Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cơ giới hóa sản xuất mía ở Phú Yên
24 | 08 | 2008
Phú Yên có đến 20.000 ha mía. Tuy nhiên nhiều năm qua, năng suất mía chỉ đạt trên dưới 50 tấn/ha. Năng suất mía thấp, đẩy giá thành sản xuất quá cao, nông dân chưa thực sự an tâm gắn bó với cây mía.
Chính vì thế, việc đầu tư triển khai dự án khoa học công nghệ “Khảo nghiệm ứng dụng tiến bộ cơ giới vào canh tác mía trên địa bàn Phú Yên” do Cty CP mía đường Tuy Hoà chủ trì thực hiện suốt 3 năm qua đã bước đầu tạo ra những đột phá trong sản xuất mía trên vùng đất nghèo Phú Yên.

Kỹ sư Trương Minh Hải, Phó Giám đốc Cty- chủ nhiệm dự án cho biết: “Bằng việc áp dụng cơ giới hoá trên đồng mía, chúng tôi đã đưa năng suất mía vùng nguyên liệu công ty trung bình lên trên 60 tấn/ha. Có những diện tích đã cho năng suất trên 100 tấn/ha. Không những thế, việc áp dụng cơ giới hoá trên đồng mía bằng kỹ thuật cày sâu đến chăm sóc bằng cơ giới kết hợp kỹ thuật vùi lá mía đã giảm thiểu khô hạn đồng thời giúp cây mía chống đổ ngã rất hiệu quả”.

Trong thời gian nghiên cứu, Cty đã tiến hành khảo nghiệm hàng loạt thiết bị tại 3 mô hình: mô hình đất ruộng lúa 1 vụ chuyển trồng mía, mô hình đất gò đồi không có nguồn nước tưới và mô hình đất soi bãi ven sông, suối. Qua khảo nghiệm đã đạt được chất lượng cày sâu từ 30 – 40 cm, có nơi đạt đến 45 cm, trong những năm canh tác tiếp theo có thể đạt độ sâu cày đến 50 – 60 cm, là độ sâu lý tưởng cho cây mía sinh trưởng và phát triển tốt trên đất khô hạn.

Khâu rạch hàng kết hợp bón phân đã tạo điều kiện cho khâu trồng mía kịp thời vụ, bón lót kịp thời, đúng kỹ thuật, giúp cây mía mọc nhanh, đồng đều, tận dụng tốt lượng phân bón cho đất. Khâu làm cỏ bón phân giải quyết tốt vấn đề thời vụ, chất lượng chăm sóc vốn là một trong những áp lực của vùng trồng mía miền Trung, đồng thời tạo điều kiện cho cây mía sử dụng tốt lượng phân bón vào đất. Khâu băm lá mía, cắt gốc mía sau thu hoạch làm tăng cao khả năng tái sinh đồng loạt, không phải đốt lá theo cách truyền thống, giữ ẩm, làm tăng độ mùn, chống rửa trôi, thoái hoá đất. Các khâu canh tác phụ trợ khác đều cho những kết quả khả quan.

Có dịp theo chân những người làm dự án đến những ruộng mía mà Cty cổ phần mía đường Tuy Hoà khảo nghiệm, hầu hết những hộ nông dân tham gia dự án rất phấn khởi với những kết quả đạt được. Ông Nguyễn Súng, còn gọi là Năm Súng ở Buôn Ken, xã EaBar, huyện miền núi Sông Hinh là người ham mê ứng dụng KHKT vào nông nghiệp, lại được sự thuyết phục của các nhà khoa học trường Đại học Nông lâm và các thành viên dự án. Ông quyết định đưa toàn bộ 10 ha đất của mình dự định trồng mía để Dự án tiến hành khảo nghiệm vào năm đầu triển khai.

Ông nói: “Tôi cũng có chút hiểu biết về kỹ thuật nông nghiệp, nghe mấy chú nói tác dụng của việc cơ giới hoá, tôi tin tưởng lắm!”. Kết quả vụ mía đầu tiên, diện tích mía của ông Năm Súng cho năng suất, chất lượng cao nhất vùng. Với chân đất hoàn toàn dựa vào nước trời, năng suất 5 ha mía tơ khảo nghiệm đã đạt bình quân 96 tấn/ha, chữ đường đạt 10,5 CCS, cho thu 161.280.000 đ, trừ chi phí còn lợi nhuận 88.315.000 đ (gần gấp đôi so 5 ha mía đối chứng). Từ thắng lợi đó ông đã tiếp tục thực hiện qui trình chăm sóc mía bằng cơ giới cho 2 vụ mía gốc tiếp theo. Các vụ sau, mía của ông vẫn cho năng suất, chữ đường bình quân và lợi nhuận cao nhất trong vùng.

Tất cả những điểm khảo nghiệm tại các huyện khác đều cho hiệu quả tương đương. Năng suất mía bình quân đạt từ 80 đến trên 90 tấn/ha, thu từ 30 đến trên 50 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận trên 40%.

Từ những kết quả khảo nghiệm đạt được, hiện nay Cty CP mía đường Tuy Hoà đã áp dụng cơ giới hoá trên khâu làm đất trên 80% diện tích vùng nguyên liệu của Cty và 30% diện tích được áp dụng cơ giới hoá trong khâu chăm sóc.




Nguồn: chebien.gov
Báo cáo phân tích thị trường