Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sản xuất mía đường: Bao giờ mới "ngọt"?
25 | 09 | 2008
Các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bắt đầu bước vào vụ ép mía từ đầu tháng 9. Tuy nhiên, đã nhiều năm nay, ngành mía đường phải đối mặt với tình trạng thiếu - thừa nguyên liệu, sự tranh mua giữa các nhà máy mà vẫn chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu. Nhiều cuộc hội thảo được tổ chức nhưng giải pháp vẫn chỉ trên giấy, còn nông dân vẫn phải chịu những mùa mía “đắng”.
Đầu vụ đã căng

Tỉnh Hậu Giang “khai mạc” niên vụ mía đường 2008-2009 với 200.000 tấn mía còn non phải thu hoạch sớm để tránh lũ trong bối cảnh đường nhập lậu tràn ngập biên giới Tây Nam, “cám dỗ” cả doanh nghiệp sản xuất, buôn bán đường.

Ước tính, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 64.573ha mía, giảm 4.527ha so với niên vụ 2007-2008 và có 10 nhà máy đường hoạt động với tổng công suất 24.000 tấn mía/ngày. Nỗi lo của nông dân cũng như các doanh nghiệp (DN) chế biến là giá đường sản xuất trong nước thấp do đường nhập lậu tràn lan trong khi giá thành sản xuất tăng cao.

Theo dự đoán của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì có nhiều khả năng cả nông dân và DN đều đứng trước nguy cơ thua lỗ. Nhiều DN bày tỏ lo âu: “Các nhà máy đường ở ĐBSCL vừa phải đối đầu với đường nhập lậu, vừa phải giữ mức giá tiêu thụ mía cho nông dân ở mức cao nhất nên gặp rất nhiều khó khăn. Nếu đường RS loại trung bình đạt 8.200 - 8.400 đồng/kg thì các nhà máy hòa vốn; với giá thu mua mía tại ruộng bình quân 425 – 443 đồng/kg (mía 8,5-10 chữ đường), giá đường từ 8.800 đồng/kg trở lên, DN mới có lãi. Trong khi đó, giá đường trên thị trường hiện ở mức 8.000 - 8.200 đồng/kg, còn giá thành sản xuất 1kg mía cây đã lên tới 350 đồng. Ông Lê Xuân, Cục trưởng Cục Chế biến Thương mại nông - lâm - thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng: “Sau khi trừ chi phí sản xuất, mong ước của nông dân là làm sao bán được 1 tấn mía với giá ngang bằng một bao phân urê. Các nhà máy cần chia sẻ khó khăn với nông dân, thu mua mía nguyên liệu với giá sàn 500 đồng/kg (mía 10 chữ đường)”. Được biết, sau khi bàn bạc, các DN đã đồng thuận với mức giá này, từ ngày 15/9, ba nhà máy đường ở Hậu Giang đã đi vào hoạt động. Các nhà máy còn lại lần lượt vào vụ từ cuối tháng 9/2008.

Tranh mua, tranh bán

Chỉ trong vòng 20 ngày đầu của niên vụ mía đường, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có 2 cuộc họp bàn về quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu và sản xuất mía đường, đủ thấy vấn đề này “nóng” đến độ nào. Là một trong những vùng trọng điểm mía, ĐBSCL đang đóng góp 36% sản lượng đường toàn quốc. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Diệp Kỉnh Tần, nhìn một cách tổng thể, vùng nguyên liệu mía ĐBSCL không đáp ứng đủ nhu cầu cho các nhà máy, nhưng tại một số địa phương cụ thể, nguồn nguyên liệu lại thừa.

Tại Hậu Giang, toàn tỉnh có tới 15.570ha mía nhưng năng lực chế biến của 3 nhà máy chỉ có thể giải quyết được 12.000ha. Sóc Trăng có 13.000ha nhưng các nhà máy chỉ thu mua được 6.300ha. Chính điều này dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán khi tới mùa thu hoạch. Ông Nguyễn Minh Châu, Giám đốc Công ty Mía đường Sóc Trăng cho biết, hàng năm nhà máy đường trực thuộc công ty đều ký kết hợp đồng với nông dân, nhưng thu mua không được do nhà máy từ các tỉnh khác vào thu mua với giá cao hơn. “Chúng tôi đầu tư cho nông dân hơn 15 tỉ đồng/năm, trong khi các đơn vị khác không đầu tư nên thu mua với giá cao hơn. Vụ mía vừa rồi, chúng tôi không thu được hơn 5 tỉ đồng tiền nợ do nông dân bán mía cho các công ty khác”, ông Châu bức xúc.

Nguyên nhân xảy ra tranh chấp vùng nguyên liệu là do công tác tổ chức sản xuất chưa tốt, chưa tạo ra sự gắn kết giữa trách nhiệm và lợi ích của doanh nghiệp với nông dân. Không chỉ vậy, hiện nay sự chỉ đạo của các cấp, các ngành còn thiếu cụ thể, chưa tạo ra hành lang pháp lý duy trì sản xuất có tính bền vững để ổn định theo cơ chế thị trường

Muốn “ngọt”, cần liên kết

Một trong những giải pháp Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa ra để chấm dứt tình trạng thu mua mía như đi chợ là các nhà máy đường phải liên kết thông qua việc phân định rạch ròi vùng nguyên liệu và đầu tư phát triển vùng mía riêng cho mình. Các nhà máy, trên cơ sở tính toán nhu cầu nguyên liệu của mình, đăng ký diện tích tại các vùng nguyên liệu để tỉnh phân chia cụ thể cho từng doanh nghiệp. Khi được phân chia, các nhà máy phải phối hợp với địa phương xây dựng phương án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu. Khi tiêu thụ, mía nguyên liệu chuyển về nhà máy phải có địa chỉ rõ ràng, tránh tình trạng mía chạy lung tung từ vùng nguyên liệu của nhà máy này sang nhà máy khác. Điều này đòi hỏi các nhà máy và nông dân phải cùng hợp tác. Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hậu Giang phản ánh: “Hợp đồng bao tiêu nhà máy ký với nông dân hoặc qua đại diện nhóm hộ chỉ là ký cho vui, bởi chưa có tính ràng buộc chặt chẽ. Khi thu hoạch, phần đông người trồng mía không có phương tiện chuyên chở nên chủ yếu bán cho thương lái. Rồi thương lái thấy nhà máy nào có giá cả tốt thì chở mía đến đó”.

Bà Bùi Thị Quy, Tổng giám đốc Công ty Đường cồn Long Mỹ Phát (Hậu Giang) đề xuất: “Tôi đề nghị các nhà máy công bố biển số ghe của mình cho các nhà máy khác và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khi đó, nếu ghe mía chở đến không phải ghe của mình, nhà máy nên từ chối không tiếp nhận. Điều này sẽ khắc phục tình trạng mía đi sai địa chỉ và thương lái không còn chở mía chạy lòng vòng nữa”.

Ông Tần nhấn mạnh: “Để phát triển vùng nguyên liệu mía ở ĐBSCL, doanh nghiệp và nông dân phải gắn kết với nhau. Không ai được vi phạm ký kết dù giá mía cao hay thấp để cùng nhau phát triển bền vững. Nếu nông dân hay doanh nghiệp cố tình vi phạm hợp đồng thì đưa thông tin trên các phương tiện truyền thông hoặc có thể đưa ra tòa án kinh tế xử lý để răn đe. Đến năm 2011, thị trường đường sẽ tự do, không có chuyện nhập lậu. Ngay từ bây giờ, các nhà máy phải ngồi lại với nhau bàn cách thực hiện quy hoạch, đầu tư vùng nguyên liệu. Các nhà máy phải xây dựng vùng nguyên liệu cho riêng mình, chấm dứt tình trạng tranh giành nguyên liệu diễn ra nhiều năm”.

Được biết, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã giao Cục Chế biến Thương mại nông - lâm - thủy sản và nghề muối làm việc với 10 công ty mía đường trong khu vực ĐBSCL để triển khai việc phân chia vùng nguyên liệu và ký cam kết đầu tư, thu mua tại từng địa phương.

Bộ sẽ theo dõi các nhà máy tổ chức lại vùng nguyên liệu, hệ thống thu mua. Nếu còn để tình trạng mía chạy lung tung, nhà máy nào mua mía nguyên liệu của nhà máy khác đầu tư sẽ có hình thức xử lý thích đáng!




Nguồn: Kinh tế nông thôn
Báo cáo phân tích thị trường