Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hậu Giang: Kêu gọi các nhà máy đường trong khu vực hợp tác tiêu thụ mía
25 | 08 | 2007
Trước tình hình nhiều ruộng mía ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) đã trổ bông và bắt đầu chết khô hàng loạt trong khi 2 nhà máy đường của tỉnh chạy hết công suất cũng không tiêu thụ hết mía, mới đây Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang đã có cuộc họp với các nhà máy đường trong khu vực để bàn biện pháp tiêu thụ lượng mía đang dư thừa trong dân.

Tại cuộc họp, 3 Nhà máy đường gồm Ấn Độ, Hiệp Hoà (tỉnh Long An) và Nhà máy đường Bến Tre hứa giúp Hậu Giang tiêu thụ 23.000 tấn mía nguyên liệu ngay trong tháng 12 này. Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Mía đường Cần Thơ (casuco) cho biết: hiện trên địa bàn huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy đang còn thừa đến 150.000 tấn mía nguyên liệu mặc dù cả 2 nhà máy đường Vị Thanh và Phụng Hiệp đều chạy vượt công suất thiết kế từ 200 đến 500 tấn mía cây/ngày. Do đó, mặc dù được các nhà máy hứa hỗ trợ nhưng chắc chắn số mía thừa sẽ không được tiêu thụ hết trong tháng 12 này mà phải kéo dài qua năm 2007 và chắc chắn nông dân sẽ còn bị thiệt hại nhiều hơn.

Để giúp nông dân hạn chế thiệt hại do giá mía bị chết, chữ đường giảm... Casuco cũng như các nhà máy hứa tiêu thụ mía giúp nông dân sẽ ưu tiên thu mua mía cho các hộ có diện tích mía bị chết và các hộ có ký hợp đồng bao tiêu với công ty. Hiện nay, mặc dù tại cầu cảng của các nhà máy đường ở Hậu Giang, giá thu mua mía loại 10 CCS là 400 đ/kg, tuy nhiên do nhu cầu thu hoạch mía của bà con quá lớn kết hợp với lượng mía tồn đọng tại cầu cảng khoảng 8.000 đến 10.000 tấn mía cây ở mỗi cầu cảng và chữ đường trong mía cũng bị giảm nên giá mía tại ruộng được thương lái thu mua của dân chỉ còn từ 200 đến 220 đồng/kg. Với giá này nông dân đang phải chịu lỗ nặng vì giá thành mỗi kg mía đã trên dưới 250 đồng/kg.

Theo ông Võ Văn Sơn, nguyên nhân thừa mía trong năm nay là do diện tích trồng mía tăng thêm gần 1.500 ha, năng suất các giống mía đều tăng từ 15 đến 20 tấn/ha nên sản lượng mía tăng mạnh. Bên cạnh đó, do giá đường đầu vụ thấp nên hầu hết các nhà máy trong khu vực đều vào vụ chậm hơn gần 20 ngày so với các năm trước nên lượng mía bị tồn đọng nhiều. Ngoài ra, cũng do tình hình thời tiết năm nay diễn biến thất thường làm cho mía bị trở bông sớm và đồng loạt làm giảm năng suất, chữ đường, bà con cần phải thu hoạch sớm nên đã gây sức ép mạnh cho các nhà máy./.



(Nguồn tin: TTXVN)
Báo cáo phân tích thị trường