Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhà máy đường Thới Bình khó sắp xếp trước năm 2006
04 | 10 | 2007
Chính phủ đã cho phép tỉnh Cà Mau bán đấu giá Nhà máy đường Thới Bình nhằm tránh tình trạng nợ chồng chất nợ như hiện nay nhưng phải hoàn tất việc sắp xếp trước năm 2006, nếu sau đó mọi thiệt hại về kinh tế tỉnh sẽ phải tự cân đối. Thế nhưng, tình hình thực tế hiện nay là rất khó khăn.

Hiện nay, số nợ của Nhà máy đã lên tới hơn 200 tỷ đồng, riêng niên vụ vừa qua, chỉ trong vòng 1 năm Nhà máy đã lỗ 26 tỷ đồng. Tình hình này đã đặt cho các cấp quản lý bài toán khó. Trước đây, ý định của địa phương là cổ phần hoá, nhưng do tài chính không lành mạnh nên việc cổ phần hoá là không khả thi, có lúc tính tới phương án phá sản, nhưng nếu phá sản thì ngân hàng sẽ bị thiệt, cuối cùng chưa có phương án nào thích hợp.

Nếu bán đấu giá theo đề nghị của tỉnh cũng không ổn, bởi nguyên nhân dẫn tới tình trạng tiến thoái lưỡng nan là công nợ lớn. Mặt khác một số ý kiến cho rằng đã có sự tính toán không hợp lý trong quy hoạch xây dựng nhà máy đường tại huyện Thới Bình. Thứ nhất là công suất quá lớn, thứ hai là không đủ nguồn nguyên liệu cho nhà máy sản xuất, đầu ra cho sản phẩm không ổn định.

Thực trạng của nhà máy hiện nay là ngừng hoạt động thì lỗ nhiều do phải trả lương cho công nhân, nhưng nếu hoạt động liên tục thì cũng lỗ, cuối cùng ban lãnh đạo nhà máy quyết định hoạt động theo dạng cầm chừng, trước hết là nhằm giải quyết mía nguyên liệu tại chỗ cho nông dân, thứ hai là tạo cho công nhân có công ăn việc làm, dù cách nào thì tình trạng lỗ lã cũng vẫn tiếp tục.

Hiện nay, nhiều hộ dân đã quyết định không trồng mía nguyên liệu nữa mà chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Như vậy, tình trạng thiếu mía nguyên liệu sắp tới sẽ nghiêm trọng hơn bây giờ. Có nhiều ý kiến cho rằng, để cho nhà máy bán đấu giá được, hoặc cổ phần hoá thì trước hết số nợ của nhà máy đang nợ phải được tạm thời khoanh lại, kế đến làm tờ trình xin ý kiến Chính phủ xem xét xử lý cụ thể số nợ nói trên. Nếu không tiến hành theo cách này thì rõ ràng con đường nợ nần của nhà máy đường Thới Bình không có lối thoát./.



(Nguồn tin: TTXVN)
Báo cáo phân tích thị trường