Thiếu chuyên nghiệp - trái cây bị ép giá
Có những lúc, vải sang đến Trung Quốc bị ép giá thấp hơn cả giá ở Hà Khẩu, nhiều chủ hàng không chịu nổi đã phải đẩy ngược cả xe hàng về Lào Cai tiêu thụ, ông Lê Ngọc Hưng, Giám đốc Sở Công thương Lào Cai khẳng định. Theo ông Hưng, việc bị ép giá, ép cấp chủ yếu xảy ra với các tư thương nhỏ do cách làm ăn tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Qua đường tiểu ngạch, mỗi ngày có khoảng 200-300 tấn vải tươi được chuyển từ các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương… lên Lào Cai để xuất sang Trung Quốc. Thay vì tiêu thụ theo hợp đồng, nhiều hợp tác xã, hộ kinh doanh nhỏ vẫn trung thành với phương thức kinh doanh cũ là cứ ùn ùn chở hàng xe vải tươi lên cửa khẩu. Việc "bắt mối" tiêu thụ bên Trung Quốc lo sau. Những chủ hàng này cũng không xin cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mà cứ thế chất hàng tạ vải tươi lên những xe bò, xe ba gác đẩy qua chợ bên kia biên giới bán. Ông Hưng cho biết, lúc cao điểm, giá vải tươi xuất khẩu bị ép xuống rất thấp, chỉ còn có 3.000 đồng/kg trong khi vải tươi loại ngon tại Lào Cai đã trên 10.000 đồng/kg. Tuy nhỏ lẻ nhưng sản lượng vải xuất khẩu qua đường "không chuyên nghiệp" này chiếm đến 50%. Như vậy, một nửa số vải xuất khẩu thường xuyên đối mặt với nguy cơ bị ép giá, ép cấp do kiểu kinh doanh tự phát của các chủ hàng Việt Nam.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, riêng năm 2008, Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc đạt kim ngạch 1,9 tỷ USD giá trị nông sản. Tiềm năng thị trường rất lớn do khoảng 80% trái cây Việt Nam vẫn tiêu thụ trong nước. Việc đăng ký xuất xứ cho trái cây, nhất là đối với các nhà vườn, với bà con nông dân, bước đầu sẽ gặp nhiều khó khăn. Lâu nay, bà con luôn phó mặc việc tìm đầu ra cho tư thương hay các doanh nghiệp (DN) đầu mối. Bản thân nhiều DN, hoặc chưa ý thức được lợi ích thiết thực của việc đăng ký, hoặc thiếu thông tin nên đến nay vẫn rất mù mờ, chưa triển khai.
Tại Bắc Giang, từ ngày 25-5, Sở NN&PTNT tỉnh đã thông báo tới các nhà vườn về việc đăng ký nguồn gốc, xuất xứ, quy trình sản xuất an toàn. Song, đến thời điểm này, mới chỉ có 5% diện tích, tương đương 2.900/39.000ha vải của toàn tỉnh đáp ứng được yêu cầu, trong khi 40% số vải thiều xuất sang Trung Quốc. Tương tự, Hải Dương hiện có 14.000ha vải nhưng đến nay cũng mới chỉ có 4.700ha được đăng ký nguồn gốc, xuất xứ và nhãn hiệu. Còn Hưng Yên, một vựa nhãn của miền Bắc, đến ngày 20-6, cũng vẫn chưa có báo cáo về số lượng đăng ký để gửi về Cục Trồng trọt.
Số liệu từ Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho thấy, hiện mới chỉ có 31 tỉnh, thành có danh sách các DN, cá nhân gửi về Cục để đăng ký xuất khẩu 5 loại quả sang Trung Quốc, đạt gần 50%. Đến ngày 25-6, Bộ NN&PTNT sẽ chốt danh sách để gửi cho cơ quan chức năng của nước bạn về những DN Việt Nam đăng ký và có chứng nhận nguồn gốc xuất khẩu 5 loại trái cây. Tuy nhiên, ông Phùng Hữu Hào lại khẳng định, hai bên đã thỏa thuận rằng sẽ cập nhật thường xuyên danh sách các DN đăng ký xuất khẩu, chứng nhận nguồn gốc, còn thời điểm ngày 1-7 là bắt đầu thực hiện chứ không phải đã chốt danh sách.
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, Bộ NN&PTNT giao cho các sở NN&PTNT đăng ký nên hiệp hội chỉ có trách nhiệm phổ biến văn bản và động viên DN. Đến thời điểm này, hiệp hội cũng chưa nắm được thông tin DN sẽ gặp khó khăn gì. Lý do, số lượng DN vào hiệp hội không nhiều, chỉ có 70 thành viên, chiếm tỷ lệ nhỏ, mà chủ yếu xuất khẩu hàng sang châu Âu và Mỹ.
Phải học kinh nghiệm
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần sớm vượt qua giai đoạn bỡ ngỡ, làm quen để tiến tới chuyên nghiệp hóa trong việc xuất khẩu nông sản. Đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và các tiêu chuẩn về chất lượng khi hội nhập chính là cơ hội để mở rộng sản xuất. Ngay từ bây giờ, người sản xuất và các địa phương, doanh nghiệp cần hướng đến xây dựng vùng nguyên liệu có giá trị hàng hóa lớn, áp dụng bộ tiêu chí GlobalGAP hoặc VietGAP trong quá trình thâm canh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh gắn kết "4 nhà" bảo đảm được đầu ra cho sản phẩm và hiệu quả kinh tế cho người trồng. Việc áp dụng thỏa thuận đăng ký cho trái cây trước ngày 1-7 được xem như một áp lực để nông sản xuất khẩu của Việt Nam sớm hội nhập. Thực chất, các quy định đăng ký mà phía Trung Quốc yêu cầu cũng chính là tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP mà hiện nay nhiều nước áp dụng. Do đó, quy định trên tuy mới mẻ đối với DN xuất hàng sang Trung Quốc nhưng không có gì lạ đối với DN đã từng đưa hàng sang châu Âu, Mỹ. Ông Trần Quốc Bình, Giám đốc Công ty Việt Quốc Thịnh cho rằng, DN xuất khẩu trái cây đi Trung Quốc nên học tập hay trao đổi kinh nghiệm với DN xuất hàng đi châu Âu, Mỹ. Ngoài ra, hiệp hội, cơ quan chức năng nên tổ chức các lớp tập huấn cho DN xuất hàng sang Trung Quốc. Cách làm này sẽ rút ngắn con đường để hàng trái cây Việt Nam đủ điều kiện xuất sang Trung Quốc.