Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Cuộc chiến” nguyên liệu mía đầu vụ
14 | 12 | 2007
Trước khi vào niên vụ mía đường 2007-2008, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã tổ chức “Hội nghị toàn thể thành viên”, thống nhất giá mua mía (10 chữ đường) tại ruộng là 350.000 - 400.000 đồng/tấn và giá đường trắng (loại 1) bán ra dự kiến là 6.500 đồng/kg.
Các đại biểu cũng thống nhất và kiến nghị Hiệp hội cần phối hợp chặt chẽ giữa công ty và nhà máy đường từng tiểu vùng và toàn hiệp hội trong tổ chức thu mua mía và tiêu thụ đường. Thế nhưng, tan họp giám đốc nào về nhà máy ấy và lao vào “cuộc chiến” tranh giành nguyên liệu (!)

Mạnh ai nấy mua...

Năm nay ĐBSCL có thêm nhà máy đường Long Mỹ Phát. Khác với mọi năm 9 nhà máy cùng đồng loạt vào vụ ép, sớm hơn những năm trước nửa tháng. Điều làm cho người dân vùng mía sớm, chạy lũ Phụng hiệp (Hậu Giang) bất ngờ là cùng thời điểm này năm ngoái giá mía rớt thê thảm, người trồng mía mời chào, năn nỉ thương lái đến mỏi mồm nhưng không ai thèm mua. Hàng ngàn ha mía trổ cờ, chết đứng giữa đồng, dân lỗ đậm.

Năm nay tình hình đảo ngược hoàn toàn. Mới vào đầu vụ, thương lái khắp các tỉnh ĐBSCL đổ xô về Phụng Hiệp tranh giành nhau mua mía. Họ lùng sục vào tận ấp, đến tận nhà, người trồng mía chưa bán thì họ đặt tiền cọc, nâng giá “ép” nông dân bán cả mía non. Cuối tháng 10 giá mía đang từ 340 - 360 đồng/kg, sang tháng 11 tăng lên 400 đồng/kg, rồi 450 - 500 đồng/kg. Riêng mía GOC 16 thương lái tranh nhau mua với giá 650 đồng/ kg. Biết bán mía non là thiệt, nhưng đầu vụ giá mía theo chiều hướng có lợi cho bà con nông dân nên họ bán. Bán để trả nợ ngân hàng, để trang trải chi tiêu...

Bán để tránh lũ và điều quan trọng hơn tận dụng đất làm thêm vụ lúa, tăng thu nhập. Cuối tháng 11, bà con nông dân Phụng Hiệp đã cơ bản đốn xong mía.Theo ông Lê Thế Tự, Phó phòng nông nghiệp Phụng Hiệp, vụ này toàn huyện trồng được 7.686 ha mía, ít hơn năm ngoái 300 ha. Diện tích giảm, nhưng năng suất đạt tới 120 tấn/ha. Mía được mùa, được giá, mỗi nhà trồng khoảng 3 - 5 công mía, sau khi trừ mọi khoản chi phí cũng thu lãi 5-8 triệu đồng. Ông Tự vui vẻ kết luận: “Mừng cho nông dân, vụ này sống khoẻ với cây mía!”.

Tại vùng mía các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng giá mía cũng thay đổi từng ngày. ở Cù Lao Dung, Sóc Trăng, bà con nông dân phấn khởi cho biết: vụ này cầm chắc lãi 15 - 20 triệu đồng/ha.Có một điều khó hiểu là, đầu vụ giá mía tăng, lời nhiều, nhưng một số người trồng mía không bán.

Hỏi lý do, nhiều nông dân trả lời một cách ngắn gọn: “Chờ giá cao hơn”! Liệu giá mía có cao hơn trong thời gian tới khi cả ĐBSCL cùng vào mùa thu hoạch? Câu hỏi chờ thời gian trả lời! Còn hậu quả trước mắt, vì không mua được nguyên liệu ở Hậu Giang 2 nhà máy đường là Phụng Hiệp và Vị Thanh đã 2 lần phải tạm ngưng hoạt động, nhà máy đường Sóc Trăng cũng “lâm trận”. Còn các nhà máy khác phải hoạt động cầm chừng hoặc giảm công suất.


Nguồn: vneconomy.vn
Báo cáo phân tích thị trường