Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông dân chưa có một “bà đỡ” thực sự
28 | 06 | 2008
Tích tụ ruộng đất là cần thiết nhưng nếu không có bước đi phù hợp thì nguy cơ bần cùng hóa một bộ phận nông dân là rất lớn.
Dự kiến tháng 7 tới, đề án “tam nông” sẽ được bàn bạc và quyết định tại hội nghị trung ương. Thời gian qua, cơ quan soạn thảo đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia xung quanh đề án này. Để góp thêm tiếng nói xây dựng đề án, Pháp Luật TP.HCM trân trọng giới thiệu một số cuộc đối thoại với các vị cán bộ lão thành từng gắn bó máu thịt với sự nghiệp nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Ông Nguyễn Đức Triều, nguyên Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam, nói: Ở không ít địa phương, cấp ủy, chính quyền nhận thức chưa đúng về hoạt động của hội nông dân nên khi có việc cần thì mới nhờ, còn không cần thì gạt hội ra rìa. Nhà nước phải có cơ chế để khi nông dân thông qua hội kiến nghị thì phải giải quyết. Cứ nói rằng hội phải có chính kiến nhưng thử hỏi hội có dám nói hay không khi vẫn phụ thuộc vào cấp ủy, vào chính quyền cơ sở.

Nông dân chịu nhiều thiệt thòi nhất
.

Nhiều người thường nhắc đi nhắc lại một nghịch lý: Nước ta đồng đất phì nhiêu, nông dân chăm chỉ, cần cù nhưng vẫn nghèo đói, lạc hậu, khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị ngày càng dãn ra. Theo ông, có bao nhiêu nguyên nhân của thực trạng này?
Ông Nguyễn Đức Triều, nguyên Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam

+ Không thể phủ định rằng từ khi thực hiện “khoán 10” trong nông nghiệp, chúng ta đã cải thiện cả về chất và lượng cuộc sống của nông dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhưng công bằng mà nói thì nông dân bây giờ là tầng lớp nghèo và chịu nhiều thiệt thòi nhất. Một gia đình nông dân ba, bốn khẩu mà chỉ có năm, sáu sào ruộng với năng suất khoảng 1,5 tấn thóc/vụ, trừ chi phí sản xuất thì còn lại không đáng là bao. Làm ruộng nửa năm trời không bằng ra TP làm thuê một tháng.

Vì sao vậy? Thứ nhất, trong khi điều kiện vật chất để một gia đình nông dân nuôi con ăn học tử tế hết sức khó khăn thì nhiều người có trình độ, có xuất thân từ nông thôn, học xong lại bám trụ thành thị. Rốt cuộc là chất lượng lao động, chất lượng trí tuệ ở nông thôn vẫn rất thấp, không thể có hiệu quả lao động cao được.

Thứ hai, nông dân đã nghèo lại phải đóng góp rất nhiều. Hàng năm có tới mấy chục khoản đóng góp trên đầu người. Rồi còn phải góp ngày công lao động công ích để tu bổ đê điều...

Thứ ba, về chính sách xã hội thì nông dân được hưởng rất ít. TP được bao cấp đến vỉa hè, điện, nước, đường giao thông, hưởng thụ văn hóa, sức khỏe, môi trường... trong khi ở nhiều nơi, mức hưởng thụ của nông dân là không đáng kể.

Thứ tư, tuy nông nghiệp chỉ tạo ra hơn 20% GDP nhưng nó là ngành nuôi sống xã hội. Trên 70% lao động là ở nông thôn. Nông dân có vị trí đặc biệt trong giữ gìn an ninh lương thực, an ninh môi trường, an ninh chính trị cho đất nước. Vậy mà mức đầu tư cho nông nghiệp chỉ chiếm chưa đầy 20% ngân sách. Đây là điểm bất hợp lý và không công bằng.

Không nông dân nào muốn bán đất
.

Khi chuẩn bị gia nhập WTO, ông phát biểu trước Quốc hội rằng nông dân chưa sẵn sàng và sẽ phải đương đầu với rất nhiều thua thiệt. Tại sao vậy, thưa ông?

+ Tôi nói nông dân chưa sẵn sàng là vì nông dân nghe nói WTO thì nghe vậy thôi chứ trình độ dân trí mình thế, thông tin ít ỏi như thế, làm sao biết được đâu là thời cơ, đâu là thách thức khi tham gia cái chợ toàn cầu.

Sau khi tham gia WTO, thị trường rộng mở, mang lại nhiều cơ hội nhưng cái thấy trước mắt là giá cả đầu vào tăng nhanh quá mà sản phẩm làm ra thì giá tăng không được bao nhiêu. Lợi lộc của việc tham gia chợ toàn cầu chủ yếu vẫn nằm trong tay các tư thương, đầu nậu, còn người dân thì thiệt đơn, thiệt kép do bị ép cả giá bán (đầu ra) và giá mua (đầu vào). Ở một số nơi thuộc đồng bằng Bắc bộ, nông dân không thiết tha với ruộng đồng nên đã bán rẻ mảnh ruộng mà họ từng gắn bó bao đời. Cá biệt là có nơi nông dân còn bỏ ruộng hoang.

. Nhà nước có chính sách chuộc lại đất để cấp cho người nghèo nhưng ở nhiều nơi, nhất là đồng bằng sông Cửu Long, người dân nhận đất rồi lại bán để đi làm thuê. Vì sao vậy?

+ Không người nông dân nào nói với tôi là họ bán ruộng vì thích đi làm thuê cả. Thực ra là quá nghèo nên phải bán đi. Hơn nữa, vì trình độ hiểu biết khoa học kỹ thuật, trình độ thâm canh của nhiều hộ nông dân còn hạn chế nên kết quả canh tác không cao, phải bán đất cho người khác. Rồi nhiều gia đình gặp rủi ro như ốm đau, bệnh tật, mang nợ nên đành phải đem đất gán nợ.

Tích tụ ruộng đất phải có bước đi

. Được biết, một trong những chính sách đột phá trong “tam nông” là việc cho tích tụ ruộng đất. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

+ Tích tụ ruộng đất là cần thiết, không cho tích tụ thì khó có thể đưa khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất để mở rộng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh. Tích tụ như thế nào thì phải nghiên cứu kỹ và có bước đi phù hợp.

. Nhưng tích tụ chắc chắn sẽ làm quan hệ sản xuất ở nông thôn thay đổi, nghĩa là sẽ xuất hiện ông chủ và người làm thuê. Vậy chúng ta có lo ngại về nguy cơ bần cùng hóa một bộ phận nông dân và sự hình thành một tầng lớp địa chủ mới?

+ Theo quan điểm của tôi, bây giờ chưa nên khuyến khích tích tụ hàng trăm hécta. Một người tích tụ mấy trăm hécta thì cũng đồng thời hàng ngàn người mất ruộng và trở thành người làm thuê, phụ thuộc hoàn toàn vào ông chủ. Nếu như vậy thì nguy cơ một bộ phận nông dân bị bần cùng hóa là không tránh khỏi.

Phải tính rất kỹ bài toán này, trả lời cho được câu hỏi là những người bán, chuyển nhượng, cho thuê đất trong quá trình tích tụ thì họ sẽ làm gì, thu nhập chủ yếu từ đâu. Phải có chính sách dạy nghề, hướng nghiệp, mở ra được thị trường lao động thì nông dân mới yên tâm giao ruộng. Nếu chủ trương này thực hiện trên cơ sở hô khẩu hiệu chung chung, bà con ngộ nhận cứ giao ruộng ào ào thì rất nguy hiểm.

Nông dân phải là trung tâm

. Vậy theo ông, đâu là khâu đột phá trong chiến lược “tam nông”?

+ Nông dân phải là trung tâm của “tam nông”. Tôi cho rằng đầu tư thỏa đáng cho nông nghiệp, nông thôn phải là khâu đột phá. Cạnh đó phải có chính sách đào tạo cán bộ trong hệ thống chính trị ở nông thôn. Mọi hệ thống chính sách của Đảng và nhà nước có đi vào cuộc sống hay không, có thực sự làm chuyển biến tình hình hay không tùy thuộc vào sự chỉ đạo, điều hành của đội ngũ cán bộ cơ sở - bộ não của nông dân.

. Nhiều người tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả của mối liên kết “bốn nhà” trong thời gian qua. Ý kiến của ông như thế nào?

+ Nói trên sách báo và tuyên truyền thì hay nhưng chưa có nhiều mô hình thật sự gắn kết, hiệu quả và bền vững giữa “bốn nhà”. Chúng ta chưa trả lời được câu hỏi ai là người gắn kết “bốn nhà”, ai là trụ cột của “bốn nhà”.

Nông dân sản xuất ra hàng hóa nhưng chưa được chủ động định giá sản phẩm mình làm ra mà hầu hết vẫn bị ép. Tôi chưa thấy có một “bà đỡ” thực sự cho nông dân. Trong khi đó, ông doanh nghiệp ép giá phân thế này, giá thuốc thế kia tôi cũng phải mua. Đến khi làm ra sản phẩm, ông đầu nậu bảo chỉ mua với giá này thôi thì tôi cũng phải bán.

Chúng ta cứ nói công nghiệp hóa nông thôn nhưng nhiều doanh nghiệp bây giờ chỉ đầu tư kiểu hớt váng, mì ăn liền. Nhiều nông dân có sáng kiến cải tạo, sáng chế ra các công cụ rất tiện ích trong sản xuất nhưng anh công nghiệp có nắm bắt lấy cái đó để sản xuất, nhân rộng ra đâu. Đây là một nhược điểm rất lớn...

. Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.



Nguồn: Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường