Việt Nam - Trung Quốc: Những điểm tương đồng...
Kinh tế thị trường là động cơ cải cách
Cả hai quốc gia bắt đầu tiến hành cải cách với trọng tâm chính là mở cửa nền kinh tế và đi theo con đường kinh tế thị trường. Việt Nam đã gia nhập tổ chức WTO và trở thành điểm đến của các nhà đầu tư bởi nguồn nhân lực dồi dào và có cơ sở hạ tầng sản xuất với tính cạnh tranh cao. Người ta từng nhắc đến Việt Nam như một điều thần kì mới của châu Á, một con rồng kinh tế tiếp theo.
Nhưng với lượng vốn đầu tư nước ngoài ngày một nhiều (18 tỉ đô trong năm ngoái), lượng nhập khẩu lớn dần và gây nên tình trạng nhập siêu, sức nóng của đầu tư chẳng mấy chốc đã tạo "cơn sốt" cho nền kinh tế.
Kết quả của những bất cập trong hệ thống ngân hàng nội địa đã khiến tín dụng phình to thêm 54% và tỉ lệ lạm phát vượt ngưỡng 22%. Rõ ràng điều này cho thấy lượng đầu tư xấu có hại nhiều hơn là có lợi, là thủ phạm chính của tình hình kinh tế hiện nay.
Giống như nhiều nước châu Á khác, việc kìm giá nhằm tạo vị thế cạnh tranh cũng là con dao hai lưỡi về lâu dài, khi mà đồng nội tệ không được tạo cơ hội tăng giá.
Trung Quốc cũng đã từng là "con cưng" của các tập đoàn đầu tư liên quốc gia từ một thập kỉ gần đây, bởi những điều kiện kinh doanh hấp dẫn cộng với thị trường tiêu dùng đồ sộ.
Nhưng lực hút của Trung Quốc yếu dần khi lạm phát gia tăng, tình trạng thiếu hụt nhân lực và vấn đề năng lượng trở nên trầm trọng. Cho dù chỉ tính riêng năm ngoái, Trung Quốc thu hút gần 83 tỉ đô đầu tư, nhưng với mức lương công nhân tăng thêm gần 25%, các nhà đầu tư đã bắt đầu chùn bước trước khi quyết định dốc tiền vào Trung Quốc.
Hệ thống chính trị là lợi thế
Tuy thế, khác với các nền kinh tế đang trỗi dậy, Việt Nam và Trung Quốc vẫn là sự lựa chọn của các nhà đầu tư bởi...
Ổn định chính trị là thế mạnh của hai quốc gia với hệ thống nhà nước ổn định và ít biến động này. Yếu tố này không được các nhà đầu tư thổ lộ, nhưng là yếu tố ngầm khi họ cân nhắc quyết định đầu tư.
Rõ ràng, hệ thống đơn đảng không đem đến những xáo trộn bất ngờ trong đội ngũ lãnh đạo hay hệ thống chính sách, đồng thời giữ vững kỉ cương trong quân đội. Đây là điều mà những nước dân chủ trong khu vực như Thái Lan hay Philippines - dễ tổn thương bởi bất ổn chính trị - khó mà đảm bảo được.
...và khác biệt
Tất nhiên, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm khác biệt, về tình hình cũng như về giải pháp.
Năm 2007, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc bao phủ 19 tháng xuất khẩu, trong khi Việt Nam chỉ có 4 tháng. Bên cạnh đó, thặng dư ngân sách của Trung Quốc chiếm 0.7% tổng sản phẩm quốc nội, trong khi thâm hụt của Việt Nam là 4.9%. Thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc là 11.3% GDP, trong khi thâm hụt của Việt Nam là 9.6%.
Chính sách quản lý sát sao của Trung Quốc trong đầu tư nước ngoài ở lĩnh vực địa ốc và chứng khoán là một trong những yếu tố "kéo lại" nền kinh tế. Trung Quốc cũng dần dần đẩy giá đồng nhân dân tệ, từ 2% so với đồng đô la năm 2005 lên tới 18%.
Ngược lại, đồng Việt Nam dần trượt giá cho thấy lãi suất âm và tiền tệ cố định không phải là bạn của nền kinh tế mở.
Trung Quốc trong nỗ lực kiểm soát chặt chẽ cũng đã loại bỏ dần thói quen đánh thuế thấp đối với các công ty do nước ngoài sở hữu. Ngược lại, Việt Nam đưa ra mức thuế bằng không cho các nhà đầu tư nước ngoài trong 4 năm đầu, và chỉ thu một nửa mức thuế thông thường của 10% trong 4 năm tiếp theo.
Vì thế, lượng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đang dần đổ về các nước khác ngoài Trung Quốc. Trong vòng 3 năm trở lại đây, vốn FDI tăng thêm 1/3 tại Trung Quốc. Tương phản với nó là lượng FDI tăng gấp đôi tại Philippines, gấp 5 lần tại Ấn Độ và hơn 8 lần tại Việt Nam.
Những bài học chung
Đã có một vài chuyên gia có ảnh hưởng tại Trung Quốc cho rằng cần phải đẩy lạm phát nội địa lên để sửa sai cho tình trạng mất giá của nội tệ, thay vì việc để cho tỉ giá hối đoái danh nghĩa tăng lên.
|
Lạm phát càng leo cao, nguy cơ gây hại đến tăng trưởng kinh tế trong tương lai càng lớn. (Nguồn: FT) |
Nhận định này có lẽ không còn phù hợp nữa khi lạm phát gây nhiều tổn thương trên nhiều diện. Lạm phát cao đẩy giá thành kinh doanh lên cao, ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu.
Về phía người tiêu dùng, giá cả hàng hóa tăng đột biến kìm hãm khả năng tiêu dùng, đổ sức ép lên tăng trưởng kinh tế. Trọng tâm bành trướng nền kinh tế đã dẫn tới tình trạng quá nóng của nền kinh tế, hi sinh tăng trưởng ngắn hạn.
Nhiều chính sách gia tại các nền kinh tế đang trỗi dậy cho rằng thắt chặt chính sách tiền tệ không phải là "phiếu bảo hành". Họ cho rằng, thủ phạm duy nhất của lạm phát cao là giá cả lương thực và năng lượng, gây nên bởi sốc cung tức thời và đầu cơ. Vì thế, tỉ lệ lãi suất cao hơn cũng chẳng khiến gạo tự đầy đồng và dầu tự đầy giếng. Họ mong đợi tình hình lạm phát sẽ nới lỏng dần về phía cuối năm, khi giá cả cao kích cung tăng trở lại.
Mô hình cung cầu là hoàn toàn có cơ sở để nền kinh tế tự thích ứng và cân bằng trở lại, nhưng sự nhảy vọt đồng loạt của giá lương thực toàn cầu gợi ý rằng câu chuyện không chỉ dừng ở sự bất ổn của lượng cung. Giá cả tăng cũng một phần bởi những điều kiện tiền tệ lỏng lẻo khuyến khích cầu nội địa tăng cao.
Còn đối với nhiều nhà kinh tế học phương Tây, giải pháp có vẻ đơn giản: Các nền kinh tế đang trỗi dậy cần tạo điều kiện cho tỉ giá hối đoái trở nên linh hoạt hơn. Điều này sẽ cho phép họ tăng tỉ lệ lãi suất, và giá trị tiền tệ tăng cao sẽ kiềm chế giá nhập khẩu.
Nhưng quan hệ giữa tỉ giá hối đoái và lạm phát là rất phức tạp. Stephen Jen thuộc Morgan Stanley cho rằng, việc nâng giá có thể khuyến khích các nhà đầu tư mong đợi giá nội tệ tăng cao hơn nữa, dẫn tới dòng tiền đổ vào càng nhiều và (lại) châm ngòi cho lạm phát.
Rõ ràng đây là cái vòng luẩn quẩn mà những quốc gia như Trung Quốc đang phải đối mặt và chúng ta không muốn vướng phải.
Tuần vừa rồi Jean-Claude Trichet, chủ tịch của ECB, cảnh báo rằng các ngân hàng trung tâm thế giới cần tránh lặp lại lỗi lầm của những năm 1970.
Để giữ vững sức mạnh mới, các nhà luật gia của những nền kinh tế đang vươn lên như Việt Nam, Trung Quốc cần kiểm soát lạm phát với "bàn tay thép", bởi lạm phát càng leo cao, nguy cơ gây hại đến tăng trưởng kinh tế trong tương lai càng lớn.