Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trái cây nội rớt giá thê thảm vì hàng ngoại
19 | 06 | 2007
Từ đầu tháng 5 đến nay, mặc dù đang giữa mùa thu hoạch nhiều loại trái cây ở ĐBSCL, nhưng trái cây ngoại vẫn đổ về.
Chỉ nói riêng huyện biên giới Tịnh Biên (An Giang), mỗi ngày có gần 1.000 tấn trái cây nhập ngoại. Trong đó, nhiều nhất là trái cây Thái Lan, gồm me, xoài, măng cụt, bòn bon, sầu riêng. Tiếp đến trái cây Trung Quốc: lê, táo, quýt (loại quả nhỏ); cam, nho Mỹ; kiwi, bơ Nhật Bản.

Trái cây nội bị ép ngay sân nhà

Hiện nay, măng cụt, bòn bon, sầu riêng Thái Lan là 3 loại trái cây đang lấn lướt trái cây cùng loại ở ĐBSCL. Tại các chợ ở Tp.Cần Thơ, măng cụt Thái Lan đang ở mức 15.000-18.000đồng/kg. Trong khi đó, ở An Phú Tân (huyện Cầu Kè, Trà Vinh) là vùng trồng cây măng cụt rộng lớn, chất lượng có thể nói ngon nhất nước, giá giảm xuống còn 18.000-19.000đồng/kg, so cùng kỳ năm 2006 giảm 10.000đồng/kg. Nguyên nhân vì bị măng cụt Thái Lan “tấn công”.

Bòn bon Thái Lan cũng đang ép, độc chiếm thị trường ĐBSCL với mức giá 30.000đồng/kg, ngang giá bòn bon nội địa. Sầu riêng hạt lép, hồi đầu vụ giá 25.000-30.000 đồng/kg, nay rớt xuống thê thảm, chỉ còn 10.000 đồng/kg và khựng lại vì không có người mua, sau khi ngành chức năng phát hiện nông dân tự bôi chất chống nấm Carbendazim đậm đặc lên sầu riêng để chóng thối.

“Bôi như vậy, dư lượng để lại tuy chưa nguy hiểm nhưng mình tự tẩm thuốc độc để hại mình là không nên”, ông Nguyễn Hữu Huân, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật nói.

Trong cuộc hội thảo quản lý chất lượng sầu riêng tại “thủ phủ” sầu riêng Ngũ Hiệp (Cai Lậy, Tiền Giang) ngày 6/6 vừa qua, ông Huân bức xúc nhờ các cơ quan báo chí nói thẳng với người tiêu dùng rằng: kiên quyết không mua, không ăn sầu riêng bôi Carbedazim. Làm như vậy là nông dân tự hại mình. Trong khi đó, sầu riêng Thái Lan đạt tiêu chuẩn GAP xuất khẩu, được thêm cơ hội chiếm lĩnh thị trường.

Sầu riêng đã vậy, còn xoài? Ở vùng xoài Cái Bè (Tiền Giang), nơi có hơn 1.000 ha xoài cát Hoà Lộc ngon nổi tiếng, giá cũng đang tuột dốc.Theo một chủ vựa trái cây ở An Hữu, giá xoài Hoà Lộc loại ngon nhất hạng hồi đầu mùa 22.000-24.000 đồng/kg, giờ loại 1 rớt xuống còn 15.000 đồng/kg, hạng nhì còn 10.000 đồng/kg, hàng dạt 7.000-8.000 đồng/kg. Xoài ghép loại 1 trái to, đẹp chỉ còn trên dưới 3.500 đồng/kg, giá giảm 50% so cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều loại trái cây đặc sản khác, như chôm chôm đường, chôm chôm Thái (trồng ở Việt Nam) từ 35.000- 38.000 đồng/kg, nay còn 8.000-10.000 đồng/kg. Riêng chôm chôm Java (giống địa phương) giá từ 8.000-10.000 đồng/kg, nay còn 2.000-3.000 đồng/kg.

Hiện giá nho nội đang ở mức 20.000 đồng/kg nhưng khó tiêu thụ, vì phần lớn người tiêu dùng chuyển sang dùng các loại nho bi, nho đen, nho xanh trái to được nhập ngoại từ Mỹ và các nước Nam Mỹ. Các loại nho này có giá cao hơn 3-4 lần so với nho trong nước nhưng vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng.

Nguyên nhân, trái cây nội bị “bão” giá vì trái cây ngoại nhập tràn ngập thị trường, giá rẻ hơn, mẫu mã bắt mắt hơn. Thêm nữa, cùng với ĐBSCL các tỉnh miền Đông như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước... cũng đang vào mùa thu hoạch trái cây, hàng về nhiều dội chợ, giá đã rẻ càng rẻ.

Để cây trái Việt Nam tăng sức cạnh tranh

ĐBSCL là vựa trái cây của cả nước, nhưng diện tích vườn mỗi hộ chỉ có từ 0,5 đến 1 ha. Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, canh tác theo thói quen, chạy theo phong trào... do đó thiếu tính ổn định, trái cây làm ra chất lượng chưa cao, không an toàn, quả không đồng đều, số lượng không nhiều. Kết quả là trái cây Việt Nam có giá thành cao nhất vùng, so với Thái Lan cao hơn 30-40%. Sau khi gia nhập WTO nhà vườn ĐBSCL vẫn gặp khó,chưa thích ứng được với môi trường mới.

Theo ông Phạm Ngọc Liễn, Viện phó Viện Cây ăn quả miền Nam, giá thành và sản lượng là 2 điểm mấu chốt để trái cây ĐBSCL cạnh tranh với trái cây ngoại trong thời hội nhập. Nhưng bằng cách nào? Theo ý kiến của nhiều nhà khoa học và quản lý, trước hết cần phải tổ chức lại sản xuất, tạo ra được những vùng chuyên canh.

Việc Nhà nước chưa quy hoạch được những vùng trái cây tập trung đã làm mất đi cơ hội vàng cho trái cây Việt Nam. Khi Nhà nước chưa làm, từng tỉnh, thành phố phải xác định cho được cây đặc sản, thế mạnh đang có của địa phương mình. Ví dụ, Tiền Giang có xoài cát Hoà Lộc, cam sành Cái Bè; Bến Tre có bưởi da xanh, sầu riêng Chín Hoà, măng cụt... Những loại trái cây này, lâu nay nổi tiếng ở thị trường trong nước và ngoài nước nhưng không đủ số lượng lớn, đúng qui cách, chất lượng để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu. Mỗi loại cây đặc sản nên bắt đầu ít nhất từ 1.000 ha chuyên canh.

Tiếp đó, muốn xây dựng được vùng chuyên canh phải có chính sách hỗ trợ giá cây giống; hỗ trợ vốn vay cải tạo vườn tạp; hỗ trợ nhà vườn thành lập hợp tác xã. Chính việc làm ăn hợp tác và biết trồng chuyên canh những loại cây có giá trị cao sẽ tăng sức cạnh tranh của trái cây Việt Nam trên thương trường, đồng thời đem lại cho nông dân những nguồn lợi lâu dài trên con đường hội nhập.



http://vneconomy.vn
Báo cáo phân tích thị trường