Không có chuyện thiếu đường
Đây là khẳng định của ông Đoàn Xuân Hoà - Phó Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thuỷ sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) - xung quanh đợt tăng giá đường kỷ lục này. Thay vì lo ngại nguyên nhân thiếu nguyên liệu, khiến DN ra sức đẩy giá lên nhằm cạnh tranh và đầu cơ, ông Hoà khẳng định không hề xảy ra tình trạng trên.
|
Đường tăng giá, người nông dân được lợi |
"Nguyên nhân lớn nhất khiến đường tăng giá là do giá đường trên thế giới tăng cao; ngoài ra, đây là lúc cao điểm bán đường do nhu cầu đường nguyên liệu sản xuất bánh kẹo cho đợt Trung thu, nên giá đường có nhỉnh hơn thời điểm bình thường" - ông Hoà cho hay. Theo Tổ chức Đường thế giới, niên vụ 2008 - 2009, tổng sản lượng đường thế giới đạt hơn 161,5 triệu tấn - giảm hơn 7 triệu tấn (4,2%) so với cùng kỳ. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng cả năm ước tính hơn 165 triệu tấn. Nguồn cung khan đẩy giá đường lên cao (đường kính trắng London tăng từ 450USD - 570USD/tấn), khiến giá đường trong nước không nằm ngoài vòng quay tăng giá.
Cụ thể, từ 15.7 đến nay, giá đường liên tục biến động khoảng 6 lần, đẩy mức giá đường kính trắng bán buôn từ 11.000đ - 14.200đ/kg. Tuy nhiên, theo tính toán của Cục Chế biến, thương mại nông lâm thuỷ sản và nghề muối, đường tồn kho đến ngày 15.8 vẫn còn khoảng gần 79 nghìn tấn, đường gửi tại kho của DN do tiêu thụ chậm vẫn còn 22.000 tấn.
Ngoài ra, lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch (61.000 tấn/năm) vẫn còn khoảng 15.000 tấn chưa nhập. Mới đây nhất, Bộ NNPTNT cùng Bộ Công Thương thống nhất nhập khẩu bổ sung 40 nghìn tấn đường theo hạn ngạch để dự phòng. Theo đó, tổng lượng đường từ đây cho đến khi vào vụ thu hoạch (đầu tháng 9) vẫn đảm bảo dồi dào nguồn cung.
Ông Hoà khẳng định: "Đường tăng giá là dấu hiệu đáng mừng, bởi mặt bằng chung giá đường lâu nay là khá thấp so với giá trị sản phẩm".
Tín hiệu mừng cho nông dân?
Mặc dù đang là đợt tiêu thụ cao điểm, song theo các nhà máy, lượng đường bán ra chậm hơn so với cùng kỳ. Tổng lượng đường tiêu thụ từ 15.7 đến 15.8 chỉ đạt 62.200 tấn - thấp hơn khoảng 3.100 tấn so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá đường thế giới đang tăng chậm và có dấu hiệu chững lại.
Theo Hiệp hội Mía đường VN, nếu giá đường thế giới không tiếp tục tăng và giữ ở mức giá hiện tại, giá đường trong nước thời gian tới sẽ điều tiết trở lại. Theo đó, với đà này, giá thu mua mía tại ruộng cho bà con nông dân vào vụ tới (tháng 9) sẽ được đẩy lên đáng kể.
Hiện một số nhà máy tại khu vực Đông Nam Bộ đang rục rịch thu mua mía cho bà con với mức giá 470 - 510.000đ/tấn mía xô (giá thu mua niên vụ trước chỉ trên 400.000đ/tấn). Tổng Thư ký hiệp hội - ông Hà Hữu Phái - cho biết: "Đầu tháng 9, ĐBSCL sẽ bắt đầu thu hoạch đồng loạt, các nhà máy đang cùng nhau xác định giá thu mua làm sao được giá nhất cho bà con, nếu mức giá được duy trì như hiện tại".
Tuy nhiên, đây cũng chính là điều các nhà quản lý lo ngại, khi thị trường đường nội địa vẫn đang phải chịu sức ép từ biến động của thị trường đường thế giới. Với mức giá hiện tại, cả nhà máy lẫn nông dân hứa hẹn sẽ có lợi nhuận nhất định. Song nếu giá đường tăng cao hơn hoặc lại giảm xuống, giá đường trong nước sẽ biến động theo.
Về điều này, ông Đoàn Xuân Hoà cho biết thêm, tâm lý chung của bà con vẫn là vừa mừng, vừa lo; bởi nếu giá đường thế giới chững lại, đường trong nước sẽ chững lại, thậm chí lại hạ nhiệt do đảm bảo cân đối cung cầu, bắt đầu vào vụ mới cũng như quota nhập khẩu bổ sung 40 nghìn tấn đã có hiệu lực.
Với kiểu sản xuất manh mún và tiêu thụ "ăn xổi ở thì" như hiện nay, việc giá đường "nhảy múa" theo biểu giá của thế giới mà không có sự bình ổn nhất định, thì biến động thị trường đường là điều tất yếu.