Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lại bán mía non
27 | 08 | 2011
Người trồng mía có cái lý của họ là cả năm trông chờ vào vụ mía, nên cần tiền và gặp thương lái là bán luôn

Tóm tắt:

  • Giá mía cao hơn năm ngoái 300 đồng/kg hấp dẫn nông dân bán non.
  • Người dân sợ lũ sớm nên phải bán chạy trước.
  • Hầu hết bà con cả năm trông chờ vào vụ mía, nên cần tiền là bán.
  • Bán non thiệt cho người bán vì năng suất giảm, còn người mua thiệt vì mía chưa đủ chữ đường.

 

Đến thời điểm này, Hiệp hội Mía đường Việt Nam và Bộ NN-PTNT vẫn chưa đưa ra kế hoạch cho vụ mía mới năm 2011-2012. Thế nhưng, tại vùng mía ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), hàng loạt nông dân đã kêu bán mía, bất chấp mía còn non - chưa đủ chữ đường.

Có lời là... bán

Với 8.813ha mía, huyện Phụng Hiệp là một trong những nơi có vùng chuyên canh mía lớn nhất khu vực ĐBSCL. Mặc dù chưa chính thức vào vụ thu hoạch nhưng nông dân các xã Hiệp Hưng, Phụng Hiệp, Tân Phước Hưng… đã “xé rào” bán sớm.

Ông Bảy Xuân, ở ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng giải thích: “Nhiều năm trồng mía nhưng chưa bao giờ thấy giá đầu vụ hấp dẫn như hiện nay, trung bình 1.050 - 1.100 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 300 đồng/kg. Với giá này, nông dân sẽ có lời khoảng 70 triệu đồng/ha”. Vụ này ông Xuân trồng 5 công mía ROC 16, thu hoạch được 75 tấn, bán giá 1.100 đồng/kg, trừ chi phí còn lời 35 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Việt, ở xã Hiệp Hưng cho biết: “Dân xứ này cả năm trông vào vụ mía, bao nhiêu chuyện như ăn uống, chi tiêu, đám tiệc, học hành, mua sắm… đều từ mía. Ai cũng cần tiền nên thấy thương lái mua có lời là bán sớm”.

Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hưng, nhờ năm rồi thắng lớn nên vụ mía 2011-2012, diện tích mía của xã vượt trên 2.034ha, tăng hơn 200ha. Phần lớn người dân nóng vội bán sớm do mía đang được giá cao và năm nay dự báo lũ lớn trong khi toàn vùng chưa có đê bao kiên cố nên nhiều hộ không dám giữ mía vì lo thiệt hại.

Dọc theo các tuyến kênh Bún Tàu, kênh Sậy Niếu, kênh 81… có khá nhiều thương lái đậu ghe chờ thu mua mía để cung ứng cho các lò đường thủ công hoặc bán mía cây để ép làm nước mía. Điều khác biệt hiện nay là những hộ khá cũng tranh thủ bán mía sớm; vấn đề này rất ít xảy ra trong những năm trước.

Ông Út Nhỏ, hộ trồng mía chuyên nghiệp ở Phụng Hiệp cho biết: “Mấy năm nay tình trạng thiếu nhân công đốn mía ngày càng gay gắt, nhất là vào vụ thu hoạch rộ. Vì vậy ai cũng lo bán sớm để nhẹ gánh hơn. Tuy nhiên, điều khiến nông dân chúng tôi không dám giữ mía lâu là giá cả không ổn định. Nếu vào vụ thu hoạch rộ, gặp cảnh giá rớt thì các nhà máy sẽ hạn chế thu mua, đánh thấp chữ đường, chậm trả tiền, chê mía xấu tốt… khổ lắm!”.

Đôi bên đều thiệt

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Lê Thế Tự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp, thừa nhận: Chuyện nông dân bán mía sớm là có thật, cho dù mía còn non, bình quân chỉ đạt 6 - 7 chữ đường. Nhưng nếu so với giá sàn được các nhà máy bao tiêu 800 đồng/kg (mía 10 chữ đường mua tại nhà máy) thì bán mía non với giá 1.100 đồng/kg (thương lái mua tại ruộng) vẫn lời nhiều hơn.

Trong khi đó, ông Trương Văn Hiền, Chủ nhiệm Câu lạc bộ 200 tấn mía ở Hậu Giang, tính toán: “Khoảng 10 năm gần đây, giá mía cuối vụ bao giờ cũng cao hơn đầu vụ (trừ vụ mía 2005-2006 rớt giá). Điển hình như giống mía Quế đường 11 hiện nay khoảng 7 chữ, nếu để thêm vài tháng nữa sẽ tăng lên 10 chữ đường. Bình quân 1 chữ đường được nhà máy tăng giá thu mua từ 70 - 100 đồng/kg; ngoài ra năng suất mía cũng tăng thêm từ 20 - 30 tấn/ha”.

Nhiều công ty mía đường cho biết, không khuyến khích nông dân bán mía quá sớm khi chưa đủ chữ đường sẽ rất uổng phí vì bỏ mất một lượng đường rất lớn - nhất là nhiều giống mía đang trong giai đoạn tăng mạnh chữ đường. Bán sớm còn làm cho vùng nguyên liệu bị xáo trộn, nguy cơ phá vỡ hợp đồng bao tiêu giữa nhà máy với nông dân, nhất là những nhà máy tốn nhiều công sức đầu tư vùng nguyên liệu.

Ai cũng biết cái hại của việc bán mía non, tuy nhiên đến giờ này các nhà máy đường ở ĐBSCL vẫn án binh bất động, chưa công bố thời điểm vào vụ, thu mua, giá cả… khiến người trồng mía bất an, buộc họ chọn giải pháp an toàn “có lời là bán sớm”.

Ông Trịnh Minh Châu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết: “Dù hiệp hội chưa họp với các nhà máy để thống nhất lịch thời vụ, nhưng có thể giữa tháng 9-2011, vùng ĐBSCL sẽ khởi động vụ mới. Thuận lợi cơ bản là giá đường trên thị trường duy trì ở mức cao, bán sĩ từ 19.000 - 19.500 đồng/kg; với giá này nhà máy mua mía 10 chữ đường khoảng 1.000 đồng/kg, đảm bảo nông dân có lãi”.

* Theo Bộ NN-PTNT, vụ mía năm 2011-2012 cả nước trồng khoảng 282.000ha mía, tăng 11.000ha so vụ trước, sản lượng đường sản xuất ước khoảng 1,4 triệu tấn, cộng với 78.000 tấn đường nhập khẩu theo cam kết khi gia nhập WTO, cơ bản đáp ứng đủ so với nhu cầu tiêu dùng trong nước. Vấn đề đặt ra lúc này là các nhà máy cần thực hiện nghiêm quy chế phối hợp trong tiêu thụ mía đường, chỉ sản xuất khi mía đạt từ 8 chữ đường trở lên. Hiệp hội Mía đường rà soát các nhà máy về việc bán hàng, điều tiết giữ thị trường ổn định, không tạo sốt giá đột biến gây khó khăn cho các ngành hàng sản xuất khác và tạo điều kiện cho đường lậu tràn vào.

Theo Huỳnh Lợi – An Bình

SGGP



Báo cáo phân tích thị trường