Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đường không thiếu, giá vẫn tăng
09 | 09 | 2009
Nhiều thành viên của Hiệp hội Mía đường VN, tại cuộc họp toàn ngành ngày 8.9 ở TP.HCM, đã kiến nghị có giải pháp kiềm chế giá đường đang tăng cao đến mức vô lý hiện nay.

Theo Hiệp hội Mía đường VN, do sản lượng đường toàn cầu vụ 2008/2009 thiếu hụt 4,2 triệu tấn so với nhu cầu tiêu dùng nên giá đường trên thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm gần đây. So với đầu năm 2009, giá đường hiện tại đã tăng đến 65% và tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước. Chính diễn biến này đã kéo giá đường trong nước tăng theo. Nếu giá bán sỉ đường kính trắng tại các trung tâm bán buôn trong tháng 5.2009 vào khoảng 10.500 đồng/kg thì đến tháng 8 đã tăng lên 13.500 - 14.000 đồng/kg. Trong khi đó giá bán lẻ đường kính trắng ở mức 14.500 - 15.000 đồng/kg, đường tinh luyện từ 15.500 - 16.000 đồng/kg. So với đầu năm, giá đường đã tăng khoảng 45-65% và tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước.

Điều đáng nói là đường trong nước hoàn toàn không thiếu. Sản lượng đường sản xuất đầu vụ 2009/2010 đến hết tháng 9.2009 ước đạt 30.000 tấn. Hiện tồn kho tại các nhà máy đường đến ngày 15.8 là 100.900 tấn. Đường chưa nhập trong hạn ngạch 61.000 tấn theo cam kết WTO đến 15.8 là 15.000 tấn. Đường sẽ nhập khẩu bổ sung theo hạn ngạch là 40.000 tấn. Như vậy, tổng cộng 130.900 tấn đường này đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong tháng 9 và còn dự trữ cho tháng 10.2009. Từ tháng 10.2009, có thêm các nhà máy đường Hiệp Hòa, Trị An, An Khê, Kon Tum vào vụ sản xuất. Sản lượng đường tháng 10.2009 ước khoảng 65.000 - 70.000 tấn. Nếu không có biến động về thời tiết, cản trở đến sản xuất và lưu thông thì nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Thực tế, giá đường tăng cao quá mức như hiện nay không phải là chuyện vui cho các doanh nghiệp ngành đường. Bà Nguyễn Thị Minh Thái, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm công nghệ Minh Tâm (TP.HCM) bộc bạch: “2008 - 2009 được xem như năm thành công nhất của ngành đường, lợi nhuận cao, nông dân cũng dư dả. Hiện nay đã qua cao điểm tiêu thụ nhưng giá đường vẫn đang tăng 1.000 đồng/kg. Giá đường lên xuống bất ổn như hiện nay cũng không phải là tốt, vì sẽ tạo điều kiện cho đường lậu tràn vào”. Bà Bùi Thị Quy - Chủ tịch HĐQT Công ty mía đường cồn Vạn Phát (TP.HCM) - đồng tình: “Giá đường nhập lậu hiện nay khoảng 12.000 đồng/kg trong khi giá đường trong nước cao hơn đến 4.000 - 5.000 đồng. Dù người dân có yêu nước cách mấy thì mức giá chênh lệch như vậy họ cũng không thể chấp nhận được, cũng sẽ tìm cách mua hàng nhập lậu. Vì vậy tôi đề nghị cần phải có chính sách ổn định giá đường cho hợp lý”. Đại diện Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối cũng khẳng định: “Sản lượng đường trong nước hiện nay không thiếu. Vụ năm sau lại có nguy cơ thừa đường. Chính vì vậy các DN cần phải bán đường với giá hợp lý, tránh ảnh hưởng đến ngành sản xuất khác và không để đường lậu tràn vào”.

Trong tháng 8.2009, trong cơn sốt giá đường, hệ thống siêu thị Co.op Mart tại TP.HCM đã phải giảm giá đường hiệu Bonsu xuống 13.000 đồng/kg đồng thời khống chế số lượng bán cho mỗi người khách. Hiện tại, nhu cầu phục vụ Tết Trung thu giảm nhiều, đồng thời trong tháng 9, các nhà máy vùng ĐBSCL sẽ đồng loạt vào vụ, nguồn cung dồi dào, giá đường dự báo sẽ chững lại.

Ai quản lý chất lượng đường?

Ở khía cạnh quản lý chất lượng, ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch HĐQT Công ty mía đường Cần Thơ - trăn trở: "Đường là một loại thực phẩm có thể dùng trực tiếp, chúng ta cho vào ly nước uống, làm gia vị cho thức ăn, như vậy đường ăn phải đảm bảo vệ sinh an toàn, nhưng hiện khâu quản lý chất lượng đang bị bỏ lỏng. Chúng ta hoàn toàn không có hàng rào kỹ thuật để kiểm soát khâu đóng gói, chế biến thủ công. Hiện nay đang tràn lan tình trạng thương buôn trộn lẫn tùy tiện các loại đường với nhau, không đảm bảo vệ sinh theo quy định của y tế, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Nếu quản lý tốt khâu này, thì chẳng những bảo vệ cho người tiêu dùng, mà DN trong nước cũng yên tâm bởi vì sẽ hạn chế được đường nhập lậu".

Bà Phạm Thị Sum - Chủ tịch HĐQT Công ty CP đường Biên Hòa cũng bức xúc: "Khi cơn sốt giá đường lên cao thì thương lái cứ mặc sức trộn lẫn các loại đường đến bán, trong khi người tiêu dùng thì không thể phân biệt được. Hiệp hội cần có sự đồng thuận về việc thu mua mía sạch, quy định tỷ lệ tạp chất là bao nhiêu... đồng thời đưa ra chuẩn giá đường để chống lại các loại đường nhập lậu".


Theo Thanh Nien Online
Báo cáo phân tích thị trường