Nhiều nhà máy đang muốn rục rịch khởi động niên vụ ép mía mới sớm ngay trong tháng 8. Vậy có nên chăng?
Ngày 3/8 tại thị xã Ngã Bảy tỉnh Hậu Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Bùi Bá Bổng đại diện đã chủ trì cuộc họp cùng Hiệp hội mía đường Việt Nam tiểu vùng đồng bằng sông Cửu Long để trả lời câu hỏi này và bàn biện pháp tiếp tục đưa ngành sản xuất mía đường phát triển bền vững.
Đại biểu ngành nông nghiệp Tây Ninh, nơi có luồng vận chuyển thủy thông thương với đồng bằng sông Cửu Long cũng đến tham dự.
Đủ điều kiện thuận lợi cho nhà máy khởi động?
Đến hết tháng 7, lượng đường cả nước còn tồn kho tổng cộng 141.100 tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước 134.000 tấn. Bộ Công Thương đã cấp giấy phép nhập khẩu thêm 40.000 tấn, đủ hạn ngạch 61.000 tấn theo lộ trình hội nhập WTO và AFTA của mặt hàng đường thực phẩm.
Lượng đường xuất kho trong tháng 7 chỉ 44.300 tấn, như vậy lượng cung xem như đáp ứng đủ nhu cầu đến hết tháng 9. Mùa làm bánh Trung thu đang khởi động, cần tiêu thụ nhiều đường. Đường Thái Lan vẫn nhập lậu mỗi ngày bình quân khoảng 200 tấn qua ngõ biên giới Tây Nam.
Sản xuất ngay trong lúc này vừa chủ động tránh lũ sớm, vừa có thể đánh bạt được hàng nhập lậu. Đó là lý do khiến không ít nhà máy muốn khởi động vụ sớm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc Công ty đường Cần Thơ (Casuco), đơn vị sản xuất có quy mô lớn nhất vùng lại khá dè dặt với mong muốn này.
Ông cho biết qua kiểm nghiệm, cây mía Hậu Giang mới đạt khoảng 5-5,5 chữ đường (CCS) ép sớm coi như thất thu vì một chữ đường trong 100 Kg mía đủ độ chín (10 CCS) tương đương với 1 kg đường thành phẩm. Nhà máy muốn không thua thiệt, nên ép khi mía có từ 8 CCS trở lên.
Cây mía đồng bằng sông Cửu Long vốn canh tác theo kiểu đào gốc hàng năm, thu nhập đem lại có thể thấp hơn so với lúa và nhiều loại hoa màu. Chính vì vậy nên vị trí cây mía còn chưa được các cấp chính quyền quan tâm, thống kê đúng mức. Trưởng tiểu vùng Hiệp hội do chỉ tính vùng nguyên liệu trong tầm các nhà máy nên cho rằng diện tích mía năm nay đạt 52.500 ha, cao hơn 10% so với trước.
Trong thực tế niên vụ 2008 - 2009 đồng bằng sông Cửu Long đã đạt tới 64.000 ha. Trong năm qua, các nhà máy do tăng công suất tổng cộng lên đến 22.50 tấn mía ngày) nên toàn vùng đã phải “nhập” thêm đến 140.000 tấn (từ Tây Ninh).
Nhà máy và nông dân phải cùng có lợi
Các nhà máy mặc dù đã “phân định vùng nguyên liệu”, không tranh giành với nhau nhưng do phương tiện vận tải chưa tốt, chưa mua tận ruộng nên dù trong tháng 2-3/2009 giá mía có khi lên đến 700.000 đồng/tấn nhưng phần lợi gia tăng này vẫn thuộc về các thương nhân, người trồng mía không được hưởng nên năm nay nông dân ở hầu hết các tỉnh đã giảm diện tích trồng mía.
Theo số liệu từ các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, tỉnh Hậu Giang vốn có 17.000 ha, nay giảm còn 15.000 ha, Sóc Trăng giảm 700 ha còn 11.300. Trà Vinh từ 6.200 ha còn 4.300 ha, Bến Tre từ 6.700 ha còn 5.074 ha. Đó là khu vực trồng mía tập trung của cả vùng. Riêng Long An vào thời hoàng kim có tới 19.000 ha nay chỉ còn 13.700 ha. Cà Mau từ 4.600 ha còn 2.000 ha, trong khi Kiên Giang lại tăng thêm 300 ha lên 4.100 ha.
Lượng mía đồng bằng sông Cửu Long năm nay có thể đạt 3,8 triệu tấn có thể đủ để chạy 5 tháng (niên vụ trước chỉ hơn 3 tháng). Nguyên do nhờ năng suất mía vẫn tăng ở những nơi nhà máy có đầu tư và nông dân gắn bó với nghề trồng mía.
Theo TS. Nguyễn Bảo Vệ, Trưởng Khoa nông học và công nghệ sinh học trường Đại học Cần Thơ, tại “vùng lũ cuối nguồn” là Hậu Giang, nơi nào bà con biết làm bờ bao, chăm sóc đủ phân bón, thì năng suất đã đạt 120 tấn/ha, chữ đường 11 CCS.
Tại Long An năm qua, giống mía mới 1C80-65 đưa vào trồng thử đã đạt 120 tấn/ha, có hộ đạt 160-170 tấn/ha. Nhìn nhận những kết quả này, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cho rằng các nhà máy cần tiếp tục đầu tư khoa học công nghệ cho giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng như đầu tư hạ tầng đường giao thông, kênh vận chuyển cho vùng ngập lũ.
Ông Bổng dự tính nếu nơi nào có lũ sớm thì phải chạy máy sớm, mua hết mía cho dân. Việc tính toán bình ổn cho vùng nguyên liệu cho năm sau càng phải làm kỹ, với nhiều giống chín vừa, chín sớm, chín muộn vì cây mía đồng bằng sông Cửu Long xem ra vẫn nhiều lợi thế.
Hiệp hội mía đường tại tiểu vùng thống nhất giá mua mía niên vụ này là 600 đồng/kg với mía 10 CCS. Cứ tăng hay giảm 1 CCS sẽ lấy mức 50.000 đồng để cộng, trừ thêm.
Đại biểu các cục chức năng thuộc Bộ cho rằng đồng bằng sông Cửu Long phải gấp rút củng cố mối quan hệ giữa nông dân và nhà máy bằng xây dựng chân rết mua nguyên liệu trực tiếp với dân. Đó có thể là các hợp tác xã vận chuyển, đội thu hoạch mía (do nhà máy tổ chức), xí nghiệp nguyên liệu mía tư nhân (có hợp đồng với nhà máy).
(Theo VnEconomy)