Thật ra quy định trên được thực hiện dựa trên thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch TQ về việc trái cây VN vào TQ phải có xuất xứ và ngược lại trái cây TQ xuất vào VN cũng phải có nguồn gốc. Nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước lo ngại các loại trái cây này sẽ bị ứ đọng nếu không kịp đáp ứng những tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm mà TQ đưa ra.
Lúng túng vì thiếu thông tin
Bốn tháng, gần 13 triệu USD Theo Tổng cục Hải quan, bốn tháng đầu năm 2009 kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả của VN đạt 127,8 triệu USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả vào thị trường Trung Quốc đạt 12,9 triệu USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ 2008, tiếp tục dẫn đầu trong các thị trường nhập khẩu rau quả của VN. Các mặt hàng chủ yếu là thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, xoài, măng cụt, chôm chôm và chuối. |
Theo ông Lê Văn Ánh - giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu rau quả 1, tới thời điểm hiện nay rất nhiều DN và những người trồng trái cây vẫn chưa hề biết thông tin này. Thậm chí tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (Vinafruit) Nguyễn Văn Kỳ thừa nhận hiệp hội cũng chỉ biết thông tin chung chung chứ chưa biết cụ thể nên vừa gửi công văn hỏi Bộ NN&PTNT.
Trong năm loại trái cây trên, giá trị xuất khẩu thanh long sang thị trường TQ chiếm tỉ lệ khá cao (khoảng 85% - theo Tổng cục Hải quan). Tuy nhiên, hiện nhiều DN xuất khẩu loại trái cây này vẫn “ngồi trên đống lửa” vì không biết đăng ký xuất xứ hàng hóa như thế nào. Ông Lý Hải Long, giám đốc xuất khẩu Công ty TNHH Bảo Thanh (TP.HCM), cho hay chỉ riêng thời gian lo tìm nơi đăng ký thông tin theo yêu cầu của phía TQ, công ty cũng mất cả tháng. Công ty Bảo Thanh đăng ký kinh doanh tại TP.HCM nhưng có trang trại trồng thanh long và nhà đóng gói tại Bình Thuận.
Vì vậy, khi liên hệ với Sở NN&PTNT TP.HCM để làm thủ tục chứng nhận nguồn gốc xuất xứ thì nơi này không nhận với lý do... DN này không trồng thanh long ở TP. Sau đó ông Long chạy ra Bình Thuận thì nơi này chỉ ngược về TP.HCM. Cuối cùng ông Long cũng đăng ký được tại... TP.HCM!
Theo Sở Công thương Bình Thuận, gần 70% sản lượng thanh long sản xuất tại địa phương được xuất khẩu sang thị trường TQ. Do đó, nếu không lo kịp việc đăng ký thì rất có thể xảy ra tình trạng ứ đọng thanh long do không xuất được.
Ông Lê Quang Ninh, Trung tâm Xúc tiến thương mại - Sở Công thương Tiền Giang, xác nhận trong năm loại trái cây xuất khẩu sang TQ buộc phải đăng ký thì tại tỉnh này có tới bốn loại, nhưng hiện nay các DN, vựa trái cây vẫn còn lơ mơ về quy định này. Phần lớn các DN và vựa nhãn ở huyện Cái Bè đều xuất khẩu sang TQ qua trung gian. Các vựa nhãn ở Tiền Giang đã chuẩn bị tinh thần... nghỉ hẳn hoặc chuyển hướng sang các loại trái cây khác.
Chưa có hướng dẫn thống nhất
Rào cản cũng là cơ hội Ông Nguyễn Văn Khang, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, cho rằng quy định siết chặt kiểm dịch mà VN và TQ cam kết thực hiện từ ngày 1-7 là rất cần thiết trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Không nên coi đó là rào cản mà đây là điều kiện tốt để các địa phương tổ chức lại việc sản xuất, kinh doanh trái cây theo tiêu chuẩn quốc tế. Nếu VN đáp ứng được các yêu cầu đó thì cửa xuất khẩu luôn rộng mở ở mọi thị trường chứ không riêng gì TQ. Còn theo các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, các quy định đăng ký vườn trồng, cơ sở bao gói... mà TQ yêu cầu thực chất là tiêu chuẩn Viet GAP và Global GAP (chất lượng, an toàn và truy nguyên được nguồn gốc) mà thế giới đang áp dụng phổ biến. |
Theo một số DN, hiện nay họ chỉ mới nhận được thông tin đăng ký với Sở NN&PTNT để cơ quan này gửi danh sách về Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), còn các bước tiếp theo phải làm gì thì chưa có cơ quan nào giải đáp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Phạm Văn Dư, phó cục trưởng Cục Trồng trọt, cho hay cục chỉ được giao nhiệm vụ tiếp nhận và lập hồ sơ gửi cho TQ trước ngày 1-7, còn các bước tiếp theo như thế nào cục không rõ vì Bộ NN&PTNT chưa giao. Theo ông Dư, đến ngày 9-6 đã nhận được danh sách DN của 29 tỉnh, thành. “Tôi cho rằng sau khi nhận được danh sách DN xuất khẩu thì TQ sẽ tiến hành thẩm định và cấp chứng nhận cho DN nào đạt yêu cầu. Quá trình này sẽ còn dài” - TS Dư nói.
Cục Trồng trọt khuyến cáo ngoài các DN xuất khẩu thì hai đối tượng cần quan tâm đăng ký thông tin là người sản xuất (bao gồm các hợp tác xã, trang trại) và các thương lái, vựa trái cây, đóng gói. Mọi đầu mối thông tin đăng ký đều thông qua các sở NN&PTNT.
Trong khi đó ông Nguyễn Như Tiệp, phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), nói yêu cầu từ phía TQ mới chỉ là bước “điểm danh” các đối tượng có liên quan tới việc xuất khẩu năm loại trái cây sang TQ. Việc làm này đơn thuần chỉ là đăng ký thông tin. Hiện chưa có bất cứ một điều khoản nào về kiểm tra chất lượng đối với các loại trái cây này (thủ tục kiểm dịch xuất nhập khẩu vẫn giữ nguyên).
Như vậy, rõ ràng đến giờ vẫn chưa có thông tin, hướng dẫn thống nhất xung quanh việc đăng ký và xuất khẩu trái cây sang thị trường TQ sau ngày 1-7. Không chỉ DN lo lắng mà ngay cả các địa phương cũng bối rối không biết trả lời thắc mắc của DN như thế nào.