Không thiếu tiềm năng nhưng hàng hóa sản xuất chưa tìm được thị trường tiêu thụ ổn định. Người làm nông nghiệp tại TP.HCM vẫn đang sống bấp bênh trên những sản phẩm do chính mình làm ra. Đó là những phản ánh được nêu lên ở chương trình Nói và làm tháng 7 do HĐND TP và Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức sáng 4-7.
Thiếu đầu ra
Mở đầu, những người thực hiện chương trình đã nhắc lại lời hứa của lãnh đạo TP với bà con nông dân khi chương trình Nói và làm diễn ra tại huyện Củ Chi tháng 9-2008. Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, điểm lại một số điểm mà TP làm được trong nông nghiệp. Theo đó, TP đã quy hoạch vùng phát triển nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020; xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao; chuyển giao nhiều chương trình khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân… Đáng chú ý, với Quyết định 15 (thay cho Quyết định 105) đã tạo điều kiện cho nông dân vay vốn sản xuất nhiều hơn, thời gian kéo dài hơn. Sáu tháng đầu năm nay, giá trị nông nghiệp TP.HCM tăng 7,6%.
Tuy nhiên, những thành quả kể trên chưa làm người sản xuất hài lòng. Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Thỏ Việt (Củ Chi) - đơn vị có khả năng cung cấp 7 tấn rau/ngày cho TP.HCM, cho biết khó khăn nhất vẫn là tìm thị trường tiêu thụ cho rau quả. Hiện HTX Thỏ Việt sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap và cung cấp cho Co.op Mart, Metro, BigC… nhưng cũng chỉ tiêu thụ hết 60-70 sản lượng rau làm ra, còn lại phải bỏ đi. Chưa kể, có siêu thị như Co.op Mart bắt giao hàng kiểu gối đầu (giao hàng trước, nhận tiền sau) khiến nông dân gặp nhiều khó khăn do ít vốn.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), cho biết sản xuất rau sạch bí đầu ra là điều đáng buồn bởi nhu cầu rau sạch của TP.HCM ngày càng cao, tăng 60%/năm. Hiện mỗi ngày hệ thống Co.op Mart tiêu thụ hết 50 tấn, riêng tại TP.HCM là 12-14 tấn.
Sản xuất manh mún
Ông Nguyễn Đăng Nghĩa, đại biểu HĐND TP.HCM, đặt vấn đề: “Chỉ một HTX rau sạch có diện tích 5 ha mà còn gặp khó khăn như thế, vậy các lĩnh vực nông nghiệp khác như bò sữa, hoa, cá sấu… thì sao?”. Theo ông Nghĩa, với hơn 10 triệu dân, đời sống thu nhập cao thì không có tỉnh/thành nào trên cả nước tiêu thụ nông sản tốt hơn TP.HCM.
Ông Nguyễn Minh Khánh, Chủ nhiệm HTX Tân Thông Hội (Củ Chi), cho biết giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh trong một thời gian dài trong khi giá thu mua sữa không tăng khiến nhiều hộ chăn nuôi bò sữa gặp khó khăn. Về điều này, ông Lê Thanh Liêm cho biết qua số liệu thì thấy số lượng bò sữa ở TP trong những năm qua tăng chứ không giảm. Cho nên vấn đề người nuôi bò không hiệu quả cần phải xem xét ở hai hướng: phía công ty đảm bảo giá thu mua sữa nhưng người chăn nuôi phải tìm cách hạ giá thành chăn nuôi xuống mới có lãi.
Ông Lưu Văn Tân, trưởng bộ phận chăn nuôi bò sữa của Công ty Sữa Friesland Campina, cho biết giá thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam quá cao chính là nguyên nhân khiến người nuôi bò bị lỗ.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, trong sản xuất rau sạch, yếu tố kho lạnh rất quan trọng nhằm dự trữ, bảo quản rau cung cấp cho dịp cao điểm cuối tuần. Tuy nhiên, chi phí xây dựng kho lạnh rất cao, HTX không thể làm nổi nếu không có sự giúp đỡ của nhà nước, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, cho biết thực trạng chung nông dân tại TP.HCM vẫn sản xuất nhỏ, manh mún. Cho nên việc cần làm là phải tìm cách liên kết sản xuất, liên kết bốn nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà nước và doanh nghiệp).