Giá sụt thảm hại
Hàng năm, cứ vào đầu vụ ép, các nhà máy đường ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại dồn về Hậu Giang và Sóc Trăng giành nhau từng ghe mía vì đây là 2 vùng mía nguyên liệu chín sớm. Năm nay thì tình hình ngược lại. Tỉnh Hậu Giang trồng được 15.200ha mía, tăng hơn năm ngoái 1.000ha, trong đó, riêng huyện Phụng Hiệp trồng được 9.000ha. Vào đầu vụ, các nhà máy đường trong vùng vận động nông dân trồng mía không nên thu hoạch sớm mía non. Vào dịp cuối tháng 9, đầu tháng 10, giá mía còn cao, bà con không bán, cố giữ lại chờ mía chín, chữ đường cao thì mía lại liên tục giảm giá. Giá mía rớt một cách thảm hại, từ 360-400đ/kg đầu tháng 10, đến giữa tháng tụt xuống 300-340đ/kg và hiện nay chỉ còn 260-280đ/kg. Ông Tư Thành, một nông dân chuyên trồng mía ở Phụng Hiệp, than: "Với giá này lỗ trắng tay, giá thành sản xuất đã là 250-260đ/kg. Mọi năm để càng trễ, giá càng cao. Không ngờ năm nay giá mía vào vụ đã sụt thảm hại. Đã vậy, kêu bán không ai mua"! Nông dân Nguyễn Cảnh ở xã Hoà An, năm rồi chuyển 30 công trồng giống mía cũ sang trồng giống mới, năng suất, sản lương tăng gấp rưỡi so với mọi năm, nhưng “mua mía giống đã 1.000đ/kg, bán mía nguyên liệu 260-270 đ/kg không lỗ sao được. Đó là chưa kể năm nay các loại vật tư như phân bón, thuốc trừ sâu rồi công lao động đều tăng giá. Mía nguyên liệu phải bán giá 300đ/kg mới hoà vốn" - ông Cảnh tính. Theo ông Lê Văn Tự, Phó phòng Nông nghiệp huyện, hiện nay, Phụng Hiệp còn 2.900ha mía chín không bán được. Các nhà máy nơi khác không đến mua, nhà máy Long Mỹ phát hợp đồng bao tiêu 1.528ha, nhưng cuối cùng "xù" không mua. Mặt khác, nông dân Phụng Hiệp không làm lúa đông xuân do neo mía lại để tăng chữ đường, chờ giá lên... Cuối cùng, mất cả chì lẫn chài.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco), cho biết: Tổng công ty vẫn giữ giá mua mía nguyên liệu 370đ/kg 10 chữ đường tại ruộng; 400đ/kg tại cầu cảng nhà máy đường Phụng Hiệp; 415đ/kg tại cầu cảng nhà máy đường Vị Thanh. Mặc dù nhà máy công bố giá mua vậy, nhưng do thương lái ép giá nên nông dân chỉ được hưởng khoảng 50% giá mua này. Vì vậy, ngày 27/11/2006, tổ điều hành thị trường trong nước đã kiến nghị với Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành, UBND các địa phương và các nhà máy đường tại ĐBSCL thực hiện việc công bố giá mua mía đến tận nông dân và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nhà máy chạy quá tải
Vào những ngày cuối tháng 11, hàng trăm chiếc ghe có trọng tải trên 40 tấn chờ bán mía cho Casuco đã chờ chực nhiều ngày. Tại Nhà máy đường Vị Thanh có trên 100 chiếc ghe tải trọng nhiều mức, đậu gần khắp các tuyến kênh để chờ ra bến cân mía. Tại Nhà máy đường Phụng Hiệp, ghe chở mía đậu dài kín cả hai bên khúc sông, nhiều chủ ghe lâu năm trong nghề than thở: “Chưa có vụ mía nào phải chờ để được cân mía lâu như năm nay. Mía già, đạt chất lượng nhưng cuối cùng bán không được hoặc phải bán rẻ”. Phó giám đốc Nhà máy đường Phụng Hiệp, Nguyễn Hoàng Ngoan, phân trần: "Các nhà máy đang chạy quá tải, công suất được nâng lên tới mức tối đa nhưng vẫn không thấm vào đâu. Không thể mua hết mía cho dân”! Ông nêu con số cụ thể: Nhà máy đường Phụng Hiệp có công suất 2.300 tấn mía/ngày phải "căng sức" chạy quá tải lên 2.600-2.700 tấn mía/ngày; Nhà máy Vị Thanh công suất 2.000 tấn/ngày phải tăng tốc lên 2.100-2.200 tấn/ngày. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Thành Long, năng lực ép của các nhà máy đường thuộc tổng công ty là 4.500 tấn mía/ngày, chỉ giải quyết được 1/5 sản lượng mía đang vào vụ của Hậu Giang. Trong khi đó, năm nay, các nhà máy đường trong vùng không về (hoặc có về thì rất ít) mua mía ở Hậu Giang tấp nập như những năm trước đây.
Những người nông dân trồng mía lâu năm ở Mỹ Tú (Sóc Trăng) còn nhớ như in mùa mía năm 1999-2000 giá rớt thảm hại. Tình cảnh năm nay đang đe doạ lặp lại. Đã vào vụ hơn tháng nay, nông dân chờ mỏi mắt vẫn không thấy ghe mua mía từ các tỉnh Long An, Bến Tre, Trà Vinh... hối hả về mua mía. Ngược lại, nhà máy đường trong tỉnh ghe lái mía đổ về tấp nập, chen kín cả bến sông. Mức cung ứng mía nguyên liệu lên tới 8.000 tấn/ngày, trong khi đó, công suất nhà máy tối đa chỉ 2.000 tấn mía/ngày. Để trấn an tư tưởng cho người trồng mía, ông Trịnh Minh Châu, Giám đốc Công ty đường Sóc Trăng (Sosocu) khẳng định: không giảm giá mua mía và sẽ ưu tiên mua mía của bà con nông dân trong tỉnh với giá 340-350đ/kg tại chân ruộng.
Sự cam kết mua mía của các nhà máy đường cho nông dân có ấn định theo thời gian. Dù giá đường bán ra tại các nhà máy xuống thấp nhất trong hơn một năm qua (7.000-7.5000đ/kg), nhưng vẫn cao hơn rất nhiều so với thế giới. Giá mía phụ thuộc rất lớn vào giá đường. Tết nguyên đán sắp về, năm nào cũng vậy, nhu cầu đường để làm bánh kẹo, tiêu dùng rất lớn. Tuy vậy, theo các nhà kinh tế, giá đường rất khó tăng lên, thậm chí các nhà máy đường còn phải đối mặt với tình trạng tồn kho. Từ thực tế vụ ép năm nay, mía nguyên liệu cung đang vượt cầu, người trồng mía ở ĐBSCL có lặp lại “thảm cảnh” của mấy năm trước: Để mía chết khô giữa đồng? Nghe nói, giám đốc các nhà máy đường ĐBSCL đang định nhóm họp trong một ngày gần đây tại Phụng Hiệp, để bàn biện pháp "cứu nguy" cho mùa mía trước nguy cơ khủng hoảng thừa nguyên liệu./.