Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
"Khủng hoảng thừa" rau ở hà Nội: Thêm một bài học về dự báo, quy hoạch
25 | 12 | 2008
Nỗi đau về thiệt hại do trận mưa lịch sử gây ngập lụt trên diện rộng cuối tháng 10 chưa nguôi ngoai thì mấy ngày nay, người trồng rau ở ngoại thành Hà Nội lại thêm khốn đốn khi giá các loại rau liên tục giảm. Nguyên nhân là do bà con đổ xô trồng các loại rau ngắn ngày dẫn đến phá vỡ cơ cấu mùa vụ và điều tất yếu đã xảy ra, đó là... “khủng hoảng thừa”. Một lần nữa vấn đề dự báo, quy hoạch của các ngành chức năng lại tạo ra “lỗ hổng” lớn.

Rau rẻ như... cho

Gần một tuần nay, người dân xã Đại Thịnh (Mê Linh – Hà Nội) thấp thỏm không yên vì rau. Sau trận mưa lịch sử, hàng trăm hécta rau của bà con mất trắng. Nước rút, họ lại tất tưởi mua giống, phân bón... về chăm bẵm, mong chờ ngày thu hoạch. Thế nhưng, khi rau đã đến ngày “hái quả”, chưa kịp mừng thì nông dân đã phải đối mặt với nguy cơ hàng nghìn tấn rau phải đổ bỏ hoặc nếu bán cũng rẻ... như cho. Bên luống cải xanh mơn mởn, chị Lê Thị Tình (thôn Đường Lệ, xã Đại Thịnh) nói như mếu: “Vườn rau này được trồng khi thị trường đang khan hiếm rau, tưởng sẽ được lãi lớn, ai ngờ... lỗ nặng. Trước đây, thương lái đến tận ruộng mua rau, giờ chẳng ai đoái hoài. Cả nhà tôi phải gánh rau lên các chợ để bán... Nhưng chỗ nào cũng thấy rau thì biết bán cho ai”.

Cùng chung cảnh ngộ với Đại Thịnh, người trồng rau ở Tiền Phong (Mê Linh) cũng đang “méo mặt” vì rau ế. Vừa xếp những bó rau cuối cùng lên bờ ruộng, anh Nguyễn Văn Quân (thôn Gio Nhân Hạ) xót xa: “Trước đây bán được 2.000 – 3.000đồng/kg, giờ chỉ còn 500 đồng/kg mà cũng khó bán. Vừa mất trắng sau lụt cộng thêm lần này nữa, gia đình tôi Tết này khó mà no đủ...”.

Xã Vân Nội (huyện Đông Anh) được mệnh danh là “rốn” rau của Hà Nội cũng đang lao đao vì mỗi ngày thừa đến 40 – 50 tấn rau. ở Vân Nội, hiện có 18 hợp tác xã (HTX) và 2 công ty chuyên trồng rau an toàn. Sau khi nước rút, hàng chục hộ dân đổ xô trồng rau cải. Riêng HTX Rau an toàn Vân Nội mỗi ngày thu hoạch 2,5 - 3 tấn rau nhưng chỉ bán được khoảng 1,5 tấn, còn lại nằm chất đống chờ héo. ông Trần Văn Hiệu, Chủ nhiệm HTX, không giấu nổi sự xót xa: “Vừa khôi phục được “vựa” rau thì cũng là lúc chúng tôi chịu thiệt hại nặng nhất. Không chỉ rau trồng đại trà, rau an toàn cung cấp cho các siêu thị, nhà hàng... cũng đang ế ẩm”.

Theo ban quản lý các chợ Long Biên (quận Hoàn Kiếm), chợ đầu mối phía Nam (Đền Lừ - quận Hoàng Mai), chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy)..., mấy ngày nay, lượng rau về chợ tăng gấp 2 – 3 lần. Không chỉ rau ở ngoại thành Hà Nội, nhiều loại rau từ các tỉnh khác như: Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên... cũng “tràn” về Thủ đô. Trời đã nhá nhem tối, nhưng chị Phan Thị Thu (Văn Giang – Hưng Yên) vẫn đang chào bán rau trước cổng chợ Mai Động (quận Hoàng Mai). Chị tâm sự: “Tưởng bán được giá nên tôi mới đưa lên đây chứ rẻ như cho thế này thì ở nhà cho đỡ mất công”. Sau một hồi “rao” khắp chợ, cuối cùng cũng có người mua nốt những mớ rau còn lại. Chị Thu thở phào nhẹ nhõm: “Vậy là thoát nợ!...”.

Nông dân không được... dự báo?

Sau những ngày đi khắp phố phường Hà Nội bán rau, anh Trần Văn An (thị trấn Mê Linh) rầu rĩ: “Biết là lỗ to nhưng vẫn phải bán, nhiều người còn phải đổ đi vì ế...”.

Trận mưa ngập hồi cuối tháng 10 làm gia đình chị Trần Thị Kim Cúc (thôn 7, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai) mất gần 10ha rau các loại. Sau khi phục hồi, chị lại gánh thêm nỗi đau rau ế. Chị phân tích: “Giờ thì chúng tôi đã biết trồng quá nhiều một loại rau sẽ dẫn đến ế, thừa. Nhưng giá mà nông dân được các ngành chức năng cảnh báo sớm hơn thì đã không có thiệt hại như hôm nay”. “Khi trận mưa lụt xảy ra, chúng tôi không được cảnh báo trước. Hàng nghìn hécta rau, hồ cá... mất trắng. Giờ đây, khi đã khôi phục được phần nào thì nông dân vẫn là người chịu thiệt nhất”, ông Nguyễn Khánh Toàn ở thôn 2 (phường Yên Sở) bức xúc.

Theo nhận định của ông Phạm Đồng Quảng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT): “Nhiều loại rau như cải bắp, cà chua, dưa chuột... do không còn thời vụ nên không thể phục hồi sau lũ, bà con chỉ còn cách chọn rau ăn lá ngắn ngày...”.

Bài học thừa rau một lần nữa đặt ra vấn đề, chúng ta đang lúng túng về giống cây trồng. Chính vì vậy, nếu có hệ thống giống tốt, phong phú về chủng loại, không phụ thuộc vào bên ngoài thì sẽ chủ động về cơ cấu giống. Ngoài ra, việc bà con thêm một lần thiệt hại là do vấn đề: sản xuất, quy hoạch đất đai, dự báo, thuỷ lợi và cả đầu ra cho sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức”, PGS.TS Trần Khắc Thi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương, cho biết.

Từ sự việc này cho thấy, vấn đề quy hoạch, dự báo của ngành nông nghiệp nước ta đang chưa được coi trọng. Liệu nông dân còn phải hứng chịu những mất mát như thế này đến bao giờ?

- Theo Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương, cơ cấu rau hợp lý là rau ăn lá 40%; rau ăn quả 20%; rau gia vị 20% và các loại rau khác. Nhưng tại Hà Nội, cơ cấu này đã bị phá vỡ, phải mất gần hai tháng nữa mới cân đối được.

- Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội thừa nhận: Hiện có khoảng 11.500ha rau được trồng, chủ yếu là rau cải các loại. Bởi sau mưa lũ, Hà Nội đã xuất ra 70 tấn hạt rau giống từ nguồn dự trữ của Trung ương để phát miễn phí cho người nông dân ở tất cả các quận, huyện. Đến nay, hơn 40 tấn đã gieo trồng, đang cho thu hoạch. Đó là chưa kể hàng trăm hécta rau ở các địa phương lân cận, sau khi diện tích ngô, đậu tương, khoai tây bị chết, bà con cũng ồ ạt chuyển sang trồng các loại cải ngọt, cải canh, cải củ...




Nguồn: Kinh tế nông thôn
Báo cáo phân tích thị trường