Nhiều doanh nghiệp trà như Rồng Vàng, Hà Giang, Thiên Thành… cho biết triển lãm là dịp để thăm dò thị trường và tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng đối với sản phẩm trà ướp hương. Sắp tới các doanh nghiệp này sẽ đẩy mạnh việc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm trà với nhiều hương vị từ thảo dược như trà sen, trà hoa lài, trà hoa sói…, vốn được người tiêu dùng trong nước và cộng đồng người Việt ở nước ngoài ưa chuộng.
Nhiều doanh nghiệp trà của Việt Nam hiện nay chưa quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, chủ yếu là xuất thô sang các nước như Sri Lanka, Ấn Độ…
Lâm Đồng hiện là địa phương có diện tích trồng trà lớn nhất cả nước, khoảng 27.000 héc ta trong tổng số 126.000 héc ta của cả nước (chiếm khoảng 22%) và sản lượng hàng năm đạt khoảng 180.000 tấn trà búp tươi.
Tỉnh cao nguyên này chủ trương tạo vùng nguyên liệu trà phù hợp theo tiêu chuẩn GAP (tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt) với khoảng 3.100 héc ta và giống trà các loại, trong đó các giống ngoại nhập như Ngọc Quý, Tứ Quý, Kim Tuyên…đang được ưu tiên để chế biến trà Ô long.
Bảo Lộc là nơi tập trung phần lớn các doanh nghiệp sản xuất trà của Lâm Đồng, với khoảng 150 doanh nghiệp và 18.000 hộ nông dân canh tác cây trà. Sản lượng trà chế biến năm 2008 ước đạt 26.023 tấn, trong đó sản lượng xuất khẩu là 6.000 tấn với giá trị 6,7 triệu đô la Mỹ.
Triển lãm này nằm trong chuỗi các sự kiện của lễ hội văn hóa trà Lâm Đồng lần 2 tại thị xã Bảo Lộc từ ngày 4 đến ngày 7-12-2008.
Lễ hội văn hóa trà Lâm Đồng lần 2 diễn ra từ ngày 4 đến ngày 7-12 với các hoạt động: triển lãm, xúc tiến thương mại “B’Lao-Thương hiệu trà Việt”; diễu hành xe hoa Bảo Lộc - Di Linh - Bảo Lâm; đêm khai mạc chủ đề “Hương sắc trà B’Lao; hội thảo tọa đàm: “Cùng nông dân ra đồng sản xuất trà an toàn theo hướng GAP”; đêm hội uống trà “Trà trong không gian và thời gian”; hội thi thời trang “Duyên dáng xứ trà”…