Lộc - Di Linh - Bảo Lâm; triển lãm - xúc tiến thương mại "B'Lao - Thương hiệu trà Việt"; đêm khai mạc chủ đề "Hương sắc trà B'Lao"; Hội thảo tọa đàm: Trà và sức khỏe, nghệ thuật thưởng thức trà, trà và định hướng phát triển ngành trà; thời trang tơ lụa "Duyên dáng xứ trà"; hội thi pha trà và giới thiệu văn hóa trà Việt; hội thi hái chè cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao du lịch hấp dẫn diện ra tại quảng trường 28/3, khu du lịch Đạm B'ri và nông trường Công ty Tâm Châu.
 

 



Nguồn: thanhnien.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường