Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hà Nội đã tìm được lời giải cho bài toán rau an toàn?
29 | 06 | 2009
UBND Thành phố Hà Nội vừa phê duyệt đề án sản xuất rau an toàn (RAT) đến năm 2015, với kinh phí đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Người tiêu dùng đang rất hy vọng, song vẫn không khỏi băn khoăn rằng, đề án đã phải là lời giải cho bài toán RAT của Thủ đô?

Bài 1: Nghịch lý thừa đất, thiếu RAT!

Từ lâu, với người tiêu dùng Thủ đô, nhu cầu về rau xanh đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đã trở nên rất cần thiết và bức xúc. Nhưng xem ra, cho đến nay, khi Hà Nội đã mở rộng, quỹ đất nông nghiệp, quỹ đất sản xuất rau có thể nói là không thiếu, nhưng vẫn thiếu rau đảm bảo an toàn cho người sử dụng.                                                                                             

Dư dả quỹ đất trồng rau

Những năm trước, Hà Nội gặp phải khá nhiều khó khăn trước nhu cầu rất lớn của người tiêu dùng về rau xanh nói chung, RAT nói riêng, bởi diện tích dành cho sản xuất rau chật hẹp, manh mún. Vì thế, trong một thời gian dài, lượng rau tiêu thụ trên địa bàn Thủ đô chủ yếu phụ thuộc vào lượng rau của các tỉnh lân cận, cũng như từ Trung Quốc đổ sang. Song, do lượng rau đó gần như không kiểm soát được nguồn gốc, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… nên rau xanh từ lâu đã trở thành vấn đề bức xúc của hầu hết người tiêu dùng Thủ đô.

Tuy nhiên, sau khi mở rộng, Thủ đô Hà Nội có tới hơn 300.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có gần 12.000 ha sản xuất rau, phân bố ở 22/29 quận, huyện, thị xã. Trong đó, nhiều huyện có vùng trồng rau chuyên canh khá lớn, như: Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ… Bởi vậy, sau khi mở rộng, Hà Nội đã giải quyết được cơ bản quỹ đất dành cho sản xuất rau xanh.

Hiện nay, Hà Nội mỗi năm đã tự sản xuất được khoảng 570.000 tấn rau, đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu về rau xanh trên địa bàn, còn 40% vẫn phải nhập từ các địa phương khác. Tuy nhiên, mặc dù diện tích trồng rau lớn, lượng rau sản xuất ra tương đối nhiều, nhưng cho đến nay, toàn thành phố mới chỉ có 122 cửa hàng bán RAT đã được cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, 8 chợ đầu mối buôn bán rau và chỉ có duy nhất 1 chợ đầu mối Vân Nội (Đông Anh) đã có khu vực bán RAT riêng biệt với rau thông thường. Thêm vào đó, hiện tại diện tích rau an toàn (RAT) trên địa bàn thành phố mới chỉ có hơn 2.100 ha, đáp ứng được 14% nhu cầu.

Còn đó những bất cập

Số lượng, diện tích trồng RAT ở Hà Nội chưa nhiều, chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, trong khi trên thực tế, việc sản xuất và tiêu thụ mặt hàng nông sản này đã và đang bộc lộ khá nhiều bất cập, như: “đầu ra” khó khăn khiến người sản xuất RAT không có lãi bằng trồng theo quy trình thông thường; việc phối hợp quản lý giữa chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn còn thiếu gắn kết; một bộ phận người dân còn chạy theo lợi nhuận, không tuân thủ theo quy trình sản xuất RAT, khiến người tiêu dùng nghi ngờ, đắn đo…

Theo ông Nguyễn Công Kiên- Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phương Viên (Song Phương, Hoài Đức), dự án trồng RAT của HTX được quy hoạch từ năm 2003 với diện tích ban đầu 2,3ha, hiện đã lên đến 58,5ha. Chiếm đến 70% diện tích rau ở địa phương nằm trong dự án quy hoạch và đã được đầu tư tương đối về đường, nhà lưới, giếng khoan nhưng do vướng mắc ở khâu tiêu thụ nên dự án triển khai đã 6 - 7 năm mà vẫn chưa có đơn vị nào đứng ra thu mua sản phẩm lâu dài, ổn định cho bà con nông dân. Bởi vậy, hiện nay 90% số hộ trồng RAT ở Song Phương vẫn phải bán lẻ tại chợ Vạng (chợ đầu mối của địa phương) nhưng việc tiêu thụ cũng không mấy dễ dàng bởi giá rau rất bấp bênh. Hơn nữa, mặc dù chi phí để sản xuất RAT sẽ cao hơn chi phí sản xuất rau đại trà truyền thống, nhưng đưa rau ra chợ tiêu thụ thì cũng chỉ bán giá bằng rau trồng theo quy trình thông thường. Bởi vậy, tâm lý người nông dân không thấy mặn mà với RAT.

Cùng chung nỗi niềm về “đầu ra” chưa ổn định của sản phẩm RAT, chị Đỗ Thị Vũ Quỳnh- Chủ nhiệm HTX RAT Mạnh Quỳnh (Vân Nội, Đông Anh) cho biết: “Trồng RAT với nông dân Thủ đô không phải là khó, bởi họ đã có kinh nghiệm trồng rau lâu năm, lại được các ngành chức năng đầu tư triển khai xây dựng một số điểm sản xuất mẫu, tập huấn kỹ thuật và cử cán bộ giám sát. Nhưng HTX vẫn không dám mở rộng diện tích trồng RAT với lý do chưa có đầu ra ổn định, lâu dài, đảm bảo an toàn trong kinh doanh. Lúc rau được mùa, xã viên Hợp tác xã lo lắng không tiêu thụ hết và không có lãi”. Anh Nguyễn Văn Hào, xã viên HTX Tiền Lệ (Hoài Đức) than phiền: HTX chúng tôi trồng RAT đã mấy năm nay, chủng loại rau cũng khá đa dạng mà đầu ra vẫn bấp bênh, phải mang ra chợ đầu mối Dịch Vọng (Cầu Giấy) bán chung với rau thường. RAT của HTX chúng tôi vẫn thường xuyên bị “ế”. Giá thành để trồng một sào RAT cao hơn ít nhất là khoảng 30% so với  giá thành trồng rau thường, nhưng nếu bán với giá cao hơn 30-40% so với rau thường thì không ai mua”.

Rõ ràng, khi người tiêu dùng và người sản xuất chưa tìm được tiếng nói chung, còn thiếu sự tin tưởng, thì bài toán về RAT hiện nay của Hà Nội vẫn cứ bế tắc như nhiều năm trước.



Nguồn: www.hanoimoi.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường