Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Để nông dân Đồng bằng sông Cửu Long có vụ mía đường ngọt
29 | 08 | 2008
Theo kế họach, trung tuần tháng 9 này, 10 nhà máy đường khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ bước vào vụ niên vụ 2008-2009. Tuy nhiên, theo lãnh đạo của các nhà máy đường, giá thu mua mía năm nay sẽ không cao. Làm gì để bảo đảm người trồng mía vẫn có lãi, có thể tiếp tục giữ lại vùng nguyên liệu mía trong các năm tới? Đó là nỗi lo của các nhà máy đường cũng như nhiều địa phương khu vực ĐBSCL hiện nay.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, tổng diện tích mía của ĐBSCL niên vụ 2008-2009 là 64.573 ha , giảm 4.527 ha so với vụ mía trước do nhiều hộ đã chuyển từ đất trồng mía sang trồng lúa và các loại cây trồng khác vì hiệu quả kinh tế từ cây mía không cao. Theo dự báo cả về diện tích, năng suất và sản lượng mía năm nay đều giảm nhưng giá mía thu mua năm nay cũng sẽ không tăng do nhiều nhà máy vẫn còn tồn đọng một lượng đường lớn, trong khi các chi phí đầu vào tăng mạnh, áp lực về nguồn vốn và lãi suất ngân hàng tăng cao. Ông Nguyễn Thành Long-Tổng Giám đốc Công ty Cổ Phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) cho biết: Hiện, lượng đường RS chỉ dao động ở mức trên 8.000 đ/kg và sẽ giữ giá này cho đến hết tháng 9. Nguyên nhân là do đường nhập lậu vẫn không giảm thậm chí còn tăng hơn trước, trong khi các nhà máy đường trong khu vực đang chuẩn bị bước vào vụ ép mới nên sẽ tung ra thị trường một lượng đường tồn kho lớn để chuẩn bị vốn cho vụ sản xuất mới. Các nhà máy đường ở khu vực miền Trung và miền Bắc do giá thành sản xuất thấp sẵn sàng đưa vào thị trường miền Nam một số lượng đường lớn trong dịp Trung thu và tháng 11 tới. Giá đường trong nước không tăng trong khi mọi chi phí của nông dân trồng mía và các chi phí khác của nhà máy đều tăng cao nên nhiều khả năng trong vụ mía này cả nông dân và nhà máy đều có nguy cơ thua lỗ. Nếu nâng giá thu mua mía để nông dân có lời thì các nhà máy sẽ không đủ sức để mua, mía sẽ dư thừa và ngược lại nếu mua mía giá thấp để nhà máy có lãi thì nông dân sẽ lỗ nặng.

Hậu Giang có 15.471 ha mía, lớn nhất trong số 7 tỉnh có diện tích trồng mía ở khu vực ĐBSCL, trong đó riêng huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy có 8.900 ha. Dự kiến sẽ có khoảng 4.000 ha được bà con thu hoạch ngay trong tháng 9 tới để tránh lũ nên nhu cầu bán mía ngay trong tháng 9 của bà con là rất lớn. 3 nhà máy đường trong khu vực đã ký hợp đồng bao tiêu với bà con được khoảng 50% sản lượng mía cần bán, số còn lại khoảng 200.000 tấn đang rất cần các nhà máy trong khu vực đến thu mua. Các lò đường thủ công mua mía của nông dân với giá từ 420-460 đồng /kg. Với giá trên, nông dân không có lãi thậm chí hòa vốn nên nông dân mong muốn các nhà máy thu mua mía với giá từ 500đồng /kg trở lên. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Sơn-Tổng Giám đốc Công ty Cổ Phần mía đường Bến Tre: do nông dân thu hoạch mía chạy lũ nên mía thu hoạch sớm này cho trữ đường thấp, chỉ trên dưới 6 CCS, nhà máy thu mua và chế biến sẽ không có hiệu quả kinh tế nên cũng không thể trả giả cao cho nông dân được.

Để giải bài toán về tiêu thụ mía cũng như giá thu mua sao cho nông dân có lãi mà nhà máy vẫn duy trì hoạt động được, theo lãnh đạo các công ty mía đường, các ngành chức năng phải tham gia có hiệu quả công tác phòng chống nhập lậu đường qua biên giới. Các nhà máy đường trong khu vực phải trực tiếp thu mua của nông dân để tránh tình trạng thương lái ép giá nông dân. Ngành nông nghiệp và các cơ quan chức năng cần tăng cường hướng dẫn nông dân sử dụng các giống mía mới có năng suất và trữ đường cao để bán được giá cao, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến vào việc trồng, chăm sóc để hạ giá thành sản phẩm cho cây mía. Phía nhà máy cần phải tính toán phương thức tiết kiệm các chi phí sản xuất, hạn chế tối đa việc thu mua mía có trữ đường thấp, khuyến khích nông dân loại bỏ các tạp chất ngoài đồng ruộng...Song song đó, nhà nước cần hỗ trợ cho các nhà máy nguồn vốn vay ưu đãi để các doanh nghiệp có đủ vốn thu mua mía nhanh cho bà con.

Ông Lê Xuân-Cục trưởng Cục Chế biến Thương mại Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông Nghiệp-Phát triển Nông thôn) cho biết: Vụ mía 2008-2009 này bà con nông dân đang gặp nhiều khó khăn do đó các doanh nghiệp phải chia sẻ với người trồng mía, cụ thể là tham gia thu mua hết mía nguyên liệu cho nông dân Hậu Giang và ĐBSCL với giá thu mua cao nhất có thể, bảo đảm cho nông dân có lãi mà doanh nghiệp có thể hòa vốn. Các doanh nghiệp phải đoàn kết và chia sẻ lợi ích với nhau để cùng nhau phát triển dưới sự chủ trì của Hiệp hội mía đường. Cần tính toán lại công tác thu mua trực tiếp mía của dân tránh để thương lái chi phối như hiện nay. Bộ Nông Nghiệp-PTNT và Ngân hàng Nhà nước sẽ bàn bạc về vấn đề vốn cho các nhà máy đảm bảo đủ vốn thu mua mía của dân. Bộ Nông nghiệp cũng sẽ kiến nghị với Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các ngành chức năng tăng cường hơn nữa công tác chống buôn lậu đường từ biên giới sang Việt Nam.../.



Nguồn: agroviet.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường