Trong nước, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi liên tục tăng trong quý 2, đặc biệt là cám gạo và ngô. Mặt hàng cám gạo đã tăng tới 50% so với thời cùng kỳ năm ngoái, lên mức 1.468 đồng/kg. Các mặt hàng khác như đậu tương, ngô, cám ngô cũng tăng từ 8- 26% so với cùng thời điểm năm trước.
Thời tiết khô hạn, nắng nóng kéo dài, cộng với tình trạng cắt điện liên tục xảy trên phạm vi cả nước thời gian qua cũng đã khiến các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi “bội chi” không nhỏ.
“Toàn ngành với hơn 100 nhà máy, để đảm bảo sản xuất buộc phải sử dụng máy phát điện, riêng nhiên liệu các doanh nghiệp đã phải chi thêm cả chục triệu USD”, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết.
Trong khi đó, bệnh tai xanh ở lợn (PRRS) lại bùng phát trên diện rộng. Số lượng lợn bị chết, phải tiêu hủy lớn. Người tiêu dùng thì “quay lưng” với thịt lợn đã khiến giá mặt hàng này liên tục giảm xuống. Nhiều hộ chăn nuôi chán nản phải giảm đàn, thậm chí ngừng sản xuất. Những điều này đã khiến nhu cầu tiêu thụ thức ăn nuôi giảm mạnh trong thời gian vừa qua. Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lại phải đối mặt với vấn đề sản phẩm bị tồn kho vì không tiêu thụ được.
Qua phân tích các yếu tố đã tác động đến thị trường thức ăn chăn nuôi trong quý 2, báo cáo chuyên đề về ngành hàng này của Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn (AGROINFO), thuộc Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp đã đưa ra hai kịch bản có thể xảy ra đối với thức ăn chăn nuôi trong nước những tháng cuối năm.
Kịch bản đầu tiên, khi nhu cầu tiêu dùng và chăn nuôi tăng mạnh trở lại sẽ đẩy giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Khả năng này có thể xảy ra nếu giá nguyên liệu nhập khẩu tăng lên trong thời gian tới. Hiện ngành chăn nuôi nước ta mỗi năm cần khoảng 17-18 triệu tấn thức ăn, nhưng trong nước mới chỉ đáp ứng được 50%. Trong số khoảng 8,5 triệu tấn thức ăn chăn nuôi công nghiệp được sản xuất mỗi năm, các nhà máy chế biến vẫn phải nhập khẩu tới 3,7 triệu tấn nguyên liệu.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Hải Hưng chuyên gia về ngành hàng này của AGROINFO, khả năng trên ít xảy ra vì nguồn cung nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trên thế giới đang dồi dào. Bên cạnh đó, lượng thịt nhập khẩu vào Việt Nam trong thời gian qua đã bám sát diễn biến cung cầu của thị trường.
Theo kịch bản thứ hai, do cung cầu ổn định nên giá thức ăn chăn nuôi chỉ tăng nhẹ. Điều này xảy ra trong trường hợp chi phí nhập khẩu nguyên liệu không tăng. Khi đó, nhập khẩu sẽ bù đắp lượng thiếu hụt nguyên liệu trong nước để sản xuất ra các sản phẩm thức ăn chăn nuôi với giá thành ở mức trung bình. Nhưng giá bán thức ăn chăn nuôi vẫn khó có khả năng giảm vì đây là thời vụ chăn nuôi chính trong năm.
Theo dự báo của ông Lê Bá Lịch thì nhiều khả năng những tháng cuối năm thị trường thức ăn chăn nuôi sẽ diễn biến theo kịch bản thứ hai. Lý do là trong quý 2, giá các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trên thế giới liên tục giảm.
Trong đó, giá bột cá tháng 6 đã giảm hơn 90 USD/tấn so với tháng 5 và đứng ở mức là 1.817 USD/tấn. Giá ngô tháng 6 so với tháng 5, cũng đã giảm 10,35 USD/tấn, xuống mức 152,8 USD/tấn, gần chạm mức giá thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Cùng với đó là đậu tương năm nay được mùa nên lượng cung tăng mạnh. Những điều này sẽ giúp cho giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước không bị đẩy lên quá cao.