Rời trung tâm TP Đà Lạt, vòng vèo đồi dốc, qua khỏi sân bay Cam Ly nằm hoang sơ, vàng rực giữa màu dã quỳ cuối đông, đến làng hoa Vạn Thành, nghe chuyện chanh “trời” của ông Nguyễn Công Hóa đang được cư dân quanh vùng chuyền tai nhau, cứ ngỡ mình đang chạm vào cổ tích xứ cao nguyên.
Lộc của đất
Dáng tất bật trong chiếc áo ấm đã ngả màu, ông Nguyễn Công Hóa có vẻ tiếc thời gian phải tiếp chuyện cùng tôi khi mùa hoa Tết đang đòi bàn tay người chăm sóc! Thế nhưng, khi nghe hỏi chuyện cây chanh lạ, ông đã không tiếc lời. Gác lại bộn bề lo toan, giọng ông trầm trầm: “Ngày xưa, từ Bình Định, Nam tiến, đi kinh tế mới, khai hoang mảnh đất này với hai bàn tay trắng, đối mặt với bao nhiêu khó khăn, cơm gạo chạy từng bữa nhưng lạ lùng là góc vườn nhà tôi, không hiểu sao lại mọc một cây chanh lạ.
Tựa như có phép mầu, mỗi lần trổ trái, cây cho gần 2 tạ chanh. Cha con cùng nhau đem chanh, đi bộ gần chục cây số ra chợ bán, kiếm thêm tiền mua gạo mà cày cuốc nuôi nhau. Nhờ trời và cũng nhờ vợ chồng đồng lòng, đồng sức, chúng tôi cất được nhà, có được đất. Ngày làm nhà lồng kính để trồng vườn hồng hơn 60.000 gốc, tôi lại xuống Sài Gòn có việc, không kịp dặn con.
Về đến nhà thì thấy thợ đã cuốc mất cây chanh quý. Cây chanh như thể đã hoàn thành nhiệm vụ cứu đói gia đình tôi nên quyết chí về trời. Tôi vẫn tiếc, cố gắng cứu gốc chanh bằng mọi cách nhưng bất thành”. Nhấp ngụm trà, ông kết lại câu chuyện mang màu sắc huyền ảo của mình bằng cái chớp mắt thật buồn: “Cứ nhìn những cây chanh bình thường là tôi tiếc mãi, ân hận mãi... Nếu như là cổ tích, thấy cây bay lên trời, chắc tôi cũng đu theo như chú cuội”.
Không được làm cuội già, tựa gốc cây đa nhìn xuống trần gian, ông biến nỗi buồn của mình thành quyết tâm “làm cái gì đó cho chanh”. Mỗi ngày, xong việc vườn tược là ông tranh thủ lai tạo chanh với các giống cùng loài, nhằm cho ra giống chanh mới. Hơn hai năm mày mò, lai tạo đến đời thứ 3 thì chuyện lạ đã xảy ra.
Quả chanh siêu nặng
Theo chân ông Hóa ra vườn, giữa những bụi hồng môn, nhài, cam, bưởi, những chậu lan... lạ mắt, đập vào mắt chúng tôi là một cây chanh cao gấp đôi người, vươn thẳng, chọc rách cả tấm phên liếp chắn sương của khu vườn nhỏ. Không cần ông giới thiệu, những trái chanh to hơn cả bàn tay người lớn đã có khả năng tự “khoe” mình.
|
Hoa quỳ “vĩnh cửu” – một sáng tạo của ông Nguyễn Công Hóa |
Chỉ tay vào trái chanh to gấp 10 lần trái chanh thường, ông háo hức tiết lộ: “Đây mới là chanh non thôi, khi lớn đúng khích thước, nó phải to hơn cả trái bưởi, nặng ít nhất là 4,5 kg”. May mắn cho chúng tôi, ngày hôm trước, nhà cũng vừa thu hoạch được quả chanh chín. Xẻ đôi quả, nhìn từng múi chanh mọng nước và hương thơm đặc trưng, tự dưng mà khách thăm nhà thèm vị chua đến lạ.
Ông Hóa cho biết: “Thông thường, trái chín là nhà chúng tôi đem biếu bà con, hàng xóm hết”. Con gái và con dâu ông nhanh tay tẽ chanh thành từng múi, để riêng hạt, thành một mâm đầy chanh. Thấy chúng tôi tỏ vẻ thắc mắc, ông giải thích: “Bà con trong vùng bảo phơi chanh, ngâm rượu chữa được đau bụng và nhức lưng hữu hiệu lắm!”. Mang mâm chanh ra đón nắng, ông chẳng giấu ước mơ của mình là có thể nhân giống chanh có tính năng chữa bệnh này, sau đó chưng cất để lấy tinh dầu, pha rượu thuốc mang thương hiệu Đà Lạt.
Tiếng lành đồn xa, nhiều người đã đến xin giống chanh lạ về trồng. Ông Hóa kể: “Cây cũng như lộc của trời, tôi gọi nó là “chanh thiên” nhưng bà con trong vùng đọc trại, thành chanh Yên. Giờ đã quen miệng, thấy cũng hay hay”. Đáng tiếc, ngoài phương pháp chiết cành để nhân giống, chanh Yên chẳng thể gieo trồng vì hạt nảy mầm lại cho ra cây còi cọc, không phát triển được.
Hạn chế này lại đẩy ông đến một khát khao mới, thúc ông tiếp tục cặm cụi nghiên cứu để hoàn thiện chanh Yên thành một giống chanh đặc biệt. Ông chia sẻ: “Cứ nghe nói đến bòn bon Thái Lan, sầu riêng Thái, me Thái là tôi lại phải cố gắng hơn nữa. Biết đâu, sau này người nước ngoài sẽ phải nhớ mãi đến chanh Yên Việt Nam”. Tuy chưa đạt được điều mong muốn nhưng kết quả quá trình nghiên cứu của ông cho ra đời thêm một giống chanh mới, cũng “siêu nặng” như chanh Yên nhưng trái cho ra hình tròn, vị thơm và múi giòn hơn.
Nhà sáng chế “mò”
Say mê sáng tạo thế nhưng điều bất ngờ là ông chẳng qua trường lớp nào về sinh học. “Trời cho tôi trí tưởng tượng, cứ tưởng tượng ra điều gì, tôi lại mày mò, làm thử xem nó có thể thành hiện thực không”. Ông nói về những sáng tạo của mình, mộc mạc như chính cách sống của những người con của đồi núi. Không có kiến thức chuyên môn, những lần “mò” của ông với hoa, với cây trái vì vậy mà tốn nhiều thời gian, công sức lẫn tiền bạc.
Mỗi ngày, ông làm việc đến tận 2, 3 giờ sáng. “Ai cũng bảo tôi gàn, chỉ có vợ tôi là ủng hộ, chia sẻ đam mê của tôi”- ông tự hào.
Nghe đến ứng dụng của internet, nhà sáng chế “mò” bảo con trai, kéo internet về tận nhà để ông “giao lưu, học hỏi bạn bè quốc tế”. Nhìn ông lọc cọc gõ từng phím chữ, ai cũng ái ngại nhưng nhờ vậy mà ông phát hiện được phương pháp giữ hoa vĩnh cửu. Học hỏi kinh nghiệm từ Nhật Bản, ông đặt mua thuốc từ nước ngoài, tập ướp để giữ sắc hoa không tàn.
Từ hồng, cẩm tú cầu đến hoa dã quỳ ông đều giữ được chúng tươi mới ít nhất là trong vòng 3 năm. Ứng dụng thành công, ông trở thành nhà cung cấp hoa vĩnh cửu cho Nhật Bản, đưa hoa hồng Đà Lạt ra thế giới.
Không dừng lại ở đó, ông còn bỏ thời gian “săn” những giống hoa lạ của thế giới rồi đặt mua, đầu tư lai tạo cho giống hoa ấy phát triển được trong môi trường của Việt Nam. Đại hồng môn xanh, có viền trắng; hoa lan lồng đèn có thể giữ tươi trong 3 tháng, là những giống hoa nước ngoài mà ông đã thành công khi bắt chúng trổ mình trên đất Việt. Mỗi loài hoa lạ ngốn của ông mất cả năm vì phải lai tạo đến vài thế hệ.
Ông cười buồn: “Mỗi loài hoa thành công, vui lắm nhưng cũng xót vì thấy mình mất đi một tuổi”. Tết này, ông đã chuẩn bị trình làng 11 giống hoa mới, sản phẩm từ lao động miệt mài của ông suốt năm 2008. Cây đã ươm mầm, chờ ngày khoe sắc nhưng tuổi đời của người đem sức sống cho hoa thì ngày một cao. “Nhờ đất lành, gia đình chúng tôi mới hạnh phúc và no đủ bên nhau.
Cố gắng của tôi, cũng chỉ là việc mình làm giàu cho đất, cho thế hệ con cháu sau này”- ông triết lý như vậy khi tiễn tôi. Quay lưng, đã thấy ông chân trần, tất tả chạy ra vườn tiếp tục công việc của một người nông dân, say sưa hoa trái đến quên mình.