Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cây sắn “cắn” cây mía
10 | 08 | 2010
Mấy năm qua, cây sắn (mì) đã giành giật thị phần khá quyết liệt với các loại cây trồng khác trên đất Quảng Ngãi, nhất là cây mía. Và cho đến vụ mía năm 2010 này, cây sắn đã chính thức “khai tử” thêm một nhà máy đường nữa của Quảng Ngãi - một tỉnh được xem là thủ phủ mía đường miền Trung suốt 37 năm qua. Do đó, việc quyết định di dời để sáp nhập Nhà máy đường Quảng Phú (Quảng Ngãi) vào Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) của Hội đồng Quản trị Công ty CP đường Quảng Ngãi không làm mọi người ngạc nhiên.

Hai năm trước, tỉnh Quảng Ngãi có hai nhà máy chế biến tinh bột sắn tạo ra cuộc cạnh tranh vùng nguyên liệu gay gắt giữa mía và sắn. Xe mua sắn tươi của thương lái lùng vào tận các hang cùng ngõ hẻm, lên tận các huyện miền núi để mua sắn chở về. Điều này trả lời vì sao số diện tích trồng sắn tăng đến chóng mặt.

Xã Tịnh Ấn Tây trước đây có diện tích đất trồng mía lớn nhất nhì của huyện Sơn Tịnh, nay 2/3 số diện tích mía đã bị cây sắn hạ gục. Còn khoảng hai tháng nữa mới đến kỳ thu hoạch cây sắn nhưng những ngày này người dân ở thôn Độc Lập đã đổ xô bán củ sắn tươi tại ruộng cho tư thương.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hai cho biết: “Nếu năm ngoái mỗi tấn sắn tươi bán tại ruộng được 400.000 đến 500.000 đồng, thì năm nay giá lên đến 900.000 đồng/tấn. Nếu cắt sắn thành lát phơi khô, tư thương mua đến 1,8 triệu đồng/tấn. Trong khi sắn trồng được hai vụ/năm, công và chi phí chăm sóc thấp, lại không bị tư thương hay nhà máy ép giá. Còn mía sản xuất được một vụ/năm giá chỉ từ 700.000 - 750.000 đồng/tấn. Có vụ mía đạt 10 chữ đường, lại còn bị nhà máy chê ỏng chê eo”.

Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa ép mía là các nhà máy đường miền Trung phải đóng cửa sản xuất sớm ít nhất 2 - 3 tháng do không tìm đâu ra nguyên liệu. Thiếu mía, cuộc chiến giành thu mua mía nguyên liệu đã từng nổ ra nhiều lần giữa Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.

Lịch sử phát triển các nhà máy đường ở miền Trung ghi nhận: Năm 1999, Nhà máy đường Phong Điền, xây dựng tại huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) sau khi xây dựng xong, do không có nguyên liệu đã được chuyển vào nhà máy đường Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên). Sau đó là Nhà máy đường Quảng Nam và bây giờ đến lượt Nhà máy đường Quảng Phú (tỉnh Quảng Ngãi), nơi được coi là thủ phủ mía đường của miền Trung hàng mấy chục năm qua, cũng “đội nón” ra đi.

Với tình trạng vùng nguyên liệu ngày càng bị thu hẹp như hiện nay, ai dám chắc là sẽ không có thêm nhà máy đường nào ở miền Trung sẽ không đóng cửa?!



Theo SGGP Online
Báo cáo phân tích thị trường