Tháng 3, trở lại huyện Sơn Tịnh – vùng trọng điểm mía của tỉnh Quảng Ngãi. Đâu rồi những cánh đồng mía xanh ngút ngàn dọc bờ sông Trà từ Tịnh Hà, Tịnh Minh, Tịnh Giang. Con sông Trà bao đời miệt mài mang phù sa bồi đắp cho vùng hạ lưu quanh năm tươi xanh ruộng mía, bãi dâu. Theo năm tháng “vật đổi sao dời”, bây giờ chỉ thấy đây đó đám mía trồng xen lẫn với sắn, chuối, lạc, lúa…
Ông Bùi Đức Thoàng, nông dân thôn Cộng Hòa 2, xã Tịnh Ấn Tây, huyện Sơn Tịnh đang tưới nước mía cho biết: “Vụ rồi, tui trồng 15 sào mía, được hơn 45 tấn, thu gần 20 triệu đồng, trừ vốn liếng, chi phí nhân công chẳng còn bao nhiêu. Lãi không được bao nhiêu. Cây mía không hiệu quả thì người chuyển sang trồng cây khác. Nông dân thì vậy thôi, cái gì lợi thì làm. Chỗ nào chủ động được nước thì trồng lúa, trồng hoa màu khác lợi hơn…”
Từ bao đời, Quảng Ngãi là vùng đất nổi tiếng với nghề trồng mía làm đường. Có năm diện tích mía cả tỉnh gần 14.000 hecta, sản lượng trên 650 nghìn tấn, ngành mía đường đóng góp trên một phần ba ngân sách địa phương.
Thế nhưng mấy năm gần đây, diện tích mía của Quảng Ngãi ngày một thu hẹp. Vụ mía 2007-2008, cả tỉnh chỉ còn hơn 7.300 ha mía, năm nay, kế hoạch phát triển lên 8.500 ha nhưng lại giảm xuống gần 6.000 ha, sản lượng khoảng 290.000 tấn, đáp ứng một nửa nhu cầu hoạt động của 2 nhà máy đường trong tỉnh.
Nguyên nhân diện tích mía ở Quảng Ngãi giảm liên tục thì có nhiều. Nhưng chung qui là vì mấy năm gần đây, khi có nước thủy lợi Thạch Nham, diện tích đất màu mỡ, chủ động nước tưới, người dân đều chuyển sang trồng các cây trồng khác như ngô lai, lạc, chuối, sắn… hiệu quả kinh tế cao hơn. Chỉ diện tích gò đồi, đất bạc màu thiếu nước mới dành để trồng mía. Vì vậy năng suất mía chỉ đạt bình quân 40 đến 45 tấn/ha, chất lượng mía cây thấp, dưới 10 chữ đường.
Thêm nữa, làm mía đòi hỏi nhân công chăm sóc nhiều nhưng gần đây, lao động nông thôn đua nhau vào thành phố kiếm việc làm. Mùa thu hoạch, trồng mía mới, đồng mía khan hiếm lao động, giá nhân công tăng cao, người trồng mía không có lãi, dẫn đến phá bỏ cây mía.
Mấy năm gần đây, tỉnh Quảng Ngãi ban hành chính sách phát triển vùng mía, xây dựng thí điểm 2 Hợp tác xã chuyên canh mía kết hợp chăn nuôi Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh và Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ. Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi hỗ trợ cơ giới hoá khâu làm đất, trồng mía, đưa giống mới như B85, MEX 105 vào trồng. Nhờ thực hiện đúng kỹ thuật, năng suất mía đạt bình quân từ 80 tấn/ha trở lên, nhiều hộ đạt năng suất từ 100 đến 120 tấn/ha.
Ông Phạm Văn Năm, Chủ nhiệm Hợp tác xã chuyên canh mía Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ cho biết, hộ trồng nhiều, mỗi vụ thu 300 đến 400 tấn mía. Với giá mua bình quân 450 nghìn đồng trở lên cho 1 tấn mía 10 chữ đường, trừ chi phí, người trồng mía lãi bình quân từ 20 đến 25 triệu đồng/ha.
Ông Phạm Văn Năm nói: “Làm mía mà thực hiện đúng qui trình thì năng suất cao. Cùng một đồng mía, cùng một giống mía nhưng ở ngoài không làm đúng kỹ thuật, năng suất chỉ đạt 50- 60 tấn/ha. Vùng qui hoạch năng suất đạt trên 100 tấn/ha. Đường giao thông, nhà cửa, xe cộ cũng từ cây mía mà ra. Trồng mía đạt hiệu quả như vậy, dân trong xã sẽ phát triển rộng diện tích trong thời gian tới lên khoảng 450 ha”.
Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi dành một phần lợi nhuận để phát triển vùng nguyên liệu thông qua việc đầu tư giao thông, thuỷ lợi, cho nông dân vay vốn không tính lãi, cung ứng giống mía mới, bảo hiểm giá mua mía 10 chữ đường tại ruộng giúp bà con yên tâm sản xuất… Chỉ tính riêng vụ mía 2008-2009, Công ty đầu tư trên 36 tỷ đồng cho công tác này. Đến nay, diện tích mía giống mới toàn tỉnh tăng lên 1.900 ha, diện tích mía theo mô hình dồn điền, đổi thửa đạt 383 ha.
Ông Tạ Công Tường, Phó Giám đốc Nhà máy đường Phổ Phong, Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi cho biết: “Ngoài việc đầu tư vốn giống, kỹ thuật… chúng tôi còn phải bảo hiểm giá mua mía và chữ đường để nông dân yên tâm. Chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này ra toàn tỉnh. Định hướng trong năm 2009 và 2010, phát triển vùng mía đồn điền đổi thửa lên 600 ha”.
Thực tế cho thấy, nếu có cơ chế, chính sách đầu tư hài hoà lợi ích của nông dân với doanh nghiệp, Ngành nông nghịêp làm tốt công tác khuyến nông, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất cây trồng, việc qui hoạch phát triển vùng nguyên liệu cần thực tế hơn thì người trồng mía vẫn có lãi, diện tích mía sẽ được phục hồi.
Ông Nguyễn Văn Công, Trưởng phòng Nông nghịêp và Phát triển nông thôn huỵên Sơn Tịnh cho rằng: “Những vùng qui hoạch mía trước đây thường là đất bạc màu, việc đầu tư cũng chưa đến nơi đến chốn, nên năng suất chưa cao. Nếu quan tâm nghiên cứu, dành cho mía diện tích đất màu mỡ, chịu khó đầu tư thì nông dân vẫn có lãi, diện tích mía sẽ tăng”.
Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với công nghiệp chế biến là hướng đi đúng để phát triển một ngành nông nghiệp bền vững. Với cây mía Quảng Ngãi, điều cần thiết lúc này là thay đổi tư duy qui hoạch vùng nguyên liệu. Sự thay đổi phải bắt đầu tư các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và ngành Nông nghiệp- Phát triển nông thôn theo hướng tăng năng suất và chất lượng cây mía, nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích, đem lại thu nhập ngày càng cao cho người trồng mía, hơn là cứ chạy đua qui hoạch diện tích một cách tràn lan. Để rồi, những con số về diện tích, sản lượng, những chỉ tiêu nghị quyết về việc phát triển vùng nguyên liệu mía vẫn mãi mãi là con số khô khan. Chính quyền, ngành chức năng và các doanh nghiệp ở Quảng Ngãi không thể để nông dân đơn độc trên đồng đất quê mình.