Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lại lo thiếu mía nguyên liệu
21 | 07 | 2009
Năm nay, diện tích mía tiếp tục giảm, các doanh nghiệp lại lo ngại “cuộc chiến” nguyên liệu sẽ diễn ra gay gắt.

Chỉ còn 2 tháng nữa đồng bằng sông Cửu Long bước vào vụ sản xuất mía mới. Niên vụ 2008 - 2009, do diện tích mía giảm nên các nhà máy đường phải ngừng sản xuất sớm.

Năm nay, diện tích mía tiếp tục giảm, các doanh nghiệp lại lo ngại “cuộc chiến” nguyên liệu sẽ diễn ra gay gắt.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ mía 2008-2009, tổng diện tích trồng mía của cả nước đạt khoảng trên 290.000 ha, giảm 16.600 ha so với niên vụ trước.

Trong đó, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trồng được 64.573 ha, giảm 4.527 ha so vụ trước. Nhiều hộ đã chuyển từ đất trồng mía sang trồng lúa, đậu phộng, dưa hấu, bắp lai có hiệu quả hơn.

Ông Hà Hữu Phái, Tổng thư ký Hiệp hội Mía-đường Việt Nam giải thích: “sở dĩ nông dân không còn thiết tha với cây mía vì giá cả vật tư tăng cao, lãi suất ngân hàng cũng tăng trong khi giá mía, giá đường tăng không đáng kể”.

Giảm diện tích, năng suất và chất lượng

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang cho rằng: “nguyên nhân cây mía bị giảm diện tích là do giá lúa đang tăng cao, trồng lúa có lãi nhiều nên có nhiều hộ đã bỏ mía”.

Không chỉ riêng năm vừa rồi, kể cả những năm trước đó, do giá mía bấp bênh, xuống quá thấp làm cho người trồng mía thấp thỏm, lo âu, sợ thua lỗ nên họ không dám ổn định diện tích, giảm đầu tư, giảm công chăm sóc.

Vì thế cây mía cả nước nói chung và ở đồng bằng sông Cửu Long nói riêng rơi vào tình trạng 3 giảm: giảm diện tích, giảm năng suất và giảm chất lượng.

Hiện nay, ở đồng bằng sông Cửu Long có 10 nhà máy đường với tổng công suất 24.000 tấn mía/ngày. Nhà máy nhỏ, công suất thấp, thiết bị công nghệ lạc hậu. Nông dân trồng mía chưa có giống rải vụ, thu hoạch tập trung trong một thời gian ngắn, đây là cơ hội cho thương lái ép giá nhà nông, đặc biệt vào thời kỳ cuối vụ.

Ông Phạm Hồng Văn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) cho biết: “năm 2008 toàn huyện trồng dược 7.214 ha mía, năng suất đạt khá cao từ 110 - 120 tấn/ha, giá bán bình quân tại ruộng 650 - 680 đồng/kg đối với mía đạt 10 chữ đường.

Với mức giá này, sau khi trừ chi phí nông dân lãi khoảng 20 triệu đồng/ha. Nhưng, phần lớn bà con đã bán hết mía cho thương lái theo giá đặt cọc trước đó là 500 - 550 đồng/kg, nên phần lãi do giá mía tăng nông dân không được hưởng mà “rơi” vào túi thương lái”.

Câu hỏi được đặt ra là: tại sao nông dân phải bán mía giá rẻ cho thương lái? Ông Văn giải thích: “thương lái cấu kết với nhân công ép nhà nông.

Nếu nhà nào không chịu bán mía cho thương lái với giá thấp hơn giá mua của các nhà máy 20 - 30% thì nhân công đốn mía không đến ruộng. Mía bị bỏ khô”.  Nông dân đành “ngậm đắng, nuốt cay” bán mía rẻ cho thương lái.

“Cuộc chiến” nguyên liệu lại diễn ra

Hậu Giang là tỉnh có diện tích mía lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long. Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, cho biết: Niên vụ 2009 -2010, nông dân toàn tỉnh xuống giống được khoảng 13.000 ha, giảm hơn 2.000 ha so với năm 2008.

Trong khi đó, ba nhà máy đường ở Hậu Giang cần tới 1.500 ha mía mới đảm bảo đủ nguyên liệu cho sản xuất. Như vậy, vụ ép năm nay thiếu hụt 2.000 ha. Phần thiếu hụt này sẽ được giải quyết trong “cuộc chiến” nguyên liệu thường xuyên xẩy ra ở đồng bằng sông Cửu Long trong mỗi mùa thu hoạch mía.

Mấy năm nay nhằm ổn định nguồn nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, Công ty Cổ phần  mía đường Trà Vinh đã mạnh dạn thực hiện chính sách đầu tư, ứng trước cho nông dân trồng mía.

Niên vụ mía năm 2008 - 2009, công ty đã đầu tư gần 10 tỷ đồng cho nông dân. Năm 2009, công ty tiếp tục đầu tư trực tiếp cho nông dân và các đầu mối là hợp tác xã khoảng 20 tỷ đồng (gồm phân bón, giống, tiền mặt, chuyển giao khoa học kỹ thuật...).

Để giúp nông dân tiết kiệm chi phí chăm sóc, công ty đã lấy 15 mẫu đất ở những vùng trồng mía khác nhau đi phân tích, từ đó hướng dẫn phương pháp và cách chăm bón cho 6 vùng khác nhau.

Nhờ có sự đầu tư của công ty, năng suất mía đường ở Trà Vinh tăng khá nhanh, từ bình quân 70 - 80 tấn/ha của 7 - 8 năm trước, niên vụ vừa qua đã đạt năng suất bình quân 102 tấn/ha.

Hiện nay, công ty đã ký hợp đồng mua mía với nông dân gần 3.000 ha/4.154 ha mía toàn tỉnh (giảm 250 ha so với vụ trước), chủ yếu tập trung ở huyện Trà Cú, một phần huyện Tiểu Cần và Duyên Hải.

Tuy vậy, ông Nguyễn Thái Hòa, Giám đốc công ty vẫn rất lo: “vụ này, người trồng mía hăng hái ký hợp đồng bán mía cho nhà máy nhờ chính sách đầu tư, nhưng không biết cuối cùng mía vào tay ai”?

Nỗi lo của ông Hòa không phải không có lý do, niên vụ vừa qua công ty chỉ mua được 256.000 tấn/300.000 tấn mía nguyên liệu theo kế hoạch sản xuất. Vụ này, trên địa bàn Trà Vinh có tới 4 nhà máy từ nơi khác đến, cùng nhảy vào ký hợp đồng mua mía với nông dân, khó mà tránh khỏi sự cạnh tranh quyết liệt.

Thời gian chưa muộn để các doanh nghiệp cùng ngồi lại với nhau tìm tiếng nói chung cho thị trường nguyên liệu vụ ép mới. Nhưng cả vùng đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu một “nhạc trưởng”.

Năm nào cũng vậy, đồng lòng, nhất trí trong họp bàn, nhưng ra khỏi phòng họp thì lại “mạnh ai người đó chạy”, gây nên tình trạng bất ổn trên thị trường nguyên liệu. Mía đã thiếu càng thiếu, nông dân vẫn là người thua thiệt nhất. Bao giờ vùng nguyên liệu mía đồng bằng sông Cửu Long được ổn định để nông dân và doanh nghiệp cùng có lợi?



Nguồn: VnEconomy
Báo cáo phân tích thị trường