Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Để hương trà bay xa
05 | 12 | 2008
Chúng tôi về Bảo Lộc (B’Lao) vào một ngày cuối tháng 11, cuối mùa mưa trời cao nguyên vẫn đầy những đám mây xám xịt. Thời tiết thì vẫn vậy nhưng dường như hương thơm của trà sấy, của trà ướp hương hoa sói, hoa ngâu vẫn nồng nàn, da diết trên từng góc phố và nhất là trên quốc lộ 20 chạy ngang thị xã. Đằng sau cái mùi hương quen thuộc ấy là một không khí sôi động của mùa lễ hội trà ở Lâm Đồng đang đến rất gần.

Hương hoa sói

Anh Lê Văn Lạc, chủ doanh nghiệp trà Thiên Hương, tiếp tôi như một người quen lâu ngày gặp lại. Gia đình anh từ Huế vào lập nghiệp năm 1955, năm 1958 bắt đầu làm trà sơ chế theo kiểu trà xanh truyền thống, đến năm 1960 chuyển sang trà ướp hương bán sang các tỉnh lân cận.

Như một số hiệu trà khác, lúc đầu gia đình làm trà hương sói – một loại hoa đặc hữu của núi rừng B’Lao, sau đến hương lài, hương cúc và hương ngâu. Từ năm 1989, anh đã đảm nhận hoàn toàn việc sản xuất – kinh doanh trà của gia đình. Đây cũng là thời điểm ngành sản xuất trà Bảo Lộc bắt đầu bùng nổ sau nhiều năm vào hợp tác xã không phát triển được.

Anh Lạc cho biết: “Hoa sói có hương thơm nhè nhẹ, giữ được lâu, mua của bà con dân tộc tại chỗ hái từ rừng đem về. Còn hoa lài mua từ TPHCM, khoảng 6 giờ sáng người ta hái thì chiều đã lên đến Bảo Lộc và được ủ ngay từ chiều tối, đến sáng hôm sau mang sấy khô”.

Theo anh Lạc thì ở xứ trà này có khoảng 10 doanh nghiệp lớn chuyên bán sỉ như Thiên Hương và hầu hết tập trung trên con đường Trần Phú chạy qua thị xã, tạo nên một “phố trà” hiện đại với những tòa nhà đồ sộ nằm san sát hai bên đường như một biểu tượng phát triển mới của xứ trà B’Lao này.

Trước đây, nhắc đến xứ trà, phố trà B’Lao, người ta nhớ đến hai cái tên Đỗ Hữu, Quốc Thái nhưng nay đã có thêm những cái tên mới như Bảo Tín, Ngọc Trang, Vạn Tâm, Thiên Thành, Trâm Anh, Tâm Châu…

Bỏ lại sau lưng “phố trà” với hương thơm nhè nhẹ mà ngây ngất, chúng tôi theo anh Nguyễn Đức Tiễn - nhân viên Công ty Trà Tâm Châu, vào thăm nông trường trà của công ty tại xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm), nằm cách thị xã hơn 15km. Đoạn đường lầy lội bởi cơn mưa chiều ở cuối xã Đạm Ri cũng không làm gián đoạn cảm xúc của mỗi người.

Chốc chốc chúng tôi lại bắt gặp những điểm thu mua trà búp tươi với cảnh người vào ra nhộn nhịp với những chiếc xe Honda cub 78 – 79 chở đằng sau những bao trà nặng đến 70 – 80 kg xuôi về hướng thị xã.

10 năm qua, nhờ tích cực chuyển đổi từ các giống trà hạt năng suất thấp sang trà cành TB 14 hay Shan LD 97 mà sản lượng trà búp đã tăng vọt, một ha trà cành cho 20 tấn trà búp/năm, gấp 2,5 lần trà hạt trước đây, giá bán trà cành cũng cao hơn khoảng 30% so với trà hạt nên thu nhập của người dân cũng tăng theo.

Từ trà hạt đến trà chất lượng cao

Càng vào sâu trong “đất trà” Bảo Lộc, Bảo Lâm, chúng tôi càng bị hút hồn bởi những đồi trà Ô Long trải rộng xanh ngát một màu tới tận chân trời. Những đồi trà hình bát úp rộng mênh mông của Công ty Tâm Châu với các giống Ô Long thuần, Kim Tuyên, Tứ Quý, Thanh Tâm trải dài trước mắt.

Cách đây 6 năm, khi mới bắt đầu, công ty có 30 ha trà chất lượng cao, phải mua giống từ Đài Loan (Trung Quốc) sau đó công ty đã tự ươm giống, tăng dần diện tích qua từng năm và hiện tổng diện tích vườn trà đã hơn 200 ha, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động, trong đó có khoảng 500 lao động là người dân tộc thiểu số tại địa phương. Cả một vạt đồi trà Ô Long thuần sum suê búp non đã sẵn sàng cho buổi thi hái trà diễn ra vào sáng 5-12.

Tâm Châu hiện là doanh nghiệp địa phương có diện tích trà chất lượng cao lớn nhất nước hiện nay. Sản phẩm của công ty được xuất khẩu chính đến các nước, vùng lãnh thổ ở châu Á, chủ yếu là Đài Loan (Trung Quốc), rồi phân phối sang Nhật, đến năm 2005, công ty mở thêm chi nhánh ở Quảng Châu (Trung Quốc) và cách đây 2 năm đã mở văn phòng tại Cao Hùng (Đài Loan, Trung Quốc).

Hiện sản lượng trà chất lượng cao của công ty được xuất khẩu chiếm 60% (bình quân mỗi tháng xuất 10 – 20 tấn trà thành phẩm) và 40% tiêu thụ trong nước.

Phó Tổng Giám đốc công ty Võ Quang Vỵ cho rằng: “Bài học lớn nhất, quan trọng nhất mà công ty rút ra là phải đẩy mạnh, đa dạng hóa thị trường. Cả nước hiện có 3.000ha trà Ô Long, hầu hết đều tập trung ở Lâm Đồng và phải làm thị trường ở nước ngoài, phải đẩy mạnh xúc tiến thị trường”.

Qua thống kê, tại khu vực Bảo Lộc – Bảo Lâm hiện có khoảng 40 đơn vị xuất khẩu trà chất lượng cao (không kể khoảng 20 cơ sở hộ cá thể). Do chưa có sự cạnh tranh mạnh vì doanh nhân Đài Loan sang đầu tư trồng, chế biến rồi mang về lãnh thổ họ bán nên lâu nay sản phẩm trà B’Lao đưa ra thị trường về cơ bản vẫn là tự phát, mạnh ai nấy bán mà chưa có sự liên kết thành một hiệp hội ngành nghề, hay ý thức xây dựng một thương hiệu mạnh.

Ông Vũ Hùng Anh (chủ doanh nghiệp trà Trâm Anh) bộc bạch: “Quan điểm của tôi, thương hiệu nào cũng có cái ngon, phù hợp với khách hàng theo cái gu mỗi người, nhưng riêng thương hiệu trà B’Lao chưa được đầu tư để trở thành một thương hiệu chung”.

Do vậy, người Lâm Đồng phải nghĩ ngay đến việc xây dựng một thương hiệu trà chung mang tầm quốc gia cho các sản phẩm trà sản xuất tại địa phương. Và từ khâu trồng, chăm sóc, đến chế biến đều được kiểm soát bằng các chương trình phòng trừ dịch hại theo tiêu chuẩn quốc tế để thương hiệu trà Lâm Đồng được nhiều người trên thế giới biết đến, để đưa cây trà trở thành một trong những cây trồng xuất khẩu chủ lực, mang lại sự ấm no cho người làm trà.

Từ nhiều năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã duy trì việc trợ giá giống trà trồng mới với mức hỗ trợ 60% nhưng vì nhiều lý do nên đến nay toàn thị xã Bảo Lộc mới trồng có 1.700ha trà cao sản giống mới, chiếm gần 18%.

Trước mắt, rầt cần các chương trình đầu tư dài hạn cấp tỉnh cho khuyến nông, có các chương trình tín dụng hỗ trợ nông dân đầu tư chuyển đổi giống trà hạt sang trà cành, hoặc từ trà hạt sang hẳn trà Ô Long để tạo nên một vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng cao và tiếp đó là các chương trình khuyến công nhằm tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường.

 



Nguồn: sggp.org.vn
Báo cáo phân tích thị trường