Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giải bài toán xuất khẩu thị trường rau quả
11 | 06 | 2009
Nhằm xây dựng chiến lược mở rộng thị trường và tăng sản lượng xuất khẩu rau quả, khắc phục những yếu kém trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, Cục Xúc tiến thương mại vừa phối hợp với Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Bộ NN&PTNT), tổ chức hội thảo về "Chiến lược xuất khẩu ngành rau quả giai đoạn 2010-2015" và hướng dẫn công tác tiếp thị xuất khẩu cho doanh nghiệp rau quả.

Xuất khẩu mới chiếm dưới 7% tổng sản lượng

 

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) kim ngạch xuất khẩu (XK) rau quả những năm gần đây đã có sự tăng trưởng nhưng vẫn chiếm tỉ trọng rất nhỏ so với kim ngạch XK ngành nông sản (chiếm khoảng 2,5%) và xuất khẩu chỉ chiếm 7% tổng sản lượng. Kim ngạch XK rau quả tăng chủ yếu là do giá sản phẩm tăng còn số lượng xuất khẩu tăng không nhiều, trong đó, lượng rau quả XK tươi rất ít (chiếm tỉ trọng 2,5%). Các DN trong nước chưa đủ khả năng đáp ứng các đơn hàng lớn trong khi các doanh nghiệp nước ngoài e ngại đầu tư vào lĩnh vực này vì ngại đầu tư vùng nguyên liệu và trình độ của lực lượng lao động còn thấp. Hiện nay, thị trường xuất khẩu rau quả chưa được mở rộng, chủ yếu là Trung Quốc và châu Á nên sản lượng XK không lớn. Bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (ruồi đục quả, dư lượng thuốc sâu, hàm lượng kim loại nặng, chất lượng bao bì) nên khách hàng nước ngoài còn e ngại với rau quả Việt Nam, nên thường phải xuất qua khâu trung gian hiệu quả kinh tế thấp và chưa xây dựng được thương hiệu.

 

Doanh nghiệp lúng túng vì thiếu thông tin

 

Một trong những yếu tố quan trọng để giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu là thông tin thị trường và tạo điều kiện của các cơ quan chức năng. Thời gian qua các bộ, ngành liên quan đã tích cực xây dựng chiến lược, hướng dẫn công tác tiếp thị... giúp các DN mở rộng thị trường xuất khẩu nhưng vẫn còn có những hạn chế, bất cập khiến doanh nghiệp lúng túng như việc xuất khẩu 5 loại trái cây sang Trung Quốc là một ví dụ. Theo thỏa thuận mới đây giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Trung Quốc thì từ ngày 1-7,  5 loại trái cây như nhãn, vải, chuối, thanh long, dưa hấu của Việt Nam khi xuất sang Trung Quốc buộc phải cung cấp thông tin về vườn trồng, trang trại, cơ sở đóng gói... Tuy nhiên đến nay, nhiều DN và người trồng cây ăn quả vẫn chưa biết thông tin này. Thậm chí Hiệp hội rau quả Việt Nam cũng mới chỉ biết thông tin chung chung chứ chưa biết cụ thể. Theo một số DN xuất khẩu trái cây, hiện nay họ chỉ mới nhận được thông tin đăng ký với Sở NN&PTNT để gửi danh sách về Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) còn các bước tiếp theo chưa được hướng dẫn cụ thể. Điều chậm trễ này có thể gây khó cho các DN xuất khẩu 5 loại trái cây này, đặc biệt là xuất khẩu thanh long bởi tỷ lệ xuất khẩu loại trái cây này của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm tới gần 85%. Nếu không kịp làm các thủ tục đăng ký xuất xứ hàng hóa thì rất dễ dẫn đến nguy cơ ứ đọng sản phẩm.

 

Theo Bộ NN&PTNT, đến năm 2010, ngành rau và hoa quả

Việt Nam sẽ phấn đấu đạt diện tích trồng 1 triệu héc ta. Trong đó gồm 225.000ha dành cho trồng cây ăn quả chủ lực XK; 700.000ha trồng rau, trong đó rau an toàn và rau công nghệ cao khoảng 100.000ha. Khối lượng sản xuất đến năm 2010 đạt 24 triệu tấn (10 triệu tấn quả và 14 triệu tấn rau).

Sản xuất tự phát, sức cạnh tranh kém

 

Hiện nay, rau quả của Việt Nam vẫn chủ yếu phục vụ thị trường trong nước và thường là mặt hàng rau quả tươi. Theo Vinafruit, việc sản xuất và tiêu thụ trái cây của nước ta còn quá khiêm tốn so với tiềm năng và so với một số quốc gia trong khu vực có điều kiện tự nhiên tương tự (Thái Lan, Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a). Tình trạng sản xuất tự phát, manh mún, không theo quy hoạch, lúc trồng ồ ạt, lúc chặt hàng loạt...  trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như vòng luân hồi. Một số cây ăn quả như mận Tam hoa Sơn La, Lào Cai, vải thiều Bắc Giang, nhãn tiêu Tiền Giang đã phát triển thành vùng lớn nhưng khi tiêu thụ khó khăn, giá thấp, người dân lại chặt đi chuyển sang trồng cây khác. Một số trái cây có thị trường tiêu thụ nhưng chất lượng và giá cả chưa đáp ứng yêu cầu thị trường như: chuối,  xoài, măng cụt… Một số trái cây khác có tiềm năng XK thì tốc độ phát triển lại quá chậm, không đủ cung cấp cho các nhà máy chế biến như dứa. Cũng do phát triển tự phát, nhỏ lẻ nên chất lượng sản phẩm thấp và không ổn định, thiếu an toàn, tổn thất sau thu hoạch lớn, tỉ lệ đưa vào chế biến thấp. Đây cũng là nguyên nhân làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm rau quả Việt Nam.

 

Tăng cường thông tin thị trường

 

Theo ý kiến chung của các DN tham dự hội thảo, trước mắt ngành nông nghiệp cần tập trung làm tốt vấn đề thông tin thị trường và điều hành XK, trong đó vai trò của Hiệp hội Rau quả rất quan trọng. Hiệp hội cần làm tốt hơn nữa công tác liên kết các DN. Các DN cũng mong muốn được tiếp cận dễ dàng hơn nguồn vốn hỗ trợ từ gói kích cầu của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh một số phương thức quảng bá và tiếp cận thị trường truyền thống như tham dự các hội chợ quốc tế xúc tiến thương mại quốc gia, các biện pháp như: xây dựng các trang web của DN và Vinafruit; tổ chức hội chợ chuyên ngành rau quả Việt Nam; tăng cường giao dịch bằng thương mại điện tử (e-commerce) giúp DN giao dịch trực tuyến với khách hàng nhập khẩu nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN.

 

Để đạt được mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển, các ý kiến cũng đề nghị ngành nông nghiệp cũng như các cơ quan nghiên cứu và phát triển (R & D Institutons) cần phát triển hơn nữa mạng lưới cung cấp đầu vào cho nông dân, như hạt giống, phân bón, thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật, công nghệ xử lý sau thu hoạch… Nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ nông dân và các đơn vị hoạt động XK rau quả để đẩy mạnh các chương trình tiếp thị, quảng cáo, xúc tiến thương mại… giữ chân được khách hàng truyền thống và mở rộng XK vào các thị trường tiềm năng.

 

Theo Vinafruit, cần khảo sát qui hoạch chính xác và ổn định vùng sản xuất rau quả đặc sản chủ lực, phù hợp sinh thái vùng. Tổ chức sản xuất rau quả tập trung, tạo nguồn hàng lớn và ổn định có giá thành thấp và có chất lượng bảo đảm đủ điều kiện áp dụng các biện pháp bảo vệ an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó là các giải pháp giúp nông dân  nâng cao chất lượng giống, ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, sạch bệnh để cung cấp các sản phẩm sạch. Khuyến khích các DN mạnh dạn mua công nghệ và thiết bị xử lý ruồi đục quả, thiết bị phân tích dư lượng thuốc sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm...



Nguồn: Báo Hànộimới
Báo cáo phân tích thị trường