Trước đây, cây đước được khai thác chủ yếu để làm củi đun, một phần gỗ để hầm than, bây giờ hầu hết người dân đã dùng bếp gas; gỗ tràm trước đây chủ yếu dùng để làm cừ xây cất nhà cao tầng, nay trong xây dựng người ta dùng cọc bê tông đóng xuống. Bởi vậy cả cây tràm và cây đước đều bị rớt giá. Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, sắp tới mỗi năm tỉnh Cà Mau phải khai thác, tỉa thưa vài ngàn ha ta rừng tràm (loại rừng tràm có từ 7 năm tuổi trở lên), nếu như số gỗ khai thác bán hết thì doanh thu đạt vài chục tỷ đồng, do đó nông dân và Nhà nước có thu lợi từ rừng tràm sau nhiều năm quản lý, chăm sóc, nhưng nay cây tràm không có đầu ra, quả là bài toán khó.
Tỉnh Cà Mau hiện còn diện tích rừng khoảng 100.000 ha, trong đó có 60.000 ha rừng ngập mặn và rừng phòng hộ, diện tích còn lại là rừng tràm. Hai vùng rừng nằm ở vùng sinh thái khác nhau, rừng ngập mặn, bao gồm cây đước có 80% số diện tích rừng. Rừng tràm sống vùng nước ngọt (thuộc 3 huyện U Minh, Trần Văn Thời và Thới Bình), diện tích rừng tràm phát triển tốt. Theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, để cho gỗ đước và gỗ tràm có đầu ra vững chắc, tỉnh cần thiết phải xây dựng Nhà máy Chế biến gỗ ván dăm tại các địa phương có nhiều diện tích rừng hai loại cây trên./.
(Nguon tin: TTXVN)