Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bán mía non: Lợi trước mắt, hại lâu dài
24 | 08 | 2011
Các nhà máy đường khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn chưa vào vụ sản xuất. Nhưng tại vùng nguyên liệu mía Hậu Giang, mía đang còn non, nông dân vẫn đua nhau bán.

Nông dân đốn mía non

Dọc theo các tuyến kênh Sậy Niếu, Đất Sét (xã Phụng Hiệp), kênh Hậu Giang 3 (xã Hiệp Hưng), kênh Bún Tàu (xã Tân Phước Hưng)… nông dân đã bắt đầu thu hoạch mía giống ROC 16 bán cho thương lái với giá từ 1.050 - 1.200 đồng/kg.

Lão nông Hai Xù - xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, vừa thu hoạch 3 công (3.000m2) mía giống ROC 16, cho biết: “Thấy thương lái trả giá cao nên tui bán. Với lại giống mía này chín sớm nên tui bán ngay từ đầu vụ vì sợ đến thu hoạch rộ, giá liệu có được như hiện nay không?”.

Còn nông dân Nguyễn Minh Triều - ở ấp Quyết Thắng, xã Tân Phước Hưng, cũng vừa bán 5,5 công mía với giá 1.100đồng/kg. Ông Triều thừa nhận, mía hiện nay chỉ đạt từ 6 - 8 CCS (chữ đường), nhưng quan trọng là thương lái chịu mua với giá cao, nông dân thấy có lời là bán.

Ông Triều tính toán: “Với giá mía hiện tại, mỗi công tui lời được 10 triệu đồng. Và sau khi thu hoạch mía, tranh thủ làm thêm 1 vụ lúa sẽ cho thêm lợi nhuận”. Chính vì lý do đó mà nhiều nông dân đã tranh thủ bán mía non.

Ở tuyến kênh Ngã Bảy đã xuất hiện nhiều ghe chở mía ra khỏi vùng nguyên liệu. Theo nhiều nông dân, thương lái chở mía về cung ứng cho nhà máy đường thủ công bên Bến Tre. Đồng thời hơn 5 nhà máy đường ở thị trấn Bún Tàu, xã Tân Phước Hưng, Phương Phú cũng bắt đầu hoạt động. Một số còn được chuyển về tận TP.HCM, cung ứng cho các xe ép nước mía giải khát.

Ông Phan Hồng Phước - Chủ tịch UBND xã Tân Phước Hưng, cho biết: “Hiện tại nông dân đã bắt đầu bán mía khi thấy giá mía ở mức cao hơn giá mà nông dân đã ký bao tiêu với nhà máy. Thậm chí thương lái còn vô tận rẫy mía mua nguyên đám với giá từ 16 đến 18 triệu đồng/công”.

Ngành mía đường chịu thiệt!

Bán mía non, nông dân sẽ chịu thiệt rất lớn vì mía chưa đủ độ chín và năng suất sẽ thấp. Theo tính toán, 1ha mía nếu bán non sẽ thiệt hại khoảng 10 triệu đồng. Ông Trương Văn Hiền - Chủ nhiệm CLB 200 (năng suất mía từ 200tấn/ha trở lên), cho biết: “Mía Roc 16 là giống mía chín sớm và có khả năng đạt gần 8 CCS. Nông dân bán ngay từ lúc này có cái lợi là giá nhân công thu hoạch rẻ, mía có giá và được trồng thêm 1 vụ lúa nữa. Tuy nhiên, thiệt hại do bán mía non lớn hơn rất nhiều”.

Nếu nông dân cả vùng nguyên liệu bán mía non thì hậu quả là hàng trăm tỷ đồng sẽ mất đi chính từ sự thất thoát do giảm năng suất và CCS!

Theo tính toán của ông Hiền: Chỉ duy nhất niên vụ mía 2005-2006, mía cuối vụ rớt giá. Còn lại trong 10 năm qua, giá mía cuối vụ luôn cao hơn đầu vụ. Nên nông dân bán trễ sẽ có CCS cao, kéo theo giá mía cao. Ngoài ra, khi để đến khi mía đủ độ chín năng suất sẽ tăng thêm khoảng 2 tấn/công, tức nông dân sẽ thu nhập thêm khoảng 40% lợi nhuận. Trong khi đó, nếu bán sớm và làm lúa thì lợi nhuận không thể cao bằng. Đồng thời nếu làm thêm 1 vụ lúa thì vụ mía sau sẽ tốn nhiều công làm đất, chi phí bón phân so với những rẫy mía để nước phù sa phả lên mặt liếp.

Bán mía sớm ngay lúc này, nhà nông được lợi trước mắt nhưng thiệt cho ngành mía đường và cho xã hội rất lớn. Ông Phạm Quang Vinh - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Cần Thơ (CASUCO) cho biết: “Mía ở vùng nguyên liệu Phụng Hiệp hiện tại đo được khoảng 6 CCS. Nếu nông dân bán mía ngay từ lúc này sẽ mang đến nhiều hậu quả. Nhất là thiệt hại cho xã hội một lượng lớn đường vì mía còn non chưa đủ độ chín. Vì vậy nông dân nên bán mía đủ độ chín để đảm bảo giá cao, khi nhà máy ép thì lượng đường sẽ nhiều hơn”.

Theo Dân Việt



Báo cáo phân tích thị trường