Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kê đơn trị "sốt" giá đường
29 | 01 | 2010
Có thể nói, việc giá đường sốt nóng là bất ngờ lớn nhất của thị trường nước ta, bởi hiện là thời điểm các nhà máy đường đồng loạt bước vào cao điểm sản xuất, trong khi dự trữ đường cũng đang “rủng rỉnh” nhất trong năm.

Trở lại vạch xuất phát cách đây 10 năm

Tình trạng sốt nóng giá đường hiện nay là tổng hòa của không ít nguyên nhân, trong đó thiếu mía nguyên liệu được coi là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích trồng mía nguyên liệu năm 2009 chỉ còn 260.100 ha, giảm 10.600 ha so với năm 2008. Trong khi đó, nông dân không còn mặn mà với cây mía và năng suất mía năm 2009 đã giảm, sau sau gần 1 thập kỷ tăng liên tục. Kết quả là, sản lượng mía năm 2009 chỉ đạt 15,25 triệu tấn, giảm tới 2,15 triệu tấn so với năm 2007 và giảm 900.000 tấn so với năm 2008. Trong bối cảnh đó, các nhà máy đường đang lâm vào tình trạng “đói” mía nguyên liệu.

Do nguồn cung nguyên liệu không đáp ứng đủ cầu, nên không ít máy đường ở khu vực Nam bộ đang phải hoạt động cầm chừng, trong khi giá giá mía nguyên liệu tăng lên mức cao kỷ lục.

Hiển nhiên, giá mía nguyên liệu tăng vọt là tác nhân chính đẩy giá đường tăng cao. Thế nhưng, việc giá đường sốt nóng đúng vào thời điểm cao trào cả về sản xuất lẫn dự trữ đường chắc chắn còn phải do sự “cộng hưởng” của những nguyên nhân khác.

Trước hết, xét trên tổng thể, trong khi tiêu dùng đường ở nước ta vẫn liên tục tăng, thì sản lượng mía lại có xu hướng giảm, khiến cán cân cung - cầu ngày càng trở nên bất ổn hơn.

Cụ thể, theo ước tính (giả thiết các nhà máy đường huy động được 70% tổng sản lượng mía trên thị trường), khối lượng mía nguyên liệu mà các nhà máy đường nước ta có được năm 2005 là gần 10,5 triệu tấn, năm 2006 đạt 11,7 triệu tấn, năm 2007 đạt kỷ lục gần 12,2 triệu tấn, nhưng năm 2008 giảm xuống chỉ còn 11,3 triệu tấn và năm 2009 chỉ đạt chưa tới 10,7 triệu tấn.

Giả định hiệu suất thu hồi đường trong mía là 1/11, thì sản lượng đường qua các năm lần lượt là 950.000 tấn, 1,06 triệu tấn, 1,11 triệu tấn, 1,03 triệu tấn và 970.000 tấn. Như vậy, chúng ta hầu như đã “trở lại vạch xuất phát” cách đây gần 10 năm, khi chương trình 1 triệu tấn đường được hoàn tất.

Trong khi đó, nếu như tiêu dùng đường của nước ta trong năm nay không tăng đột biến, thì với nhịp độ tăng bình quân 3,7%/năm, từ 1,225 triệu tấn năm 2005 lên 1,45 triệu tấn trong năm 2009, tổng nhu cầu đường năm nay dự báo sẽ đạt 1,5 triệu tấn. Rõ ràng, chênh lệch cung - cầu ngày càng lớn cũng là nguyên nhân quan trọng đẩy giá đường lên cao.

Gỡ “nút thắt”

Tất nhiên, với việc thiếu hụt nguồn cung đường quá lớn như hiện nay, giải pháp phải tính tới là bổ sung nguồn cung từ thị trường đường thế giới. Thế nhưng, đó chắc chắn chỉ là giải pháp tình thế. Bởi lẽ, vấn đề cấp bách đối với nền kinh tế nước ta không chỉ là tránh nguy cơ sốt nóng giá đường triền miên, mà còn bảo đảm cho ngành mía đường tồn tại trong điều kiện thị trường đường trong nước không còn bao lâu nữa sẽ phải mở cửa theo các cam kết quốc tế.

Vấn đề nổi cộm nhất trước mắt là bảo đảm đủ mía nguyên liệu cho các nhà máy đường. Trong điều kiện quỹ đất hạn chế và cây mía đang bị một số loại cây khác cạnh tranh dữ dội do hiệu quả quá thấp như hiện nay, thì việc tăng mạnh năng suất mía được coi là bước đột phá đầu tiên.

Nếu giữ nguyên diện tích, nhưng đạt được mức năng suất bình quân 65 tấn/ha của châu á, thì Việt Nam cũng sẽ tăng thêm được 1,66 triệu tấn mía nguyên liệu (tương ứng với trên 150.000 tấn đường trong năm nay). Còn nếu đạt được mức năng suất bình quân 70 tấn/ha của toàn thế giới, thì chúng ta sẽ tăng được gần 3 triệu tấn mía nguyên liệu (tương ứng với gần 270.000 tấn đường).

Thực tế cho thấy, nếu như năng suất mía trong thập kỷ 90 đã tăng bình quân 1,88%/năm, còn trong nửa đầu thập kỷ này tăng 2,43%/năm, thì 4 năm gần đây lại, năng suất mía chỉ tăng bình quân 1,08%/năm. Chúng ta đã lãng phí quá nhiều thời gian, nên phải tận dụng tối đa quãng thời gian còn được bảo hộ sắp tới để đẩy nhanh tăng năng suất. Có như vậy thì các nhà máy đường mới có đủ mía nguyên liệu với giá cả hợp lý, mà vẫn “giữ chân” được người nông dân ở lại với cây mía.

Bên cạnh đó, một vấn đề khó khăn hơn là việc khắc phục tình trạng quy mô “mini” của rất nhiều nhà máy đường hiện nay. Theo số liệu thống kê, trong tổng số 40 nhà máy đường, với tổng công suất 105.750 tấn mía/ngày của nước ta hiện nay, chỉ có 8 nhà máy tạm gọi là lớn, với công suất bình quân 6.250 tấn mía/ngày (công suất bình quân của các nhà máy đường Thái Lan là 12.000 tấn mía/ngày, của Australia là 10.000 tấn mía/ngày, còn công suất tối thiểu được coi là có hiệu quả kinh tế là 6.000 - 7.000 tấn mía/ngày), trong khi 32 nhà máy đường còn lại chỉ có công suất bình quân 1.742 tấn mía/ngày.

Do vậy, tăng công suất của các nhà máy đường để nâng cao khả năng cạnh tranh trong điều kiện thị trường đường nước ta sắp phải mở cửa theo cam kết hội nhập quốc tế và khu vực cũng là một vấn đề lớn.

 



Nguồn: Báo Đầu tư
Báo cáo phân tích thị trường