Bệnh rượu đang lây lan trên các ruộng mía ở huyện Bến Cầu và Châu Thành (Tây Ninh). Đây là loại bệnh nguy hiểm nhất trên cây mía mà quốc tế hiện chưa có thuốc trị.
Tỉnh Tây Ninh, ngày xưa nổi tiếng là thiên đường của mía đường Việt Nam, ngày nay đang bị chính nông dân của Tây Ninh xóa dần danh tiếng ấy vì mạnh ai nấy lo tự cứu mình trong khi Nhà nước từ trung ương đến địa phương không có chính sách và biện pháp hữu hiệu nào để giúp người trồng mía. Trồng mía ở Tây Ninh hiện nay là cả một thách thức lớn: một ha chỉ đạt bình quân dưới 50 tấn mía, mặc dù cá biệt có nơi đã đạt trên 100 tấn. Vì vậy nông dân trồng mía tự thấy là nếu tiếp tục trồng mía thì ngày càng nghèo thêm, do đó họ dễ chạy theo cao su, khoai mì, mãng cầu...
Đất mía được quy hoạch cho từng nhà máy đường (NMĐ) lần lần biến thành đất trồng cao su, khoai mì. Cây mía bắt buộc phải bỏ các vùng đất cao chạy xuống vùng đất thấp dành cho ruộng lúa. Tình thế "tự cứu mình" này đang tiếp tục được nông dân đẩy mạnh, tạo ra một vùng nông thôn làm nông nghiệp mất khoa học.
Nhiều bất cập
Cây mía ở Việt Nam chưa đạt năng suất cao (bình quân chỉ khoảng 50 tấn mía/ha) như ở các nước khác (bình quân 80-90 tấn mía/ha) vì nhiều lý do, nhưng chung quy chỉ do thiếu một chính sách hữu hiệu khiến cho các biện pháp kỹ thuật đồng bộ cho cây mía cho đến giờ vẫn chỉ là nửa vời đối với người trồng mía. Do đó các biện pháp kinh tế cho ngành mía đường đã không khuyến khích người trồng mía thiết tha với cây mía và làm cho các NMĐ ngày càng thấy đóng cửa nhà máy là tốt hơn.
Về mặt kỹ thuật trồng mía, cho đến giờ mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chương trình chọn tạo giống mía để phục vụ cho nông dân, nhưng các giống mà Bộ tung ra thì đã lạc hậu so với giống của công ty đường cung cấp. Song khả năng chọn tạo giống và nhân giống của tất cả các công ty đường của nước ta không thể nào làm được tốt để đáp ứng nhu cầu của nông dân trồng mía.
Về mặt kinh tế, Nhà nước hiện nay đã chịu thua việc người dân tự ý phá vỡ quy hoạch vùng trồng mía, tự ý bẻ hợp đồng, tự do cho trâu bò vào ăn mía người khác, tự do đốt rẫy mía của người khác nếu trâu bò bị đuổi. Người trồng mía đã không an tâm vì năng suất thấp mà phải lo cho ngần ấy chuyện phiền hà. Các NMĐ cũng đành bó tay khi thấy diện tích mía ngày càng teo dần mà Nhà nước không có biện pháp gì cho người trồng mía tuân theo.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng phục vụ cho ngành mía đường cũng không được đầu tư thích đáng: thủy lợi tưới và tiêu nước không nơi nào hoàn chỉnh, nhất là những vùng trồng mía và lúa lẫn lộn. Đường cho xe chở mía từ các cánh đồng mía cũng không được hoàn thiện. Các phương tiện cơ giới hóa ngành trồng mía, từ khâu làm đất, đặt hom, chăm sóc, thu hoạch và vận chuyển, cũng chưa được đầu tư nghiên cứu đến nơi đến chốn.
Quan trọng không kém, là quan hệ giữa NMĐ và người trồng mía hiện nay không được một chính sách gì quy định chặt chẽ, trừ trường hợp Công ty mía đường Lam Sơn ở Thanh Hóa. Vì vậy người trồng mía cũng không hề có trách nhiệm với NMĐ nào cả, và đó cũng là cơ hội để họ tranh bán cho các thương lái của một số NMĐ không đầu tư gì cho người trồng mía, làm thiệt hại nhiều cho các NMĐ có đầu tư cho vùng nguyên liệu của mình.
Trong khi đó, Hiệp hội Mía đường VN khi họp thì nhất trí cam kết đủ điều, nhưng khi về nhà mạnh ai nấy làm. Các nhà máy tranh mua mía của nhau, bất chấp những tiêu chuẩn kỹ thuật, thậm chí dám cho thương lái đi mua mía non về ép...
Xây dựng một chính sách hữu hiệu
Nhìn sang nhiều nước bạn, chúng tôi thấy mỗi Chính phủ đều đặt ra những cơ chế giúp cho các nhà máy chung sống với nhau, cùng đi lên sản xuất chứ không như hiện trạng của ta cả nhà máy và người trồng mía đều thủ thế với nhau.
Ở Philippines, người trồng mía và nhà máy không hề có tranh chấp gì cả vì Nhà nước quy định tỷ lệ 70:30 được áp dụng trên toàn quốc. Tức là khi xe mía đến nhà máy, được đo độ đường tức khắc, và người trồng mía được biết mình hưởng bao nhiêu và nhà máy sẽ lấy bao nhiêu bao đường theo tỷ lệ đó. Hằng tuần nhà máy mời các nhà buôn bán đường đến đấu thầu mua đường theo giá cả hiện hành, người trồng mía muốn bán đường của mình lúc đó hoặc chờ giá lên cao hơn mới bán thì tùy họ.
Để cải thiện tình trạng trên, chúng tôi thấy rằng:
Các NMĐ nên cùng lãnh đạo của tỉnh xác định lại quy hoạch vùng mía nguyên liệu của mình, bằng một pháp lệnh nghiêm túc và cùng tỉnh đầu tư thêm cấu trúc hạ tầng trọng yếu (kênh tưới, kênh tiêu, đường chở mía...). Đồng thời cần cải tiến quan hệ với người trồng mía, thế nào để họ gắn bó với mình. Trước mắt nên cải tiến thiết bị đo độ đường tự động để có kết quả ngay cho nông dân.
Nhà nước cần quan tâm với người trồng mía và NMĐ bằng những chính sách và hành động cụ thể: thành lập cơ quan quản lý chính sách mía đường, tỷ lệ ăn chia giữa nhà máy và người trồng mía, khối lượng xuất và nhập khẩu đường, quy định giá đường ở thị trường trong nước... Ngành nông nghiệp của tỉnh tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân trồng mía, đầu tư cấu trúc hạ tầng vùng mía...
Người trồng mía cần bảo vệ lẫn nhau bằng cách thành lập "Hiệp hội nông dân trồng mía". Người trồng mía phải triệt để tôn trọng quy hoạch vùng mía theo NMĐ. Người trồng mía Việt Nam khi có chính sách Nhà nước, nên tham gia thực hiện chính sách ăn chia đường thành phẩm 70:30 như Thái Lan và Philippines.
Xây dựng một chính sách hữu hiệu cho ngành mía đường VN không phải là khó. Vấn đề ở đây là liệu chừng nào Nhà nước mới thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc duy trì và phát huy ngành mía đường VN không thua các nước khác.
Giáo sư Võ Tòng Xuân