Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vùng nguyên liệu mía ở Khánh Hòa: "Chia bánh" kiểu nào?
21 | 07 | 2009
Khánh Hòa có vùng nguyên liệu mía 16.443ha, tổng sản lượng 699.782 tấn cung cấp cho 2 NM đường. Tuy nhiên, nhu cầu nguyên liệu mía của 2 NM ước khoảng 960.000 tấn mía/năm thì lượng mía hiện nay chưa đủ cho riêng Cty Đường Khánh Hòa. Vì vậy mới có chuyện "sứt đầu mẻ trán" giành giật nguyên liệu mía.



Đề nghị "chia bánh"

Cách đây gần 4 năm, nắm được chủ trương của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc phân chia vùng nguyên liệu (VNL) cho 2 NM sau khi Cty CP Đường Ninh Hòa tách ra khỏi Cty Đường Khánh Hòa, ngày 29/11/2005 Cty Đường Khánh Hòa có công văn ghi rõ “Cty Đường Khánh Hòa đề nghị Sở NN- PTNT Khánh Hòa triển khai sớm việc phân chia vùng nguyên liệu”. Kèm theo đó là những đề nghị cụ thể về vùng và diện tích VNL sẽ chia cho 2 NM. 

Và “ý nguyện” được phân chia VNL của Cty Khánh Hòa đã được UBND tỉnh 'gật đầu" qua quyết định số 1033/QĐ-UBND ngày 8/6/2006 của UBND tỉnh Khánh Hòa. Cụ thể là: Cty Ninh Hòa được nhận diện tích VNL 3.286ha phía Bắc Quốc lộ 26 thuôc huyện Ninh Hòa và vùng phía Tây Quốc lộ thuộc huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa. Cty Khánh Hòa được nhận VNL có tổng diện tích 10.589ha bao gồm vùng phía Đông Quốc lộ I thuộc địa bàn 2 huyện Vạn Ninh và Ninh Hòa, vùng phía Nam Quốc lộ 26 thuộc huyện Ninh Hòa và diện tích mía Cty đang đầu tư ở các địa phương còn lại trong tỉnh. Phương án phân chia VNL này áp dụng trong 3 năm, kể từ niên vụ 2006-2007 đến vụ mía 2008-2009. 

Rồi lại không chia

Sau 3 năm thực hiện, ngày 27/3 vừa qua, cũng Cty Khánh Hòa lại có công văn số 159/KCS gửi Sở NN- PTNT Khánh Hòa ghi rõ: “Cty CP Đường Khánh Hòa đề nghị không nên phân chia cụ thể VNL mía trong tỉnh” với nhiều lý do như: Việc phân chia vùng nguyên liệu trước đây không cân đối và bất hợp lý giữa diện tích được chia và công suất thiết kế. Rằng Cty Ninh Hòa được chia diện tích mía trên tấn công suất gấp 1,49 lần so với diện tích trên tấn công suất thiết kế của Cty Khánh Hòa. Mặt khác, do phân chia VNL nên nông dân bị bắt buộc bán cho Cty đã phân định, không được tự do chọn đối tác nhận vốn đầu tư, mua bán mía cây để bảo đảm có lợi nhất…

Chẳng hiểu vụ phân chia VNL ở Khánh Hòa rồi sẽ đi đến đâu, và trong khi các NM tranh chấp VNL thì vụ mía năm nay sản lượng, năng suất, diện tích mía của Khánh Hòa đều giảm mạnh. Cụ thể: Tổng diện tích 16.443ha, giảm 857ha; năng suất bình quân 42,6 tấn/ha, giảm 5 tấn/ha và sản lượng 699.782 tấn, giảm 113,318 tấn.

Còn nếu không phân chia VNL, nông dân sẽ rất được lợi, rằng: Hộ nông dân được tự do chọn 1 hoặc nhiều Cty để làm đối tác trồng nguyên liệu. Đồng thời 2 Cty đường lúc ấy sẽ tạo ra sự cạnh tranh, buộc phải có những chính sách đầu tư, thu mua mía cho dân tốt hơn. Từ đó, nông dân sẽ nhận được sự phục vụ tốt nhất, lợi ích cao nhất, có trách nhiệm hơn trong sử dụng vốn đầu tư. Và việc không phân chia VNL là thực hiện đúng theo quy luật kinh tế, là đòn bẩy thúc đẩy ngành mía đường phát triển, tránh hành xử độc quyền đối với nông dân… 

Chia hay không?

Sở NN- PTNT tỉnh Khánh Hòa đã phải tổ chức phát phiểu thăm dò đến các hộ trồng mía để trưng cầu ý kiến trước khi quyết định tham mưu cho tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, Sở NN- PTNT Khánh Hòa đánh giá: Phân chia VNL là đúng đắn. Ông Đào Công Thiên, GĐ Sở NN- PTNT Khánh Hòa cho biết: Sau khi thăm dò ý kiến nông dân, Sở sẽ tiếp tục xin ý kiến của Bộ NN- PTNT trước khi quyết định.

Theo NNVN, không phân chia VNL có thể có những cái lợi hữu hình nhưng nếu không phân chia, sẽ xảy ra những “kịch bản” mất an toàn như sau: Trong trường hợp giá mía, đường tăng cao: Hiện tượng tranh mua tranh bán sẽ bùng nổ, gây hỗn loạn tranh chấp giữa các Cty, đầu nậu, hộ nông dân; Sẽ không tránh khỏi tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, nâng giá bất thường, cạnh tranh không lành mạnh. Trong trường hợp giá mía xuống thấp: Sẽ là một thảm kịch khi các Cty không mua mía cho dân.

(Theo NNVN)


Báo cáo phân tích thị trường