Đồng loạt tăng
Tại các tỉnh ĐBSCL, giá các loại gạo nguyên liệu tiếp tục tăng thêm từ 50-100 đồng/kg. Mới đây, gạo thành phẩm 5% đã lên 5.400 đồng/kg, tức là tăng 420 đồng/kg (8,4%) so với giữa tháng 11; so với đầu năm 2007 tăng khoảng 25%.
So với cùng kỳ năm ngoái, trong 10 tháng đầu năm, lượng hạt điều xuất khẩu chỉ tăng gần 19% nhưng giá trị lại tăng đến 26%. Giá điều xuất khẩu vẫn tăng tiếp trong tháng 11. Gạo VN cũng được giá trong những tháng cuối năm khi giá xuất khẩu vượt qua gạo Thái Lan. Cà phê của VN cũng chiếm lĩnh nhiều thị trường và có chỗ đứng khá vững trên trường thế giới. Còn về hồ tiêu, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN, cho rằng sẽ duy trì được mức giá cao cho đến 3 năm sau vì hồ tiêu VN chiếm đến 60% lượng cung toàn thị trường.
Theo ghi nhận chung, nguyên nhân tăng giá nông sản hiện nay (trong nước và xuất khẩu) là do khan hiếm nguồn cung, chứ không phải tăng do chất lượng. Trong trường hợp các đối tác chủ động được nguồn hàng, giá nông sản VN sẽ không có “cửa” tăng mạnh như hiện nay, thậm chí để có được hợp đồng xuất khẩu, các doanh nghiệp VN phải chịu hạ giá. Ngoài ra, chỉ việc đáp ứng nhu cầu trong nước cũng là điều đáng phải quan tâm. Chỉ riêng 10 tháng đầu năm nay, khi nhu cầu tiêu thụ thịt heo hằng năm tăng lên thì đàn heo của nước ta vẫn chỉ 26,5 triệu con, ít hơn năm trước; gia cầm có 226 triệu con, chỉ tăng 5,3%; thủy sản nuôi trồng cũng tăng nhẹ; diện tích lúa mùa đã thu hoạch (tính đến giữa tháng 11) là 1,4 triệu ha, chỉ bằng 95% cùng kỳ năm trước. Nếu không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước mà vội ký hợp đồng xuất khẩu, nông sản VN sẽ không tránh khỏi tình trạng ăn đắt, bán rẻ.
Lợi nhuận bị teo tóp
Ngoài ra, một vấn đề mà nông dân lo lắng là dù trực tiếp làm ra sản phẩm nhưng giá trị mà nông dân nhận được không bao nhiêu, trong khi mọi rủi ro từ thiên tai họ đều trực tiếp gánh chịu, chưa kể giá chi phí đầu vào hiện nay (như thức ăn chăn nuôi, phân bón...) đang “rượt” theo giá bán, làm teo tóp lợi nhuận vốn ít ỏi của họ. Giá cả mà người tiêu dùng phải trả so với giá nông dân bán cho thương lái chênh lệch khá xa, trên dưới 50%, có khi đến 70%. Hiện nay, trừ một số siêu thị ở vùng lân cận TPHCM, đa số các siêu thị đều mua hàng từ các công ty chứ chưa tổ chức mạng lưới thu mua trực tiếp từ nông dân. Theo thạc sĩ Nguyễn Minh Định (Đại học Quốc gia TPHCM), chính vì chưa có sự “gặp nhau” trực tiếp giữa nông dân và siêu thị, cho nên giá cả chủ yếu vẫn do thương lái quyết định. Đây là sự bất cập của một nền kinh tế vốn đi lên từ nông nghiệp như ở nước ta với hơn 70% dân số sống bằng nghề nông.