Mở rộng vùng mía chuyên canh
Tổng Giám đốc Công ty CP đường Quảng Ngãi Võ Thành Ðàng cho biết: Hiện nay Nhà máy đường Phổ Phong đang bước vào những tháng cao điểm vụ ép mía 2010-2011 với công suất ép đã mở rộng từ 1.000 tấn lên 2.000 tấn mía/ngày. Nhà máy có hơn 130 xe chuyên dụng vận chuyển mía bảo đảm cho nhà máy sản xuất ba ca liên tục và tiêu thụ hết sản lượng mía cho nông dân. Những ngày này, tại cổng nhà máy hàng chục xe mía nối đuôi nhau vào bàn cân, lấy chữ đường rất nhộn nhịp. Trên đồng mía, nông dân 'ra quân' thu hoạch nhanh những vùng mía chín sớm. Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 5.100 ha mía với sản lượng hơn 220 nghìn tấn mía cây (trong đó vùng mía chuyên canh hơn 1.400 ha) có một phần hai diện tích được trồng giống mía mới và ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, cho nên năng suất bình quân đạt hơn 80 tấn/ha. Với giá mua mía của nhà máy tại ruộng hiện nay là một triệu đồng/tấn (10 chữ đường), người trồng mía thu hơn 70 triệu đồng/ha, trừ chi phí sản xuất còn lãi gần 34 triệu đồng.
Nét mới trong vụ mía năm nay là nông dân trồng mía ở Quảng Ngãi đã thay đổi được nếp nghĩ, cách làm. Hiện nay với hàng nghìn hộ đã tham gia trồng mía bằng biện pháp thâm canh, bảo đảm tăng năng suất, chữ đường. Nhiều địa phương trong vùng trọng điểm mía đã tiến hành quy hoạch đất đai, thực hiện dồn điền, đổi thửa và giao lại ruộng đất cho nông dân trồng mía. Với cách làm này, nhiều nông dân đã tích tụ được ruộng, đất và có điều kiện đầu tư mở rộng các vùng sản xuất chuyên canh mía. Nếu trước đây, nông dân sản xuất cây mía theo hình thức manh mún thì nay nhiều hộ thuê đất trồng mía đã trở thành 'ông chủ' với vài chục ha mía và mức thu nhập đã lên tới hàng trăm triệu đồng/năm. Tổng Giám đốc Công ty CP đường Quảng Ngãi khẳng định: Sự phát triển nhanh các vùng nguyên liệu mía hiện nay là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Ðặc biệt, các địa phương đã vận động nông dân thực hiện dồn điền, đổi thửa, đưa cơ giới hóa vào đồng mía và thực hiện được hài hòa lợi ích của bốn nhà (nhà nông, nhà máy, nhà khoa học và Nhà nước). Ðây được coi là những yếu tố kích thích để nông dân làm chủ thật sự và có điều kiện đầu tư đúng mức vào đồng mía chuyên canh tập trung, bảo đảm tăng năng suất, chữ đường, giảm chi phí sản xuất và đạt hiệu quả kinh tế cao...
Có thể thấy, nông dân Quảng Ngãi hiện nay thực hiện dồn điền, đổi thửa và tích tụ đất trồng mía ngày càng nhiều. Ðây là bước đi đúng hướng theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tỉnh đã thành lập thí điểm năm HTX chuyên canh mía và chăn nuôi, từng bước tạo được quỹ đất lớn và đã thu hút được nhiều xã viên tham gia trồng mía như: HTX Bình Tân, HTX Bình Khương (Bình Sơn), HTX Tú Sơn (Mộ Ðức), HTX Tịnh Giang (Sơn Tịnh) và đặc biệt HTX Phổ Nhơn (huyện Ðức Phổ) vụ này có 250 hộ tham gia đã trồng gần 300 ha mía, năng suất bình quân đạt 75 tấn/ha. Năm HTX chuyên canh mía đang phối hợp chặt chẽ với nhà máy đường, bảo đảm thực hiện tốt việc dồn điền, đổi thửa và tập trung xây dựng vùng mía chuyên canh đạt năng suất, chữ đường cao. HTX cũng bảo đảm cung ứng các dịch vụ kịp thời trong chương trình phát triển, đầu tư thâm canh cây mía đối với nông dân. (HTX chủ yếu cung ứng về dịch vụ kỹ thuật, phân bón, điều phối nhân công và hướng dẫn trồng, chăm bón, tưới tiêu và thu hoạch mía). Trao đổi ý kiến với chúng tôi về phát triển vùng nguyên liệu mía, Phó Giám đốc Nhà máy đường Phổ Phong Hồ Văn Vân cho biết: Trong vụ mía năm nay, nhà máy đã cho nông dân mượn vốn trồng mía không tính lãi với gần 40 tỷ đồng (trong đó vùng mía chuyên canh được nhà máy đầu tư khâu làm đất, giống, phân bón và công trồng, chăm bón, thu hoạch mía). Nhà máy còn thực hiện ký cam kết với từng hộ trồng mía về năng suất, chất lượng, bảo đảm đạt hơn 80 tấn mía /ha. Vấn đề mà nhà máy chúng tôi quan tâm là xây dựng nhiều vùng mía chuyên canh, bảo đảm thực hiện cho được ba chỉ tiêu: Tăng năng suất, chất lượng cây mía, giảm chi phí sản xuất và đạt hiệu quả kinh tế cao (trong đó chỉ tiêu làm cho người trồng mía có lãi là quan trọng nhất). Nhà máy đang khuyến khích nông dân thực hiện dồn điền, đổi thửa, cải tạo đất và đầu tư thâm canh cây mía. Nhiều diện tích sản xuất một vụ lúa trong năm, năng suất thấp đã được nông dân chuyển sang trồng mía. Nhiều địa phương đã tiến hành quy hoạch, bố trí lại cây trồng và giao ruộng đất cho nông dân phát triển hàng trăm ha mía chuyên canh, với năng suất, chữ đường ngày càng tăng. Nếu như cách đây vài năm, bình quân năng suất mía trong tỉnh chỉ đạt 50 tấn/ha thì vụ này ước đạt hơn 70 tấn/ha (tăng gần 20 tấn/ha)...
Vùng đất trung du Nghĩa Hành, Ðức Phổ vào những ngày giữa tháng 2 này, mía ngút ngàn đang trong mùa thu hoạch. Tại đồng mía chuyên canh Cây Da, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành, tôi gặp nhiều nông dân phấn khởi trong một vụ mía bội thu với năng suất bình quân đạt gần 80 tấn/ha. Ông Lê Cân, ở thôn Bàn Thới, xã Hành Thiện vui vẻ nói: Vài năm gần đây, nhà máy đường có chính sách cho mượn vốn trồng mía, cho nên gia đình đã đầu tư mở rộng diện tích vùng mía chuyên canh với gần một mẫu. Vụ này, gia đình thu hoạch hơn 30 tấn mía, trừ chi phí sản xuất còn lãi hơn 25 triệu đồng. Những cánh đồng mía chuyên canh ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Ðức Phổ, Mộ Ðức, Tư Nghĩa, Sơn Hà, mầu xanh của mía trải dài ngút ngàn trên hàng nghìn ha. Có xã đã thực hiện việc dồn điền, đổi thửa rất tốt và đầu tư phát triển mạnh vùng mía tập trung chuyên canh như xã Bình Tân đã khai thác, cải tạo vùng đất đồi, ven biển trồng hơn 180 ha mía thâm canh. Chủ tịch UBND xã Bình Tân cho biết: Xã chúng tôi xác định cây mía là một trong những cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, hai năm gần đây, xã đã tiến hành dồn điền, đổi thửa và chuyển hàng chục ha ruộng lúa một vụ, năng suất thấp sang trồng mía. Hiện nay cả xã có 800 hộ tham gia trồng mía, với diện tích mía đã trồng hàng trăm ha (trong đó có 30 ha mía trồng liên vùng bằng giống mía mới). Hầu hết những vùng mía trồng trên diện tích dồn điền, đổi thửa và đầu tư thâm canh theo quy trình kỹ thuật của nhà máy đường hướng dẫn, năng suất đều đạt hơn 80 tấn mía/ha. Người trồng mía sau khi trừ các khoản chi phí sản xuất vẫn còn có lãi cao (với một ha mía vùng chuyên canh đã tạo ra mức lãi ròng khoảng 36 triệu đồng theo giá bán mía cho nhà máy hiện nay). Giám đốc Nhà máy đường Phổ Phong Trần Văn Lợi phấn khởi nói: Vụ sản xuất mía năm nay, nhà máy chúng tôi đã liên kết chặt chẽ với nông dân đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu mía tập trung. Nhiều giống mía cũ, năng suất thấp đã loại bỏ, thay thế vào các bộ giống mía mới như rooc 27, QÐ 93, B85, K88-65, K88-92... Một số đồng mía trước đây nông dân sản xuất manh mún thì nay đã thực hiện dồn điền, đổi thửa rất thuận lợi cho việc sản xuất chuyên canh cây mía. Nhiều nông dân ở xã Phổ Nhơn, Phổ Phong huyện Ðức Phổ, năm nay đã thuê hàng chục ha đất của Nông trường 24-3 để đầu tư trồng mía chuyên canh, với giống mía mới cho năng suất cao. Có người không những mở rộng diện tích mía lên đất đồi mà còn thuê thêm hàng chục ha ruộng bạc màu để cải tạo và đầu tư mở rộng vùng mía chuyên canh tập trung có hiệu quả...
Nông dân bán mía cho Nhà máy đường Phổ Phong (Quảng Ngãi).
Ðưa cơ giới hóa vào đồng mía
Có thể thấy, từ kết quả việc dồn điền, đổi thửa ở những vùng trọng điểm mía đã tạo thuận lợi cho Nhà máy đường Phổ Phong thực hiện đưa cơ giới hóa vào đồng mía. Ðồng thời ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào vùng mía chuyên canh, bảo đảm phát triển ổn định, với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Từ năm 2007 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp chặt chẽ với nhà máy đường thực hiện thành công Dự án 'Dồn điền, đổi thửa, kết hợp cơ giới hóa và cải tạo nông hóa ruộng mía'. Ðây là mô hình hỗ trợ cho nông dân trồng mía về quy trình kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả cây mía. Từ dự án này, vụ mía năm nay, nhà máy đường đã sử dụng hàng chục chiếc máy cày, máy băm phục vụ quy trình làm đất bốn khâu và thực hiện trồng mía bằng máy với hàng cách hàng 1,6 m có hiệu quả. Riêng đồng bào Hrê ở xã Ba Dinh, Ba Tô (huyện Ba Tơ) lần đầu thực hiện Dự án trồng mía trên đất gò đồi, ruộng bậc thang với khoảng 400 ha. Toàn bộ khâu làm đất, trồng bằng cơ giới với khả năng lưu gốc mía từ 4 đến 5 năm và năng suất, chữ đường đạt rất cao. Hiện nay không những nhà máy đường làm đất bằng cơ giới, sử dụng máy trồng mía mà bước đầu đã sử dụng máy bón phân, làm cỏ, vun hàng, xén rễ cho cây mía. Máy liên hợp thu hoạch mía bằng cách chặt, rãi hàng; máy bốc mía lên xe và máy bóc mía, lấy chữ đường tại ruộng mía cũng sẵn sàng vào cuộc, phục vụ thu hoạch mía cho nông dân. Việc đưa cơ giới hóa vào đồng mía là một thành công lớn đối với nhà máy đường, không những giải quyết được lao động thời vụ mà còn tác dụng trong quy trình thâm canh tăng năng suất, chất lượng cây mía.
Hình thức tổ chức trồng mía thâm canh bằng cách dồn điền, đổi thửa, sử dụng cơ giới hóa và ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật đã tạo bước ngoặt lớn về phát triển vùng nguyên liệu mía ổn định. Nhiều hộ nông dân có thời kỳ quay lưng lại với cây mía thì nay đã bắt đầu thuê đất, đầu tư vốn, kỹ thuật, phát triển vùng mía chuyên canh với hàng trăm ha. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu toàn tỉnh trồng khoảng 6.000 ha mía đến năm 2012, ngành mía đường Quảng Ngãi cần khắc phục những yếu kém về khâu đầu tư cơ sở hạ tầng cho những vùng mía chuyên canh tập trung. Tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa việc dồn điền, đổi thửa, và cho nông dân vay vốn trồng mía. Nhà máy có chính sách hỗ trợ, bảo hiểm giá mía ổn định lâu dài cho nông dân. Có như vậy, nông dân sẽ mạnh dạn đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía ổn định, bảo đảm cho nhà máy đường hoạt động có hiệu quả.