Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trái cây ở đồng bằng sông Cửu Long: Nhiều hệ lụy khi giá cả bấp bênh
15 | 09 | 2011
Từ đầu năm đến nay, chúng ta đã chứng kiến cảnh trớ trêu của nhiều loại trái cây ở đồng bằng sông Cửu Long khiến cho nhà vườn điêu đứng, bởi khi giá cao nông dân không có trái cây để bán, đến khi trái cây nhiều thì giá lại rẻ "như cho".

Sau thời gian nhiều loại trái cây từ bình dân đến cao cấp phải "xuống đường" để kích thích sức tiêu thụ của khách hàng, thì những ngày đầu tháng 8 này, giá cả của một số loại trái cây đã đảo chiều tăng lại. Nhiều nhà vườn ở Tiền Giang cho biết, hiện thương lái đến tận nơi mua dưa hấu với giá 5.000 - 5.500 đồng/kg (tuỳ loại), chôm chôm có giá 7.000 - 8.000 đồng/kg. Với giá này, nhà vườn sẽ có mức lời kha khá để bù lại phần nào thua lỗ mấy tháng qua, khi mà dưa hấu có giá 1.500 - 2.000 đồng/kg và giá chôm chôm cũng chỉ có 3.000 đồng/kg.

Vậy mà, hầu hết các nhà vườn đều lắc đầu ngao ngán và tỏ vẻ không quan tâm khi nghe trái cây có giá trở lại, bởi quan tâm làm chi khi mà trái cây đã được nhà vườn cố gắng "đẩy đi" hết vào cuối tháng 7 rồi. Ông Nguyễn Văn Thành, xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) nói: "Giá dưa tăng cũng vậy thôi! Giờ còn dưa đâu mà bán". Chỉ tay về phía Trung tâm Nông sản xã Phú Cường (Cai Lậy), ông Thành cho biết thêm, dù thời điểm cuối tháng 7 giá dưa hấu thấp nhưng cảnh mua bán, vận chuyển dưa hấu ở khu vực này nhộn nhịp như cái chợ. Bây giờ chỉ còn lác đác vài hộ vì dưa hấu đã thu hoạch gần hết rồi.

Bà Nguyễn Thị Hồng, chủ vựa trái cây tại chợ Cai Lậy, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết, bước vào tháng 8, giá nhiều loại trái cây đã trở đầu tăng lại, có mặt hàng giá tăng gần gấp đôi so với thời điểm giá rẻ, như nhãn có giá trung bình 7.000 đồng/kg, thanh long có giá 5.000 - 6.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mức giá này chưa đủ vực dậy nhà vườn do đã bước vào cuối vụ, trái cây đã thu hoạch hết. Đó là chưa kể mức tăng giá trái cây hiện nay chỉ bằng phân nửa so với năm trước, trong khi giá cả các loại vật tư nông nghiệp tăng chóng mặt.

Thời gian qua, trái cây đồng bằng sông Cửu Long cứ lẩn quẩn trong vòng vây được mùa - mất giá, được giá - mất mùa khiến bà con nông dân chưa yên tâm sản xuất, chạy theo phong trào trồng hết cây này rồi chặt bỏ trồng cây khác, làm mất tính ổn định về sản lượng cây trái trong khu vực. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thiếu sự điều tiết hợp lý trong việc phát triển diện tích cây ăn trái cũng như mạng lưới tiêu thụ sản phẩm. Hầu hết các nhà vườn thiếu định hướng trong sản xuất, trồng chủ yếu theo phong trào nên vào mùa thì thu hoạch dồn dập với số lượng lớn là nguyên nhân tạo ra điệp khúc "đến mùa mất giá". Bởi ngoài kênh tiêu thụ nội địa vốn có hạn, trái cây chỉ biết trông chờ vào đường tiểu ngạch đầy may rủi.

Cũng do chạy theo phong trào, mà nhiều nhà vườn lâm vào cảnh dở khóc dở cười vì khi trồng thì giá cao nhưng khi đến thời kỳ thu hoạch thì giá lại ở mức thấp. Ông Nguyễn Văn Mười, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) buồn rầu cho biết: "Hai năm trước, thấy trồng nhãn tiêu Huế có hiệu quả kinh tế cao thì gia đình tôi quyết định chặt hơn 3.000m2 sa pô đang cho trái để chuyển sang trồng nhãn. Vậy mà, năm nay vườn nhãn của tôi đến thời kỳ cho trái thì giá bắt đầu xuống thấp thê thảm, chỉ 4.000 đồng/kg".

Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, sự thiếu ổn định của giá trái cây không những hạn chế sự phát triển của các vườn cây ăn trái ở ĐBSCL mà còn nhen nhóm ngọn lửa thiêu đốt cả tương lai của của vương quốc trái cây này. Bởi sau lần rớt giá, nhà vườn thường tìm đến những loại vật tư nông nghiệp, cây giống giá rẻ để giảm thiểu chi phí. Điều này đã tạo điều kiện cho nhiều loại dịch bệnh lan rộng, đem đến nhiều rủi ro cho vườn trái cây mà bệnh chổi rồng đang hoành hành trên cây nhãn hiện nay là điển hình. Không những thế, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giá thấp, không nguồn gốc còn đem đến nguy cơ ô nhiễm môi trường sinh thái.

Trước thực trạng trên, để trái cây vùng ĐBSCL giá tăng giá trị và phát triển bền vững thì cần phải mở rộng các thị trường xuất khẩu trái cây trực tiếp, đặc biệt là phát triển hệ thống các nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu để gia tăng giá trị trái cây. Để làm được điều này, cần sự phối hợp đồng bộ của Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp.

Theo Tamnhin.net



Báo cáo phân tích thị trường